(Baonghean.vn) - Có những dòng họ người Mông việc thờ cúng chiếc trống như đối với tổ tiên của mình và gọi đó là tục “nuôi trống”. Truyền thuyến kể rằng phong tục được khai sinh bởi một người đàn ông có tới 9 bà vợ.
Thờ “ma trống”
Ông Và Rua Nù trú bản Hợp Thành (Xá Lượng – Tương Dương) cho biết. Nhiều dòng họ người Mông xem chiếc trống như là tổ tiên của chính mình. Chính vì thế có khá nhiều kiêng kị và tục thờ cúng liên quan đến chiếc trống. Chiếc trống thường được treo trên thanh xà, vị trí được cho là cao nhất trong nhà.
Thường thì có 2 loại trống. Chiếc lớn treo cố định trên xà nhà và chỉ phục vụ đám tang. Chiếc bé hơn thường dùng trong những lễ cúng. Những dòng họ không có tục thờ trống cũng thường có chiếc trống nhỏ này trong nhà..
Người Mông ở Nghệ An có một số dòng họ như: Lì, Xồng, Thò, Và… có phong tục thờ trống. Thứ nhạc khí này được những dòng họ kể trên xem như tổ tiên của mình. Họ gọi đó là chiếc trống làm ma vì chỉ được hạ xuống khi trong gia đình hoặc cộng động có người mất.
Người Mông gọi phong tục này là “nuôi trống”. Cứ mỗi năm, khi tết đến gia đình “nuôi trống” lại mổ một con gà để cúng cho ma trống. Thường thì chỉ có những nhà có treo chiếc trống lớn ở dưới xà nhà làm nghi lễ này.
Truyền thuyết về người đàn ông 9 vợ
Nhiều phong tục của người Mông thường gắn với những truyền thuyết. Tục thờ trống cũng vậy. Đó là chuyện về ông chín vợ. Câu chuyện được truyền tụng trong dòng họ Xồng ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Không ai nhớ là cách đây bao lâu, chỉ biết rằng chuyện xảy ra ở bản người Mông nọ, nơi dòng họ Xồng cư trú.
Một người đàn ông có đến 9 bà vợ thế nhưng họ chung sông hòa thuận. Khi về già một hôm nằm mơ thấy có điềm gở, biết mình sắp lìa đời liền báo lại với con trai trưởng, người sẽ lo đám tang cho mình.
Theo phong tục người Mông, khi cha mẹ chết đi, con cái phải làm 3 chiếc trống cho mỗi người. Anh con trai nhẩm tính sau đám tang của bố, rồi khi những bà mẹ về già chết đi anh ta sẽ phải làm đến 30 chiếc trống. Đó là một công việc không hề dễ dàng vì việc chọn gỗ, thuộc da làm trống là vô cùng gian nan.
Trước lúc lâm chung, ông bố mới bảo với con trai trưởng rằng: Thôi thì từ nay con hay “nuôi” chiếc trống làm ma cho bố để dùng cho những lần sau. Sau đám ma của ông bố, chiếc trống được treo trên xà nhà để dùng cho những đám tang của gia đình và cộng đồng. Từ đó con cháu không phải vào rừng đốn gỗ làm trống khi có người thân mất nữa. Chiếc trống được xem như nơi nương tựa của linh hồn những người đã khuất.
Phụ nữ bị cầm sờ vào trống thiêng
Theo phong tục của những dòng họ “nuôi” trống, thì sau khi chủ nhân của chiếc trống mất đi nó được truyền lại cho người lớn tuổi nhất trong họ. Gia đình này có nghĩa vụ kế tục việc thờ cúng vật thiêng này.
Phong tục của người “nuôi” trống cấm phụ nữ sờ vào vật thiêng này, bất luận người phụ nữ đó là ai đều không được phép. Người ta quan niệm khi nữ nhân động đến, những linh hồn đang trú ngụ sẽ rời bỏ chiếc trống.
Khi một phụ nữ nào đó phạm phải kiêng kỵ này, người ta phải mổ lợn để xin những linh hồn trở về với chiếc trống. Cũng để tránh phụ nữ tiếp xúc, chiếc trống thiêng được treo nơi cao nhất trong nhà.
Những chiếc trống cũng thường được cộng đồng mượn khi có ma chay. Và người hạ trống xuống cũng phải là đàn ông và thường biết được bài cúng hạ trống. Khi chiếc trống đã được đưa xuống khỏi xà nhà người ta đánh 3 hồi 7 tiếng, nếu người mất là nam và 3 hồi 9 tiếng, nếu người mất là nữ.
Chiếc trống sẽ được dùng suốt trong đám tang, thường diễn ra từ 2 – 3 ngày. Khi trống thủng, người ta sẽ lấy da một con bò đã mổ trong đám tang bịt lại mặt trống và tiếp tục đánh cho đến khi xong các nghĩ lễ tiễn người chết về trời.
Trong trường hợp một chiếc trống được mượn đi không dùng đến và đem trả lại, người mượn trống cũng phải mất một đôi gà để cúng “xin lỗi” trống và cầu chúc cho gia chủ được bình an, mạnh khỏe.
Khi xong lễ, gia chủ cũng được một món quà biếu là một miếng thịt lợn từ nhà có đám tang. Lễ vật này cũng được cúng cho trống thiêng khi nó được trả về vị trí của mình trên chiếc xà nhà.
Hữu Vi