(Baonghean) - Trong vai trò chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 4-5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc đang hy vọng sẽ củng cố vị thế như một cường quốc toàn cầu và là người dẫn dắt sân chơi kinh tế thế giới với nhiều đề xuất táo bạo. Tuy nhiên, những tham vọng của Bắc Kinh được cho sẽ không dễ trở thành hiện thực.
Thông điệp từ Hàng Châu
Không phải ngẫu nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang làm nơi tổ chức sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của nước này - Hội nghị thượng đỉnh G20. Hàng Châu được ca ngợi là một trong những thành phố đẹp nhất và thu hút nhiều du khách nhất ở Trung Quốc. Nơi đây cũng nổi tiếng với những hãng công nghệ lớn như Tập đoàn thương mại trực tuyến Alibaba lớn nhất thế giới của tỷ phú Jack Ma. Công nghệ thông tin chiếm 23% GDP của Hàng Châu, đóng góp hơn 45% vào tăng trưởng GDP của thành phố này trong năm 2015.
Có thể nói, Hàng Châu được cho là hiện thân của sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất chi phí thấp sang phát triển bằng công nghệ cao. Vì vậy, việc chọn thành phố này làm nơi đăng cai hội nghị G20 là thông điệp của Trung Quốc rằng G20 nên tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế theo phương châm “nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối với nhau”.
Đây cũng là chủ đề xuyên suốt của Hội nghị năm nay với kỳ vọng của nước chủ nhà đưa G20 trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”.
Thực tế Hội nghị G20 lần thứ 17 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi chậm chạp. Những mảng màu u ám của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 8 năm khiến bức tranh kinh tế thế giới khó có khởi sắc ấn tượng. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), 2016 là năm thứ 5 liên tiếp nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở dưới mức bình quân 3,7% ghi nhận trong các năm 1990-2007. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, kinh tế thế giới chứng kiến thời gian tăng trưởng trì trệ dài như vậy.
“Toa thuốc” của Bắc Kinh
Để thoát khỏi trạng thái tăng trưởng ì ạch, không chỉ các nền kinh tế phát triển hay mới nổi mà toàn cầu đều mong muốn “một làn gió mới” thúc đẩy “con tàu kinh tế” tăng tốc. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội là nước chủ nhà đăng cai hội nghị G20 để đưa ra những “liều thuốc” mong muốn mang lại “sức sống mới” cho nền kinh tế toàn cầu.
Tham vọng này của Bắc Kinh được thể hiện ngay khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Trung Quốc tuyên bố sẽ tạo đột phá cho hội nghị thông qua việc đưa ra sáng kiến thúc đẩy tiềm năng kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn theo hướng đổi mới, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp mới và nền kinh tế kỹ thuật số.
Cụ thể, Bắc Kinh đã đề xuất 4 vấn đề lớn sẽ được tập trung thảo luận gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.
Những sáng kiến này của Bắc Kinh được đánh giá là đúng thời điểm bởi các mô hình thúc đẩy kinh tế hiện nay vốn chủ yếu dựa vào các gói kích thích và nới lỏng tiền tệ đang trở nên kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn mời số lượng kỷ lục các nước đang phát triển tham dự hội nghị nhằm chứng tỏ tiếng nói của các nước đang phát triển hoàn toàn được lưu tâm, các nước phát triển và đang phát triển có quyền tham vấn bình đẳng.
Trung Quốc luôn cho rằng, suốt nhiều năm qua, các quốc gia đang phát triển đã phải hứng chịu tác động tiêu cực từ tình trạng thiếu công bằng, minh bạch và hiệu quả của các thể chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Thế giới và Ngân hàng Thế giới, do điều kiện chính trị mà họ đặt ra đối với viện trợ phát triển.
Tóm lại, kỳ vọng của Trung Quốc là muốn thông qua Hội nghị G20 lần này tạo dấu ấn mới đối với nhóm 20 nước vốn chiếm tới 85% GDP và 2/3 dân số của thế giới, đồng thời chuyển đổi cơ cấu và cách thức hoạt động của nhóm này. Xa hơn là tham vọng của Trung Quốc trở thành nước điều hành kinh tế toàn cầu.
Nói dễ hơn làm
Nếu những đề xuất của trung Quốc được thông qua tại Hội nghị G20, đó sẽ là cách tốt nhất để Trung Quốc “gỡ điểm” sau khi tham vọng bá quyền trên biển của nước này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, nói và làm là hai chuyện khác nhau.
Trong khi kêu gọi chính sách “cởi mở về thương mại và đầu tư” để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, Trung Quốc lại bị chỉ trích là “chơi sai luật” khi có cáo buộc rằng chính phủ nước này trợ giá cho các ngành công nghiệp địa phương để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc nhiều quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh muốn các quốc gia phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng chính Trung Quốc lại không làm gì nhiều để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, những tham vọng chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên các vùng biển quan trọng ở châu Á cũng khiến quốc tế “dè chừng” trước những đề xuất cải cách của nước này trong lĩnh vực kinh tế. Đó là sự lo ngại về một quốc gia “cậy thế nước lớn” sẽ khiến cỗ máy kinh tế toàn cầu lệch hướng theo những toan tính riêng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lâu nay, G20 là một cơ chế đối phó với những tác động ngắn hạn của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc lại mong muốn thay đổi nó thành một cơ chế dài hạn, có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, rất khó để cơ chế này được hình thành. Bởi lẽ, các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản không mong đợi Trung Quốc đóng một vai trò lớn trên “sân khấu” kinh tế thế giới và họ sẽ hạn chế Bắc Kinh bằng nhiều cách.
Chẳng hạn, Mỹ là nước khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nước châu Á - Thái Bình Dương hay Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với các nước châu Âu trong những năm gần đây. Chắc chắn, mục đích của những Hiệp định này là nhằm hạn chế vai trò hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Tính cạnh tranh, chế ngự lẫn nhau giữa các nước phát triển luôn luôn tồn tại, vì vậy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hạn chế và trở ngại nhất định khi cố gắng khi muốn “làm chủ” cuộc chơi trong G20.
Vì thế, để đảm bảo cho Hội nghị G20 năm nay thành công, Trung Quốc cố gắng đưa vào nghị trình Hội nghị những vấn đề dễ đạt được đồng thuận, như tăng cường kết nối, xóa đói giảm nghèo, hay chống biến đổi khí hậu.... Ngay khi Hội nghị chưa diễn ra thì Bộ trưởng Ngoại giao nước này Vương Nghị đã cho biết Hội nghị sẽ đạt được khoảng 30 nội dung cụ thể.
Tuy nhiên, những “kết quả” mà Trung Quốc dự báo liệt kê ra chủ yếu tập trung trong lĩnh vực ít nhạy cảm, trong khi các vấn đề gai góc như chống bảo hộ mậu dịch, hay chính sách thương mại, đầu tư… sẽ khó có bước đột phá đáng kể.
Theo nhiều chuyên gia, với việc lần đầu tiên đảm nhận cương vị chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không bỏ qua cơ hội để “hô hào” và “đánh bóng hình ảnh”. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng và vị thế sẽ là chặng đường nhiều thách thức với Trung Quốc.
Thanh Huyền