Biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm văcxin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong.

Bệnh dại chủ yếu xuất hiện ở những động vật máu nóng như chó, mèo. Những người mắc bệnh dại là do chó, mèo bị bệnh dại cắn hoặc cào. Nước dãi từ những con vật bị nhiễm bệnh sẽ truyền vi-rút dại sang người thông qua vết cắn, vết cào hoặc những vết thương trầy xước ở trên da.

Cho đến nay, y học hiện đại lẫn y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi lên cơn thì đều dẫn đến tử vong. Biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ gió, sợ nước, co giật, liệt, mắt đỏ. Thời gian ủ bệnh thường là 10 - 120 ngày, tùy thuộc vào vị trí vết cắn và độc lực của vi-rút dại.

images1700868_bna_57ee18d5a9b2a.jpgẢnh minh họa

Biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất để chữa trị những đối tượng bị động vật cắn  hoặc tiếp xúc với vi-rút dại hiện nay là tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, không nên tự ý tìm cách chữa bệnh bằng các phương thuốc không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến tính mạng.

Việc tiêm phòng dại đúng đắn và kịp thời là điều cần thiết, giúp con người tránh khỏi những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra khi bị chó, mèo cắn. Sau đây là một số lưu ý quan trọng, giúp bạn hiểu rõ và thực hiện đúng việc tiêm phòng dại.

Tiến sĩ Đinh Kim Xuyến, Phó chủ nhiệm Chương trình phòng chống bệnh dại, khuyến cáo, khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi han kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văcxin hay không. Sẽ phải tiêm ngay nếu:

- Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.

- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.

- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.

- Không theo dõi được con vật.

- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.

Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày: 

- Vết cắn nhẹ, xa não.

- Con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh.

- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.

Theo tiến sĩ Xuyến, nhiều trường hợp chó cắn ngoài quần bò, tuy trên da vẫn có vết xước nhưng cũng không cần tiêm vì không bị virus xâm nhập. Trong thời gian theo dõi, nếu con vật bị ốm, bỏ ăn, chết, mất tích hay bị bán, mổ thịt thì cần đi tiêm. Sau 15 ngày, nó vẫn sống khỏe mạnh thì có thể yên tâm.

Tiêm phòng dại như thế nào cho đúng?

- Những người bị chó cắn không chảy máu: Theo ThS. Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng quân đội, đối với những người ở địa phương có lưu hành dịch nên tiêm phòng dại và kết hợp việc theo dõi con chó. Nếu sau 10 ngày, con chó không chết thì chuyển từ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thành trước phơi nhiễm.

Với đối tượng ở địa phương không có dịch bệnh dại lưu hành, thì cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày, nếu con chó chết thì cần đi tiêm phòng ngay. Nếu con chó còn sống, bạn không cần đi tiêm phòng.

- Người đã tiêm phòng dại và bị chó nhà cắn: Đối với những người đã tiêm phòng dại, nếu bị chó nhà cắn, cơ thể vẫn còn kháng thể có hiệu lực để bảo vệ với bệnh dại thì có thể không cần tiêm phòng.

Nếu nhận thấy nồng độ kháng thể dưới ngưỡng bảo vệ và con vật nghi bị mắc bệnh dại thì cần tiêm nhắc lại. Theo dõi trong 10 ngày, nếu con vật không bị chết thì không cần tiêm phòng. Nếu con chó bị ốm, bệnh thì cần tìm đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

- Trẻ nhỏ bị chó cắn: ThS. Nguyễn Kiên Cường cho rằng, quan sát trong 10 ngày, con vật không có biểu hiện của bệnh dại thì chưa cần tiêm phòng dại ngay.

Nếu con chó chưa được tiêm phòng, bạn có thể tiêm phòng dại ngay cho trẻ kết hợp với việc quan sát con vật trong vòng 10 ngày. Nếu con vật không chết thì ngừng tiêm phòng hoặc chuyển từ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thành trước phơi nhiễm.

- Đối với phụ nữ mang thai bị chó, mèo cắn: Phụ nữ đang mang thai thường có sức đề kháng kém. Nếu chó, mèo chưa được tiêm ngừa vắc-xin phòng dại thì cần đưa ngay tới Trung tâm Y tế dự phòng để được tiêm phòng dại phù hợp với người đang mang thai.

Khi tiêm vắc-xin cần phải tiêm đủ liều theo quy định của nhà sản xuất, đúng kĩ thuật và vắc-xin đảm bảo được bảo quản ở nhiệt độ từ 4 - 8oC. Phải thực hiện tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin.

Cách chăm sóc sau khi tiêm phòng dại

- Không được làm việc quá sức, đảm bảo sức khỏe  để sinh hoạt và lao động. Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya.

- Tuyệt đối không uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích trong thời gian tiêm phòng. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Không sử dụng các loại thuốc corticoides, ACTH, thuốc làm giảm miễn dịch trong và sau khi tiêm vắc-xin dại 6 tháng.

- Nếu sau khi tiêm phòng, bạn gặp các phản ứng phụ như: Tại chỗ tiêm bị ngứa, sưng và đau; toàn thân thấy mệt mỏi, đau nhức, chóng mặt, sốt, đau khớp, dị ứng... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN