Một chiều cuối tháng 7, như bao ngày khác, mẹ Vi Thị Quý (SN 1920) – người dân tộc Thái ở bản Cẩm Lợi, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) nhờ con gái dìu ra trước nhà để được ngồi nhìn ra ngõ. Mái tóc trắng xóa, đôi mắt nhuốm màu sương khói như đang trông mong, đợi chờ những đứa con đã đi xa.

bna_me_quy_1anh_cong_kien8000032_2572018.jpgHàng chục năm nay, vào mỗi buổi chiều, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Vi Thị Quý thường ngồi nhìn ra ngõ như trông mong, đợi chờ... Ảnh: Công Kiên

Đi lại khó khăn, sức khỏe sụt giảm đi nhiều nhưng Mẹ vẫn còn nhớ rất rõ những chặng đường đời và những buồn vui của gia đình. Mẹ kể: “Tối hôm qua, Mẹ nằm mơ thấy thằng Bính, con Chúc trở về. Chúng nó đứng nhìn Mẹ nằm một lúc rồi lại lặng lẽ ra đi…”.

Bảy người con của Mẹ Vi Thị Quý (1 trai, 6 gái) đều lớn lên trong nghèo khó, bữa ăn hầu như chỉ có sắn, khoai, mỗi năm chỉ có vài ba bữa cơm trắng. Nhà đông con, quanh năm làm quần quật, lại không biết chữ nên Mẹ không nhớ được năm sinh của từng đứa. Anh Lương Xuân Bính, con trai đầu (cũng là con trai duy nhất) của Mẹ lớn lên trong cảnh chiến tranh, bom đạn kẻ thù ngày nào cũng dội xuống bản làng, quê hương.

Hiện mẹ Vi Thị Quý sống cùng vợ chồng con gái út là Lương Thị Đợi - Nguyễn Văn Mỹ ở bản Cẩm Lợi, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Hôm ấy, sau lễ cưới mấy ngày, từ rẫy trở về, anh Bính xin phép bố mẹ đăng ký tuyển nghĩa vụ quân sự. Lòng mẹ phân vân, vì con trai đầu vừa cưới vợ, sau lại có đàn em, chồng mẹ (ông Lương Văn Êm) làm cán bộ địa phương nên chẳng mấy khi giúp đỡ được việc nhà. Nhưng anh Bính cứ nhất quyết, mẹ đành phải chiều lòng.

Bữa cơm tiễn con trai lên đường, mẹ Quý giã hết số lúa nếp cất trữ từ đầu năm để hông xôi, cả nhà hôm ấy có được bữa ăn thịnh soạn. Rạng sáng, anh Bính khoác ba lô lên đường, mẹ theo đến tận đỉnh dốc Bậm, dõi theo từng bước chân, khi dáng anh khuất sau rặng cây xa xa mới chịu trở về.

Suốt mấy năm anh Bính ở chiến trường, vợ chồng mẹ Quý không nhận được tin tức của con trai. Chồng của mẹ bảo rằng chiến sự ngày càng ác liệt, đất nước bị chia cắt nên không thể chuyển được thư về nhà. Ngày làm việc quần quật để có khoai, sắn nuôi con, đêm về nhớ đến con trai ở chiến trường lòng mẹ như lửa đốt.

Bức ảnh liệt sỹ Lương Thị Chúc (người con thứ 3 của Mẹ Quý) trong căn hầm liên lạc giữa núi rừng Trường Sơn. Ảnh: GĐCC

Rồi một ngày giữa năm 1969, đang lao động ở bãi sông, nhận được tin anh Bính đã hy sinh, mẹ ngã gục bên luống khoai còn trồng dở. Tưởng như không thể gượng dậy, nhưng mở mắt trông thấy đàn con thơ dại, mẹ lại gắng dồn chút sức lực còn lại để ra bãi sông trồng tiếp những luống khoai.

“Mấy chục năm qua rồi, mẹ vẫn nhớ và thương thằng Bính lắm. Nó đã hy sinh mà không có lấy một bức ảnh để đặt lên bàn thờ. Cưới được mấy ngày là đi bộ đội, vợ chồng nó chưa kịp có con” – Mẹ Quý nghẹn ngào.

Anh Bính hy sinh, mấy tháng sau, chị Lương Thị Chúc - người con thứ ba của vợ chồng mẹ Quý xin tham gia thanh niên xung phong. Biết không thể cản, mẹ đành để chị lên đường, cho dù lòng đang rối bời, ngổn ngang cùng nỗi bất an, lo lắng. Chị Chúc vào chiến trường, hoạt động ở núi rừng Trường Sơn, trong thư chị kể với bố mẹ và các chị, em những gian khổ, hiểm nguy và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Bức thư cuối cùng Mẹ nhận được, chị Chúc thông báo tin vui với gia đình mình vừa được chuyển sang bộ đội thông tin thuộc Đoàn 559. Cùng với lá thư có kèm bức ảnh chị Chúc đang ngồi trong hầm, hai bên tai đeo điện đài, vẻ mặt rạng rỡ, nụ cười duyên dáng nở trên môi.

Cán bộ Hội LHPN xã Cẩm Sơn thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Vi Thị Quý nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Ảnh: Công Kiên

Bức ảnh ấy nay mẹ còn giữ, gần 50 năm đi qua nên nước ảnh đã mờ đi nhiều. Sau lá thư ấy chừng mấy tháng, mẹ lại chết điếng giữa rẫy ngô khi hay tin con gái đã hy sinh ở núi rừng Quảng Trị. Mấy tháng trời, mẹ nằm ôm bức ảnh chị Chúc mà khóc, khóc đến cạn khô nước mắt…

Chị Chúc hy sinh chưa lâu thì vợ chồng Mẹ nhận được tin con rể là anh Hà Ngọc Thanh (chồng của con gái thứ hai) hy sinh ở đảo Phú Quốc. Mẹ lại khóc cạn nước mắt vì thương đứa cháu còn nhỏ đã mất cha, thương con rể nằm lại nơi mênh mông biển cả...

Nếu tính cả tuổi mụ bà, năm 2019 Mẹ Vi Thị Quý sẽ bước sang tuổi 100 - cái tuổi xưa nay bao người ao ước. Những mong ước của Mẹ đã thỏa nguyện khi những người con hy sinh đã được về an nghỉ tại nghĩa trang Việt - Lào, cách nhà chỉ hơn 10 cây số. Chồng mẹ Quý đã mất gần 20 năm, hiện mẹ ở cùng vợ chồng chị Lương Thị Đợi là con gái út của Mẹ.

Không nguôi niền thương nhớ các con, song, Mẹ Việt Nam anh hùng Vi Thị Quý có niềm động viên khi các con, cháu đã có gia đình êm ấm, hạnh phúc, cuộc sống ngày một thêm sung túc. Mẹ được xã hội quan tâm và chăm lo, phụng dưỡng; ngày lễ, tết được nhận chính quyền và các đoàn thể thăm hỏi, động viên, lòng Mẹ như ấm lại sau những mất mát, đau thương…