(Baonghean) - Thời chống Pháp, có một “binh chủng” đặc biệt, góp phần làm nên chiến thắng – “binh chủng xe thồ”. Người Pháp từng thú nhận thua trận ở Việt Nam xuất phát từ những chiếc xe đạp thồ.

Thuở nhỏ, thằng bạn nhà bên cạnh ông nội có chiếc xe đạp thồ, thường dùng để chở củi, ngô và lúa về nhà, khối lượng vận chuyển gần bằng xe trâu nhưng đi nhanh hơn. Nó tự hào lắm, vì chiếc xe đạp thồ ấy từng theo chân ông nội nó đi dân công hỏa tuyến, chở hàng ra tận Tây Bắc, Điện Biên. Thi thoảng, ông nội nó kể lại những kỷ niệm về những chuyến tải gạo ra chiến trường, những vất vả, hiểm nguy nhưng cũng vô cùng tự hào và oanh liệt.

Lúc ấy, chúng tôi nghĩ rằng Điện Biên xa lắm cũng chỉ bằng ở làng bên, dốc Pha Đin và đèo Lũng Lô có lẽ hiểm trở như hai con dốc cao ở dãy núi phía sau nhà... Lớn thêm một chút, học lịch sử, chúng tôi mới biết Điện Biên rất đỗi xa xôi và hiểm trở, bốn bề bao quanh là núi, giữa là thung lũng mênh mông, việc tiếp tế cho chiến dịch vô cùng gian khó.

images1894481_dien_bien_3.jpgĐoàn xe đạp thồ của dân công hỏa tuyến Liên khu 4 vận chuyển hàng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Chỉ có chiếc xe thồ mới vượt qua được những cung đường nghìn trùng cheo leo, hiểm trở và chỉ có đôi bàn chân mới bám trụ được nơi khe suối và những vũng lầy. Rồi có lần được đọc bài  viết “Ký ức xe thồ” của CCB Trần Nhật Hợi ở Diễn Hạnh (Diễn Châu) lại hiểu thêm về cuộc hành trình của người nông dân xứ Nghệ cùng chiếc xe thồ vượt hàng trăm cây số chi viện cho chiến trường Tây Bắc.

Ông Hợi kể rằng, giữa tháng 3/1954, tiểu đội dân công hỏa tuyến của ông làm cọc chống khung, phuốc giả và buộc tay ngai, cọc thồ cho xe rồi lên đường. Chuyến đầu tiên, ra tới dốc Hoàng Mai, gặp mưa, đường trơn, trời tối, lại chưa quen với việc đẩy xe nên bị ngã và tụt lại phía sau, người Tiểu đó phó phải quay lại tìm và hỗ trợ mới đi tiếp được. Đêm đi, ngày nghỉ lại nhà dân, đi hết những con đường gập ghềnh ở miền Tây Thanh Hóa, rồi sang Hòa Bình, Sơn La và tìm đường đến Lai Châu, về lòng chảo Điện Biên.

Theo quy định, mỗi người phải chở 100kg hàng, ông Trần Nhật Hợi lúc ấy còn nhỏ tuổi, đi lại chưa nhiều nên được anh Tiểu đội phó nhận chở giúp 20kg. Chỉ còn 80kg nhưng loay hoay mãi cũng không bắc được hàng lên xe, anh em trong tổ phải ra tay giúp đỡ. Nhưng rồi ngày càng quen, mỗi chuyến đi là một sự nỗ lực, chuyến thứ 3 trở đi ông chở đủ 100kg, rồi sau đó lên 150kg, 180 kg và 200kg.

Bức ảnh ông Cao Văn Tỵ, (quê Thanh Hóa) - "Kiện tướng xe thồ" trên đường chở hàng ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trên đường đi, nhiều người bị cơn sốt rét rừng hành hạ, ông Hợi cũng vậy, những lúc như thế phải nằm lại, tạt xe bên lên đường nằm trùm chăn kín mít. Những ai may mắn sẽ gặp các đơn vị bộ đội hành quân đi qua, quân y sẽ giúp bằng cách tiêm liều thuốc ký ninh để cắt cơn sốt để tiếp tục hành trình. Mỗi lúc lên dốc cao, qua suối sâu, cả đoàn phải dừng lại, giúp nhau đẩy từng chiếc xe một.

 Những chuyến đi luôn vất vả nhưng rất vui, trên đường mọi người cùng hát hò, đọc thơ, đọc vè khiến đường xa thêm gần, hàng trên xe bớt nặng. Chuyến cuối cùng vào đầu tháng 5/1954, ai cũng biết chiến thắng đã đến rất gần nên xin được thồ hàng lên tận mặt trận. Phía trước chưa đầy 10km nữa là Điện Biên Phủ, mọi người hay tin địch đã đầu hàng vô điều kiện, dân công được lệnh đẩy xe thồ quay trở lại.

Đường tắc nghẽn vì đoàn xe chở tù binh nườm nượp về xuôi, ông Hợi và những người khác quyết định tạm bỏ xe thồ bên đường để lên mặt trận chứng kiến tận mắt cảnh chiến thắng của quân ta. Nhưng đi được vài cây số thì có ba-ri-e chặn lại, một đơn vị bộ đội đứng gác vì xung quanh đang có bom nổ chậm. Nài nỉ mãi, cuối cùng các anh bộ đội cho mượn ống nhòm, leo lên đài quan sát để xem trận địa.

Qua ống nhòm, những lô cốt và lỗ châu mai đen ngòm nằm ngổn ngang, rồi những đường hầm chi chít chạy quanh lòng chảo Điện Biên, cơ man nào là những chiếc dù trắng địch thả xuống từ máy bay còn nằm mắc trên ngọn cây... Ông được các anh bộ đội cho mấy tấm dù làm kỷ niệm, đó chính là kỷ niệm từ chiến trường Tây Bắc - Điện Biên.

Ông Trần Nhật Hợi từng được gặp và vô cùng ngưỡng mộ ông Cao Văn Tỵ, quê ở Thanh Hóa - người được anh em phong là “Kiện tướng xe thồ”, trông nhỏ thó nhưng mỗi chuyến chở tới 320kg hàng. Sau này, những lần tới tham quan Bảo tàng Quân khu 4 (Thành phố Vinh), chúng tôi lại hiểu hơn về người con xứ Thanh này.

Chiếc xe đạp thồ được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Công Kiên

Chiếc xe đạp thồ của ông Tỵ được gia cố thêm khung, vành và tay lái, dọc thân được buộc thêm một thanh ngang có thể gánh được tới 200kg hàng. Vành và nan hoa cũng được nẹp thêm bằng những thanh tre để tăng khả năng chịu lực, nhờ đó sức tải của xe được tăng lên gấp nhiều lần. Hiện, chiếc xe của ông Cao Văn Tỵ đang được trưng bày tại bảo tàng, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những vất vả, gian nan cũng như sự sáng tạo, ý chí, quyết tâm của những người đi trước và thêm nâng niu, trân trọng cuộc sống hôm nay.

Được biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vùng Liên khu 4 (chủ yếu là Thanh – Nghệ - Tĩnh) đã huy động 250.000 lượt người đi dân công, huy động hơn 11.000 chiếc xe đạp thồ để vận chuyển 15.000 tấn gạo và 400 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường. Có thể nói vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh chính là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Và chiếc xe đạp thồ chính là hiện thân của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, góp phần công phá “Pháo đài bất khả xâm phạm” của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, khiến đội quân viễn chinh này phải đón nhận sự thất bại cay đắng. Vì lẽ đó, sinh thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN