(Baonghean) - Dù đã 40 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về một thời lửa đạn vẫn vẹn nguyên trong ký ức CCB Lê Hữu Tiến ở làng Yên Đô, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên). Đặc biệt là cảm giác sung sướng đến trào nước mắt vào thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng…
 
“…Khi đồng chí Chính trị viên chạy đến hô to “Giải phóng rồi anh em ơi! Giặc đầu hàng rồi! Đất nước thống nhất rồi!” cũng là lúc đơn vị pháo cối 120 mm đang triển khai đánh cứ điểm địch trên ruộng lúa vừa gặt xong ở cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Mặc dù quần áo lấm lem bùn đất nhưng theo phản xạ tự nhiên, cả đơn vị ôm nhau vỡ òa sung sướng trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc…”. 
 
images1148323_ccb_l__h_u_ti_n_khi_c_n_trong_qu_n_ngu.jpgCCB Lê Hữu Tiến (đứng giữa) khi còn trong quân ngũ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
...Sinh ra và lớn lên trong đạn lửa chiến tranh, học xong phổ thông, năm 1972, tròn 19 tuổi, chàng trai Lê Hữu Tiến gác lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ quyết lên đường tòng quân đánh giặc. Khổ nỗi, thời đó nhà quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ ấm, vậy nên anh không đủ chiều cao, cân nặng để vào quân ngũ. Lê Hữu Tiến phải tìm mọi cách để thuyết phục các đồng chí tuyển quân. Thấy được quyết tâm của người thanh niên nhỏ con, những người làm công tác tuyển quân năm đó “đành” phải chấp nhận để anh nhập ngũ.
 
Sau 13 tháng huấn luyện, ngày 20/2/1974 anh và đồng đội nhận lệnh vào chiến trường B. Hành trang anh mang theo ngoài quân trang, quân dụng, còn có cả lòng quyết tâm cùng quân dân cả nước đánh thắng kẻ thù và… quyển nhật ký. Anh bảo, mình phải ghi lại tất cả những kỷ niệm để chẳng may không thể trở về sẽ gửi lại cho bố mẹ và các em quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ. 
 
Bước vào chiến trường với rất nhiều trận đánh ác liệt, như chiến dịch Bàu Bàng – Bến Cát, là trận chiến đầu tiên anh tham gia đánh trận, hay chiến dịch Bình Long – Phước Long (tháng 11/1974) nhằm mở cánh cửa từ Tây Nguyên theo đường 14 tiến về giải phóng Sài Gòn… Nhưng đáng nhớ nhất, đó là khi ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn mặt trận thống nhất cả 4 cánh quân tiến công cùng một lúc, khi đó ông Tiến là Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 120 mm thuộc Trung đoàn 262, Sư đoàn 320. Do một số yếu tố khách quan nên việc hiệp đồng tác chiến không chính xác, đơn vị phía Tây Nam (320 B) tiến vào Thị xã Khiêm Cường, Long An trước. Khi đã chiếm lĩnh trận địa (cách căn cứ địch khoảng 4 km) thì được lệnh của tiền phương bộ phải rút lui.
 
Ngay trong đêm cả đơn vị khẩn trương tháo rời những khẩu pháo chia nhau 2 người vác một phần (bình thường 4 người vác vẫn thấy nặng), đến rạng sáng thì về đến địa điểm tập kết (cách vị trí cũ khoảng 1 km). Đêm hôm sau, đơn vị lại tiếp tục hành quân đến vị trí trận địa vừa mới rút quân, đến rạng sáng thì bố trí xong trận địa trên đồng lúa của người dân làng Giồng Trôm (Thị xã Khiêm Cường). Ngày 30/4/1975, khi nhận được lệnh kích nổ quả pháo đầu tiên trong trận đánh cuối cùng thì có thông tin báo về là không được bắn vào khu vực bồn nước, bởi nơi đó có biệt động Sài Gòn ẩn nấp và hiện đang phối hợp với đài quan sát điều khiển hướng bắn trận địa pháo cho đơn vị.
 
Sau 3 tiếng pháo kích nổ dữ dội vào căn cứ của địch thì đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thuấn (người Kiến Thụy, Kiến An, Hải Phòng) nghe từ chiếc radio (là chiến lợi phẩm thu được từ chiến dịch Nguyễn Huệ) chạy ra hô to: “Giải phóng rồi anh em ơi! Giặc đầu hàng rồi! Đất nước thống nhất rồi!”. Khi đó, mọi người đều lấm lem bùn đất và mùi thuốc súng nhảy cẫng lên giữa ruộng, ôm nhau reo hò vang dội. Bởi sau bao nhiêu gian khổ, hy sinh thì cuối cùng chúng ta cũng đã giành được chiến thắng, non sông được sum họp một nhà.
 
Kể đến đây, giọng người lính già như nghẹn lại, khóe mắt của ông rưng rưng. Tôi biết những giọt nước mắt là niềm vui sướng khi đất nước được hòa bình, là niềm tiếc thương dành cho đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước… 
 
Cảnh Nam