(Baonghean) - Sau khi gồng mình suốt 6 năm “chỉ có học và thi” ở trường đại học, các bác sỹ lại phải tiếp tục những chặng đường học tập tiếp theo. Đối với nghề này, việc học phải liên tục để cập nhật kiến thức về những loại bệnh mới, cũng như phương pháp chữa bệnh đang ngày càng thay đổi.

 » Bác sỹ đa khoa - Ngành học vất vả nhất Việt Nam

Tối muộn, sau khi đã kết thúc những công việc trong ngày, như thường lệ, bác sỹ Nguyễn Hồng Trường lại vùi đầu vào máy tính để tìm hiểu thêm kiến thức ngành y. Mặc dù hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, nhưng bác sỹ Trường vẫn thường xuyên trực tiếp chữa trị bệnh nhân. Cũng như nhiều bác sỹ khác, ông thường vào các trang mạng về ngành y tìm hiểu xem các loại bệnh vừa tiếp nhận trên thế giới đã có cách chữa nào tốt hơn chưa.

1510711015300.jpgBác sỹ Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp ngành bác sỹ đa khoa ở Trường Đại học Y Thái Bình từ năm 2001, về làm việc ở TP. Vinh một thời gian ngắn, bác sỹ Trường lại phải tiếp tục khăn gói đi học. Việc học và làm cứ thế luân phiên nhau đến tận bây giờ.

“Ra trường đi làm được một thời gian, đầu tiên là tôi mất gần một năm để học chuyên khoa định hướng. Sau đó, đến năm 2005 tôi lại phải tiếp tục dành 2 năm nữa để ra Thái Bình học chuyên khoa I. Nhận bằng bác sỹ chuyên khoa I xong, đến năm 2010 tôi lại học thêm bác sỹ chuyên khoa II. Lần gần nhất tôi đi học tập trung là vào TP. Hồ Chí Minh học một năm về chuyên sâu…”, bác sỹ Trường cho biết.

Tính ra, từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, trong suốt 16 năm thì bác sỹ Trường đã phải nghỉ việc, xa nhà hơn 7 năm để học và ôn thi tập trung. Đó là chưa kể thời gian ông tranh thủ tự học ở nhà cũng như học hỏi từ các đồng nghiệp tại bệnh viên.

Bác sỹ Trường cho rằng, nghề y là một nghề đặc biệt, nhiệm vụ của y, bác sỹ gắn liền với sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy, việc cập nhật liên tục những kiến thức, hạn chế tối thiểu những sai sót chuyên môn là nhiệm vụ bắt buộc. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ, việc cập nhật kiến thức của bác sỹ là điều vô cùng cần thiết. 

Đối với bác sỹ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, thì ông không nhớ nổi mình có đến bao nhiêu văn bằng, chứng chỉ sau gần 20 năm ra trường. “Có lẽ tôi có khoảng 50 cái, trong đó có cả những chứng chỉ ngoại ngữ từ tiếng Anh đến tiếng Pháp” - bác sỹ Cương nói.

Tốt nghiệp năm 1999, sau 6 năm đèn sách ở Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Cương không bắt đầu làm việc luôn mà tiếp tục ôn thi vào bác sỹ nội trú. Lần thi này, theo bác sỹ Cương, còn khó hơn cả kỳ thi vào đại học. “Đó có lẽ là kỳ thi khó nhất trong đời tôi”, bác sỹ Cương nói.

Sau quãng thời gian ôn thi căng thẳng, cuối cùng bác sỹ Cương cũng nằm trong số ít thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, trong suốt gần 4 năm học bác sỹ nội trú, quá trình học lại còn vất vả hơn những ngày sinh viên. Thời gian này, gần như cả ngày, các học viên phải ở lại bệnh viện để học.

“Muốn gặp bạn bè, người thân hoặc đi đâu đó chơi thì phải sau 22h mới được ra ngoài. Nhưng giờ đó đã quá mệt mỏi rồi, nên thường chẳng đi được đâu nữa”, bác sỹ Cương cho hay.

Việc học gần như chiếm hết thời gian, sang năm thứ 2, bác sỹ Cương phải tranh thủ gần một tuần được nghỉ Tết để lấy vợ. Vợ làm việc ở TP. Vinh, sau đêm tân hôn vài ngày, chú rể lại phải vội vã lên đường.

Sau 10 năm liên tục học đại học và bác sỹ nội trú, bác sỹ Cương được nhận về Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Tuy nhiên, sau vài năm làm việc, ông lại phải tiếp tục khăn gói lên đường đi học. Lần này là những khóa học chuyên sâu về siêu âm, tim mạch…

“Bác sỹ là vậy, cứ làm việc được khoảng 2 năm lại phải tiếp tục đi học để cập nhật kiến thức. Đó là chưa kể phải tranh thủ thời gian rảnh rỗi học các kỹ năng phụ khác như ngoại ngữ, tin học, rồi những buổi đi tập huấn”, vị bác sĩ 42 tuổi nói. 

Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An. Ảnh: BVHNĐK

Tương tự, bác sỹ Phạm Văn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện 115 nói rằng, từ khi đặt chân vào trường y đến nay, thời gian rảnh rỗi để dành cho gia đình đối với ông là một thứ xa xỉ. “Đối với nhiều nghề khác, cứ hết giờ thì được nghỉ. Còn với bác sỹ chúng tôi, khi nào hết việc thì mới được nghỉ. Rồi lại phải sắp xếp thời gian để vừa làm vừa học, rất áp lực! - ông Dũng nói - "Có nhiều tuần liền không hề được gặp mặt con vì thường phải đi sớm, về muộn. Chưa kể những tháng liên tục xa gia đình đi học thêm”.

Chia sẻ về thời gian học tập, bác sỹ Dũng cho hay, để được như ngày hôm nay, ngoài 6 năm học đại học ở Huế, ông còn mất thêm 6 năm nữa để học nâng cao và hiện tại vẫn đang tiếp tục học.

“Trong khi đó, việc học của các bác sỹ cũng rất nặng nhọc, có khi suốt một tuần lễ tôi chẳng ngủ trọn một giấc nào. Học thực hành phẫu thuật suốt nửa ngày, mỏi chân, dép đi cũng không nổi. Nếu không có đam mê, sẽ chẳng ai theo đuổi nổi nghề này”, bác sỹ Dũng nói và cho hay, ngày nay, ngoài kiến thức uyên bác của một thầy thuốc thì các phương tiện chẩn đoán như: chụp cắt lớp vi tính, chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm… đã giúp cho chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Nhưng máy móc cũng là do con người làm ra, do con người điều khiển, nên dù khoa học có tiến bộ ra sao thì yếu tố quyết định vẫn là kiến thức của con người, mà điều này chỉ có được bằng sự cố gắng trong học tập.

Việc không ngừng học tập không chỉ dành riêng cho những người đã là lãnh đạo bệnh viện. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòa - Trưởng khoa Thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, hầu hết các bác sỹ bất kể chức vụ nào đều phải cập nhật kiến thức, tự nâng cao trình độ. Thậm chí, việc bác sỹ phải “học tập suốt đời” còn được đưa vào luật.

“Mới đây, Bộ Y tế đã có dự thảo quy định, tất cả bác sỹ phải thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa; phải được đào tạo kiến thức y khoa tối thiểu 48 tiết trong 2 năm liên tục. Nếu không có thể bị tước chứng chỉ hành nghề”, bác sỹ Hòa nói.

Tùy thuộc vào các tuyến bệnh viện mà có những quy định riêng, tuy nhiên thông thường các chức vụ như trưởng các khoa, lãnh đạo bệnh viện đều phải có trình độ sau đại học. Như bác sỹ Hòa vừa trở về từ chuyến du học kéo dài 5 năm để lấy bằng tiến sỹ ở Nhật Bản, ra trường 19 năm nhưng đến nay ông đã mất hơn 8 năm đi học tập trung, chưa kể những buổi tập huấn ngắn hạn hoặc các cuộc hội thảo trong ngành. 

Ông Phan Quốc Hội - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y khoa Vinh cho biết, để cập nhật kiến thức, nhiều bác sỹ thậm chí tự nguyện đăng ký để tham gia giảng dạy tại trường.

“Họ muốn đi dạy không chỉ để truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên mà còn muốn cập nhật kiến thức cho bản thân. Vì trong quá trình dạy, họ cũng phải nghiên cứu thêm kiến thức, những phương pháp chữa bệnh mới”, ông Hội nói.

Khi làm việc tại các cơ sở y tế, dù ở lĩnh vực nào thì người thầy thuốc cũng không dừng sự học tại đó. Kiến thức được trang bị tại trường y chưa thể đủ để giúp họ làm việc tốt, họ lại tiếp tục học: Chuyên khoa định hướng, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ…

Nhưng khi mô hình bệnh tật thay đổi, xã hội và khoa học càng phát triển thì sự học càng phải nhiều, có như vậy các thầy thuốc mới theo kịp bước tiến chung của y học, mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vì vậy mà khi lựa chọn công việc này, các bác sỹ chấp nhận mình như là sinh viên suốt đời.

(Còn nữa)

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN