(Baonghean) - Trong kho tàng chuyện tiếu lâm hiện đại thì chủ đề về vệ sinh an toàn thực phẩm có vẻ như được “ưu ái” để chiếm một dung lượng rất đáng kể. Thiên hạ “thi đua lập thành tích” chế giễu bởi hiển nhiên có muôn vàn lý do để không thể không quan tâm đến nó.
 
Ngày nay, khi đưa bất kỳ một thứ gì vào dạ dày, người ta dường như phải chấp nhận nuốt kèm cả vô số những câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng bằng một cái... nhắm mắt. Nhân dịp cuối tuần của tân niên, lại vào thời điểm “chính vụ” của chủ đề đang “hot” kia, khi những “con ruồi trong chai nước”, những “đỉa trong mì tôm”, hay “sinh vật lạ trong hạt hướng dương” đang vào hồi gay cấn, người viết bài này xin hầu kể cùng độc giả vài câu chuyện vui vui, vừa có thật lại vừa như có vẻ thật, xung quanh cái “ông” vệ sinh an toàn thực phẩm này.
 
 
images1136822_an_toan_thuc_pham.jpgTranh minh họa
 
Chuyện thứ nhất kể, nhà nọ nằm ở huyện N ven đô, chuyên nghề trồng rau cung cấp cho chợ đầu mối. Nhà này lại đang có cô con gái cực kỳ xinh xắn đến tuổi kén chồng. Trai trong làng dập dìu cưa tán nhưng mãi vẫn không ai lọt nổi vào được “mắt xanh” của các bậc... phụ huynh. Lý do vẫn cứ muôn thủa, đứa thì thất nghiệp, đứa thì yếu, đứa thì lại ở xa. Trong một lần “tổng duyệt” bà mẹ tinh ranh quả quyết “Con cứ chọn cậu người Vênh (Vinh - P.V) cho mẹ. Chỉ có nó là đủ sức khỏe để con trông cậy lâu dài. Có sức khỏe là có tất cả”. Cô gái mừng thầm vì trúng ý tim đen nhưng vẫn “chất vấn” phụ huynh cho có vẻ dân chủ: “Cơ sở mô để mẹ khẳng định là anh người Vênh có sức khỏe tốt?”. Người mẹ bình thản giải trình “Mi hay chưa, đã là người Vênh thì ai nỏ khỏe. Rau nhà mềnh quanh năm phun hóa chất ra rứa, họ ăn cả ngày mà có chộ ai can chi mô. Dân Vênh khỏe nhất... thế giới!”.
 
Ấy là câu chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai thì ngay trong nhà bạn của tôi. Tuần trước bạn được bà chị họ biếu mấy bó rau ngót tự trồng. Của hiếm nên vợ chồng liền đem nấu canh, đã thế lại còn múc mấy bát tô mời hai bên nội ngoại. Tưởng vậy là ngon lành, ai dè nửa đêm cả nhà bạn, cả nhà nội lẫn nhà ngoại bỗng nhiên bị rối loạn tiêu hóa, “tào tháo đuổi” suốt sáng. Nghi ngờ canh rau ngót là thủ phạm bạn liền lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả mấy bát canh kia vô tội, nó là rau sạch, nó không hề có hóa chất. Để tránh lặp lại tình huống tương tự, bạn quyết tìm ra nguyên nhân bằng cách nhờ tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Sau một hồi hỏi han, vị bác sĩ kết luận: “Chính bát canh kia là thủ phạm. Nó là rau quê tự trồng kính biếu, nó sạch quá. Nhà anh ở thành thị, suốt ngày xơi thực phẩm nhiễm hóa chất quen bụng rồi, bây giờ có tý rau sạch, “lạ bụng” thành thử rối loạn tiêu hóa ấy mà”. 
 
Xin lỗi, vì đã làm mất thời gian của bạn đọc bởi những câu chuyện hơi tầm phào. Đấy là chuyện phịa. Chỉ có điều, chúng ta không khó để nhận ra thiên hạ vẫn dành thời gian và sự hài hước để bày tỏ tâm trạng trước thực trạng báo động đỏ của vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, điều đáng nói, vấn đề cần suy nghĩ một cách nghiêm túc là gần đây sự phản ứng không còn dừng lại ở những câu chuyện phiếm “bôi bác” nữa. Nghiêm trọng hơn, to tát hơn là đang diễn ra một cuộc “cách mạng” trong ứng xử của người tiêu dùng. Một sự phản ứng đầy cảm xúc của bản năng sinh tồn! Thực phẩm bẩn trên thị trường đang âm thầm bị tẩy chay bởi nguồn tự cung tự cấp! Điều gì đang diễn ra vậy?
 
Đất nước đã đi qua 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường với nguyên tắc “phân công lao động xã hội” ngày càng hoàn chỉnh, tại sao lại có chuyện “tự cung tự cấp” thế kia? Thưa rằng, chắc không nhiều người thích thú gì việc gieo đậu, cấy hành, trỉa tía tô vào mấy cái thùng xốp trước nhà. Cũng không ai đam mê điền viên đến mức “chen lấn xô đẩy” để trồng xà lách, đặt giàn đậu lên cả vỉa hè, vôn – ba. Cực chẳng đã, người ta buộc phải “manh động” vậy. Tết Quý Tỵ đến tết Giáp Ngọ rồi qua tết Ất Mùi vừa qua, chúng ta thấy làng làng sấy bò khô, nhà nhà nặn bánh cà và người người sao chế mứt dừa. Người ta lên mạng “đao” công thức, người ta mày mò khổ sở hỏi han nhau kinh nghiệm “mấy nước mấy đường” để chế chế, biến biến.
 
Mục đích gì ư? Rất đơn giản, để dùng, để mời khách, mà nói như các chị nội trợ đảm đang là “để sống cái đã”! Mấy món kẹo “xanh vỏ đỏ lòng” bỗng đâu “ế chỏng vó”. Một cú vỗ mặt của “thượng đế”? Thị trường đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng lòng tin? Không dám vội vàng để đưa ra câu trả lời, nhưng điều chắc chắn là thực phẩm an toàn đang dần đánh mất đi điều quan trọng nhất – niềm tin người tiêu dùng. Cách đây chưa lâu, nhà chức trách còn phanh phui cả một siêu thị dán mã vạch rau sạch bằng bản photocoppy! Dí dỏm nhất là ở HN, các mẹ buộc phải tìm thứ rau có lá bị sâu gặm vì cho rằng nó không bị phun hóa chất theo nguyên lý “sâu ăn được thì người ăn được”.
 
Ấy vậy mà, nghe đồn, nắm được “nhu cầu” này, chỉ mấy tháng sau chiếc máy bấm lỗ “làm giả rau bị sâu ăn” đã ra đời. Đúng là hết nói! Giờ thì các mẹ, các chị đi chợ quyết tránh xa “hàng đẹp”. Rau, hoa quả càng tươi, càng non, càng xanh càng bị coi là “đểu”, là “phun”. Họ tìm đến và tranh nhau mua những quả dưa leo cong quắt, những bó rau lang già nua khổ sở. Đồn rằng có người nhập về cả ngàn quả “trứng tàu”, nhưng bôi cho bẩn rồi chỉ bày bốn năm quả lên ổ trấu bán cho nó... giống trứng “gà nhà”! Lại nghe nói người trồng rau ở cái huyện N, ngoài “rau Vinh” thì mỗi nhà còn có cả một luống riêng để dùng. Thực trạng không xanh non như rau... Vinh.
 
Thật đáng buồn, một bộ phận đang làm ăn theo kiểu chụp giựt. Lối kiếm tiền nhanh bằng mọi giá năm trước đã đẩy tôm xuất khẩu bị trả về vì hàm lượng tồn dư hóa chất cao. Giờ thì trong nước, lối làm ăn này đang phải nhận bài học trực tiếp từ phía người tiêu dùng. Tại sao khách hàng lại phản ứng tiêu cực như vậy? Họ bị dồn đến chân tường, không còn cách nào khác, họ buộc phải họ lùi về và cố thủ bằng nguồn tự cung tự cấp! Chúng ta biết rằng, từ năm 1776, nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith đưa ra luận thuyết trong nền kinh tế thị trường có sự điều khiển của "bàn tay vô hình". Vâng, “nó” đang hành động!
 
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “bàn tay vô hình” muốn làm gì thì làm. Ngày nay, trong kinh tế thị trường hiện đại, khi cần thiết, sự tác động của nhà quản lý thông qua các chính sách đã chứng minh thành công tính ưu việt. Chúng ta không thể thờ ơ trước một diễn biến có dấu hiệu méo mó của thị trường. Không thể để xà lách mọc nhếch nhác lên vỉa hè mãi thế được. Nếu không có sự can thiệp, những phản ứng kiểu này sẽ làm chậm đi tiến trình phát triển hướng đến sự tròn trịa của nền kinh tế. Có lẽ không ai trách người tiêu dùng, họ không phải là người làm chính sách, vả lại họ cũng không thể mãi chấp nhận những thứ “lạ bụng”.
 
 
Nguyễn Khắc An