Ngôi nhà khang trang nằm trong hẻm nay thiếu vắng bóng dáng anh nhưng lại ấm áp nghĩa tình bởi tình cảm láng giềng, đồng đội vẫn hàng ngày đến động viên mẹ con chị. Như thường lệ, mỗi sáng, ngôi nhà nằm sâu trong ngõ lại líu lo giọng bé Ô Mai cùng em gái Xí Muội khi được mẹ gọi dậy để chuẩn bị đến lớp. Ô Mai và Xí Muội là tên gọi ở nhà của bé Bùi Đỗ Quỳnh Chi, học lớp 6 và bé Bùi Đỗ Diệp Chi, học lớp 3, hai con gái của anh Công, chị Hương.
Thường ngày ba trực ở đơn vị nên em Diệp Chi cũng có khi uốn mẹ nhưng từ ngày ba Công “đi xa”, Quỳnh Chi ra dáng làm chị hẳn, khuyên bảo em không được làm mẹ buồn. Quỳnh Chi tự giác đặt đồng hồ báo thức, dậy sớm rồi gọi Diệp Chi dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng để mẹ đưa hai chị em đến lớp.
“Mỗi khi thấy mẹ lặng lẽ gạt nước mắt, hai chị em thương mẹ lắm”, Quỳnh Chi nói với tôi. Còn Diệp Chi ánh mắt long lanh thủ thỉ: “Không muốn mẹ buồn thêm nên từ ngày ba đi “công tác xa” con ngoan hơn, nghe lời mẹ hơn. Mẹ nói ba con đi xa để con và chị được vui vẻ đi học, để mọi người và chị em con được đón tết bình yên. Mẹ nói chúng con phải tự hào về ba, hai chị em con nhớ ba, cảm ơn ba nhiều lắm”.
Chắc hẳn Diệp Chi phải tự hào về ba lắm mới có sự đổi thay tâm lý như vậy, bởi tôi còn nhớ những ngày cùng mẹ và chị vào Đoàn An điều dưỡng 41 Huế để đưa ba Công về quê nhà, Diệp Chi chắc chưa hiểu hết chuyện gì đến với gia đình mình. Khi ngồi ăn cơm với bé, tôi mới chỉ trò chuyện, hỏi thăm bé đến câu thứ hai, đôi mắt của Diệp Chi đã đẫm lệ, rồi thút thít nói nhớ ba, đòi ba, bà và mọi người dỗ dành mãi mới thôi.
Lần thứ hai trở lại nhà anh cùng đoàn cán bộ Tổng cục Hậu cần vào viếng anh, tôi thấy căn nhà rộng rãi, thiếu bóng dáng anh nhưng ấm áp nghĩa tình bởi tình cảm láng giềng, đồng đội vẫn hàng ngày đến động viên gia đình. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, chị Đỗ Thị Lan Hương, vợ anh đã được Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tuyển dụng trở thành quân nhân chuyên nghiệp công tác tại cơ quan Bộ CHQS tỉnh theo nguyện vọng của chị và gia đình.
Nói về anh, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Sư đoàn 968, những nơi anh đã từng công tác đều nhận xét: Đồng chí Công là người cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, luôn hết mình vì công việc, gần gũi, quan tâm đến anh em, đồng đội... Dù anh Công mới làm thủ trưởng của mình thời gian ngắn nhưng với Thượng úy QNCN Lê Tường Hiếu - nhân viên Tuyên huấn Trung đoàn 654, Cục Hậu cần, anh Công vừa là thủ trưởng tài năng, vừa là người anh gần gũi, thân tình. Anh Hiếu nhớ mãi hình ảnh khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Công không quản ngày đêm, hết chỉ đạo, hướng dẫn bằng văn bản, tham gia các cuộc họp đột xuất, anh lại xuống các đơn vị cơ sở nắm và xử trí tình huống... Anh Công cũng là người am hiểu báo chí, quan tâm đến anh em làm công tác tuyên truyền.
Khi đi công tác, từ ngày hôm trước anh đã dặn anh em chủ động máy móc, xạc no pin. Dù dặn kỹ thế, nhưng hôm sau anh luôn dậy sớm rồi gọi điện nhắc anh em. “Anh Công thường trao đổi với tôi về cách viết tin, bài. Anh cho rằng, viết báo trước hết thông tin phải trung thực, chính xác, không được làm vội, làm ẩu, việc gì chưa rõ là phải kiểm chứng lại. Làm báo thời kỳ 4.0, mình mà không tìm hiểu báo chí tích hợp đa phương tiện, không nắm chắc công nghệ, chắc chắn sẽ thất bại”, anh Hiếu nhớ lại lời anh Công trao đổi với mình.
Thượng tá Nguyễn Phi Tình - Phó trưởng Phòng Quân nhu, Quân khu 4 bộc bạch: “Đồng chí Công là một cán bộ trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn toàn diện. Trong công việc, anh luôn chỉ đạo sâu sát, tỉ mỉ, cương quyết; trong cuộc sống hàng ngày anh gần gũi, hòa đồng với anh em. Anh hy sinh, Quân đội mất đi một cán bộ trẻ, năng lực, trình độ, chúng tôi mất đi một người thủ trưởng, một người đồng đội thân thiết”.
Bạn bè đồng trang lứa với anh từ thuở bé đến đại học đều dành cho anh sự cảm phục, tin yêu, tự hào không chỉ bởi anh là người bạn chí nghĩa, chí tình mà còn bởi mình có một người bạn ngã xuống vì nước, vì dân. Anh hy sinh đã gần 2 tháng nay nhưng tài khoản Facebook, Zalo vẫn được gia đình, bạn bè cập nhật, chia sẻ thường xuyên như anh chưa từng “đi xa”. Lướt qua trang cá nhân “Bùi Phi Công”, tôi cảm nhận thêm những tình cảm sâu sắc mà bạn bè dành cho anh.
Tài khoản “Trần Dũng” đăng dòng trạng thái tiêu đề “Bạn tôi” với lời bài hát "Màu hoa đỏ" của nhạc sỹ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu: “Có người lính, từ mùa Thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo…/Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây tre…” và lời chia sẻ “Bạn học cùng nhau thời thơ ấu, cảnh nghèo chẳng khác gì nhau. Bữa sắn, bữa khoai cùng nhau học tốt. Năm học cuối cấp bạn nói với tôi rằng mình sẽ đi thi vào Quân đội, nhà mình không có điều kiện nên ước mong học trường Quân đội để ba, mạ đỡ vất vả. Khi ấy bạn đậu Đại học Xây dựng và Học viện Hậu cần, bạn chọn Quân đội… Miền Trung lũ lụt, sạt lở đất, biết nguy hiểm nhưng bạn tôi không vì thế mà chùn bước. Bạn tôi là người cha, người chồng, người chiến sĩ mẫu mực. Bạn tôi ngã xuống xứng danh anh hùng. Bia đá khắc tên Tổ Quốc Ghi Công. Mình luôn tự hào về bạn!”.
Với Trung tá Lê Đức Vinh - Trợ lý Cục Hậu cần thì anh Công là bạn học cùng thời ở Học viện Hậu cần, rồi trở thành thủ trưởng của mình. Anh rất tự hào người bạn, người cấp trên.
Không chỉ với gia đình, bạn bè, đồng đội mà trò chuyện với những ai đã từng tiếp xúc với anh Công, chúng tôi đều được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động. Anh đã đi xa nhưng trong tâm trí, tình cảm người ở lại, hình ảnh Thượng tá, liệt sỹ Bùi Phi Công, người cán bộ hậu cần tài đức vẹn toàn vẫn còn mãi với thời gian. Với tôi, “màu hoa đỏ” ấy mãi rực cháy phía rừng xa…