Có đến hàng trăm người đi xem hội Xăng Khan tại nhà ông Lữ Thái Phúc, bản Đình Yên, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) vào sáng 30/04. Ảnh: Hữu Vi

Xăng Khan là lễ hội của những thầy mo tổ chức nhằm cầu mong cho bản mường yên ấm. Các thầy mo khi đã hành nghề lâu năm thường có các “con nuôi” của mình. Họ đôi khi cũng là thầy mo. Trong lễ hội này có một mo chủ lễ đồng thời cũng là chủ nhà, là người đứng ra tổ chức lễ hội. Tham gia ngoài các con nuôi và các thầy mo trong vùng còn có người dân trên địa bàn và những làng bản lân cận.

Biết có lễ hội, chúng tôi tức tốc lên đường đến bản Đình Yên, xã Yên Hòa (Tương Dương). Bản này nằm trên Quốc lộ 48C cách thành phố Vinh khoảng 200 km về phía tây. Đất này xưa gọi là mường Xiêng Men, địa vực của người Thái. Chủ lễ là thầy mo Lữ Thái Phúc, năm nay 71 tuổi và đã làm thầy mo từ 28 năm nay.

Thầy mo Lữ Thái Phúc là người tổ chức lễ hội. Ảnh: Hữu Vi
Chúng tôi tới nơi khi ngày mới bắt đầu. Từ ngôi nhà ven Quốc lộ, tiếng chiêng trống vọng lại nghe thật náo nhiệt. Thầy mo có vẻ khá chuyên nghiệp khi trước đó đã phát giấy mời đi các bản có người thân quen.
Trước nhà thầy mo Phúc bày bàn ghế, đặt những mâm cơm thịnh soạn để đón khách. Một chiếc hộp đựng tiền hình trái tim được đặt trang trọng ở một vị trí thuận lợi. Gia chủ ra tận lề đường đon đả mời khách. Lễ hội dễ chừng có đến vài trăm khách tham gia.
Cây Xăng Khan là trung tâm của lễ hội. Trên cái cây gồm 9 tầng được dựng bằng tre này đã mô phỏng cuộc sống phần hồn cũng như phần xác của người Thái. Ảnh: Hữu Vi

Không gian chính là gian ngoài ngôi nhà cấp bốn của gia đình ông Phúc. Bước qua cửa ra vào gặp ngay cây Xăng Khan, cũng là trọng tâm của lễ hội. Cây gồm một thân tre cao, chung quanh gắn những cái que, đầu que cắm những hoa lá, chim muông, cá, tôm được gọt từ lõi cây sắn và những tấm xốp. Chúng được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng là những màu ưa thích của cộng đồng người Thái xứ Nghệ. Chúng ta cũng có thể thấy những gam màu này trong váy và khăn thêu của phụ nữ Thái.

Cây Xăng Khan có 9 tầng tượng trưng cho các mường tâm linh của người Thái. Tầng dưới cùng là mường đất, trên chóp là mường Trời. Tầng dưới còn bày những vò rượu cần cạnh gốc cây. Ngoài ra còn có cả những mô hình mô phỏng sinh thực khí đàn ông.

Chiếc máy bay, một phương tiện hiện đại cũng xuất hiện trong cây Xăng Khan. Ảnh: Lô May Hằng
Ngang tầm tay với có một giàn bằng tre cắm những chiếc ô trang trí và cả các ô dành cho người chơi hội tham gia các tiết mục Xăng Khan. Chúng tôi tới nơi thì đã diễn ra một số tiết mục mô phỏng các sinh hoạt đời thường của một cộng đồng, trong đó có các hoạt động như rèn dao, đi săn và cả hoạt động múa sinh thực khí mô tả cảnh sinh hoạt vợ chồng để phát triển nòi giống.
Cảnh rèn dao, mô phỏng công việc thường ngày trong truyền thống tại những bản làng người Thái. Ảnh: Lô May Hằng
Thầy mo đi săn thú tại sân khấu Xăng Khan. Ảnh: Lô May Hằng
 
Múa sạp tại lễ hội Xăng Khan ở bản Đình Yên. Ảnh : Hữu Vi

Ông Lữ Thái Phúc cho biết: Xăng Khan có 24 tiết mục. Mở đầu bằng việc hát miêu tả một tầng tâm linh theo quan niệm của người Thái linh gọi là Mương Môn và kết thúc bằng tiết mục gùi rượu về mường Trời. Trong 24 tiết mục chỉ có 9 tiết mục là có thể nhìn thấy được, nghĩa là được biểu diễn cạnh cây Xăng Khan. Còn lại đều là những “diễn ra” ở mường tâm linh. Chúng ta chỉ có thể  hình dung qua những câu hát của thầy mo.

Cũng theo ông Lữ Thái Phúc, trước đây, lễ hội diễn ra trong 2 ngày. Ngày nay các thầy mo rút lại còn một đêm và một buổi sáng.

Trước đó từ 1 giờ đêm, đã diễn ra lễ dựng cây Xăng Khan sau đó nhiều tiết mục đã diễn ra suốt cả đêm. Và kéo dài đến giữa trưa mới kết thúc. Ông Phúc cũng chia sẻ rằng, phải 8 năm ông mới tổ chức lễ được một lần, trong khi đó các lễ hội Xăng Khan thường cách nhau 3 năm. Một lễ hội như thế thường do gia chủ tự bỏ tiền tổ chức. Các thầy mo khác và các con nuôi thường chỉ hỗ trợ rượu cần, gạo… Mỗi lễ Xăng Khan ông phải mổ 1 con dê, 1 con bò và 2 con lợn. Chưa kể tiền công thuê người làm cây Xăng Khan. Chi phí cho lễ hội có thể đến 20 triệu đồng.

Theo quan niệm của người Thái, tổ chức lễ Xăng Khan là “nghĩa vụ” của thầy mo với các thế lực thần linh mà họ thờ phụng. Nếu không làm lễ Xăng Khan, thầy mo tin rằng họ có thể bị gây khó khăn và việc hành lễ về sau sẽ không thuận lợi. Sau mỗi lễ hội Xăng Khan, thầy mo thường tự tin hơn khi hành lễ vì đã được “phong cấp”.

Hội Xăng Khan tại bản Đình Yên.
Lễ hội Xăng Khan thực sự là một sinh hoạt tâm linh cuốn hút bởi sự độc đáo có một không hai của nó. Ở đó, người tham gia lễ hội có được trải nghiệm về đời thực và cả thế giới tâm linh của cộng đồng người Thái ở Nghệ An được sân khấu hóa trong không gian lễ hội.

Cuối năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã xếp Xăng Khan vào danh mục các sản phẩm văn hóa phi vật thể. Hiện tại người Thái ở Nghệ An có 2 sinh hoạt văn hóa tâm linh trong danh mục này. Ngoài Xăng Khan còn có nghi lễ đền Chín Gian của huyện Quế Phong.