(Baonghean) Nguyễn Hoàng sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, chàng thanh niên vùng lúa Diễn Hoàng - Diễn Châu nộp đơn vào làm việc ở nhà máy đường Sông Con – Tân Kỳ và gắn bó với nhà máy. Chỉ trong 2 năm, Hoàng đã nhận được Giải Nhất và giải Nhì giải Khoa học công nghệ của tỉnh Nghệ An về các đề tài sáng kiến khoa học làm lợi cho nhà máy và nhà nông nhiều tỷ đồng.

Thành công nối tiếp thành công 

Da ngăm đen, trông chững chạc và mạnh mẽ. Thế nhưng khi tiếp xúc với Nguyễn Hoàng lại toát lên vẻ chân chất và  rụt rè của  chàng trai thôn quê.

Là con thứ 3 trong  một gia đình nông dân có 5 chị em, cuộc sống của bố mẹ Hoàng nhiều vất vả, bởi chỉ biết trông vào 7 sào ruộng và chăn nuôi trâu, bò. Thế nhưng cậu bé Hoàng đã sớm tự lập và học giỏi.

Thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa, khoa Hóa thiết bị công nghệ, Hoàng ra trường khăn gói lên Nhà máy đường Sông Con công tác khi nhà máy tuyển kỹ sư.

Đối với anh, có được việc làm và công việc phù hợp sở trường, phát huy khả năng là tốt rồi. Công tác ở phòng Kỹ thuật, làm quen với các hệ thống máy móc của Nhà máy đường Sông Con - một nhà máy công suất  ép 3.000 tấn mía cây/ ngày, Hoàng vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm. Ở đó có những người thầy như anh Đào Thanh Hải - Trưởng phòng Kỹ thuật, đã gắn bó với Nhà máy đường Sông Con hàng chục năm, hiểu từng con ốc vít. Bậc cầu thang sắt 3 tầng in mòn dấu chân của các kỹ sư  như anh Hải và Hoàng.

Từng hệ thống thiết bị, dây chuyền ép, sấy, bốc hơi, đường ống, hệ thống truyền nhiệt, nồi nấu… phức tạp và  chưa đồng bộ của nhiều thế hệ đầu tư sau hơn 40 năm vận hành nhà máy đã được các kỹ sư, trong đó có Hoàng nghiên cứu, vận hành và phát huy khả năng sản xuất để nâng công suất ép mía lên gấp 3 lần so với công suất thiết kế ban đầu, lại vừa tiết giảm tối đa chi phí, rút ngắn thời gian ép có lợi cho người nông dân quay vòng sản xuất.

Năm 2011,  Hoàng mạnh dạn đăng ký tham gia Đề tài “Thiết kế bộ thu hồi đường mới thay cho bộ thu hồi đường cũ của nồi nấu đường 20m3 để tận thu đường trong hơi thứ”. Đề tài đã đạt giải Nhất  giải Khoa học công nghệ của tỉnh. Đề tài này đã được Hoàng nghiên cứu từ năm 2009-2010.   Nguyên nhân Hoàng nhận đề tài này với nhà máy và Hội đồng KHCN của tỉnh là do Công ty Mía đường Sông Con có công suất 1.250 tấn mía/ngày do Cuba lắp đặt, đã đi vào vận hành từ vụ ép 2000 – 2001. Trong đó có 4 nồi nấu đường 20m3 của Tây Ban Nha thiết kế và lắp đặt đã đưa vào sử dụng đã 9 năm, hiệu quả thu hồi mật đường thấp, giảm doanh thu và làm ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục hạn chế này, Hoàng đã cải tạo thiết kế được bộ thu hồi đường mới cho nồi nấu đường 20m3, vụ ép 2010 – 2011 không còn hiện tượng mật đường theo ống hơi thứ ra ngoài môi trường.  Lượng mật đường thoát theo hơi thứ giảm được tổn thất vô hình 0,05% tương đương 16,8 tấn đường mỗi năm. Với giá đường 19.000đ/kg, mỗi năm anh làm lợi cho công ty trên 320 triệu đồng. Đề tài này cũng  giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tổn thất đường gây ra.

789091_small_90057.jpg

          Kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng bên hệ thống thiết bị nhà máy anh đã cải tiến.

320 triệu đồng mỗi năm đối với Nhà máy đường Sông Con có vùng nguyên liệu 6.800 ha mía  không phải là lớn, nhưng là con số có ý nghĩa, bởi không phải ai cũng nhìn ra được.  Và hơn nữa đối với kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng, ở tuổi 31 - là dấu mốc để anh nhận ra công việc của mình có ý nghĩa, là khi anh đã thật sự gắn bó với nhà máy, đã tâm huyết với một tập thể đang tràn trề sức trẻ và có những hoài bão xây dựng quê hương.

Được tiếp thêm sức mạnh từ sự ghi nhận của lãnh đạo công ty, của tỉnh,  Nguyễn Hoàng vừa lao động, vừa miệt mài sáng tạo trong công việc bình dị của mình. Những mùa ép mía qua đi, lại đến mùa bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Hoàng và các kỹ sư của nhà máy lại  lấm lem dầu  mỡ để bao quát lại hệ thống thiết bị máy móc chuẩn bị cho vụ ép sau năng suất hơn, hiệu quả hơn. Năm 2011, anh cho ra đời Đề tài: “Thiết kế chế tạo nồi bốc hơi 1.200m2 và cải tạo hệ thống thiết bị để hệ bốc hơi 6 nồi 5 hiệu làm việc độc lập, có thể thay thế cho nhau kéo dài chu kỳ vệ sinh từ 10 - 12 ngày lên 30 ngày”.  Đề tài đã được Hội đồng KHCN tỉnh Nghệ An trao giải Nhì.

Anh Đào Thanh Hải - Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty  đường Sông Con, người từng đạt giải Nhất KHCN Nghệ An năm 2009 nhận xét về  Hoàng: “Hoàng công tác ở phòng Kỹ thuật của công ty, siêng năng, ham học hỏi. Đề tài của Hoàng rất có ý nghĩa với nhà máy. Trước đây cứ 10 ngày ép mía phải vệ sinh một lần, mỗi lần vệ sinh phải dừng ép, mía khô, giảm chất lượng, ngoài ruộng thì bà con chờ đợi. Nay ứng dụng đề tài của Hoàng về  chế tạo thiết bị nồi bốc hơi mới 1.200m2, 30 ngày ép nhà máy mới phải dừng vệ sinh một lần. Vì vậy rút được thời gian ép mía. Không những thế, trước đây, trong hệ thống bốc hơi cũ, lượng đường nhiễm bẩn trong một ca sản xuất khoảng 50 tấn phải nấu lại, nay tổn thất được giảm mức thấp nhất”. 
niềm hạnh phúc của kỹ sư trẻ.

Niềm vui lớn nhất của Hoàng là đề tài đã được lãnh đạo công ty chấp nhận và triển khai ứng dụng. Sau khi thẩm định và nghiên cứu, thấy hợp lý hiệu quả và tiết kiệm nhất, Giám đốc công ty Lê Đình Hoan đã cho triển khai đầu tư  phục vụ sản xuất.  Công trình lắp đặt thiết bị mới, đồng thời trên cơ sở  cải tạo thiết bị sẵn có, đã phục vụ  cho vụ ép năm 2010 - 2011.

Hiệu quả của sáng kiến đã được ghi nhận qua vụ ép 2010 - 2011 là kéo dài chu kỳ vệ sinh lên 30 ngày so với 12 ngày ở các vụ ép trước. Do đó rút ngắn được thời gian sản xuất, giảm thiểu được các tổn thất do chuyển hoá. Chất lượng sản phẩm đạt chất lượng tốt, đạt 99,94% đường loại 1.  Khối lượng mía đưa vào ép trong 301.962 tấn. Khối lượng đường nhập kho 28.849,2 tấn, tăng gần 8 ngàn tấn so với vụ trước, tăng thu nhập cho công ty và CBCNV toàn công ty. Trong khí đó thời gian ép thực tế có 110 ngày.

Hoàng cho biết: “Tính sáng tạo trong đề tài của em là em  đã tìm hiểu nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ sản xuất đường, thiết bị bốc hơi mới với nhiều ưu việt: Như hệ số truyền nhiệt lớn, đối lưu mãnh liệt dẫn đến bốc hơi nhanh, bộ thu hồi đường, hơi thứ đi dích dắc nên giữ lại được nhiều mật đường đi theo hơi thứ. Đặc biệt là nghiên cứu cải tạo và lắp hệ thống đường ống hơi, đường ống nguyên liệu, lắp các van  để cô lập các nồi bốc hơi, trong 6 nồi bốc hơi đó dừng một nồi nào cũng được. Hệ thống đường ống mới phù hợp với điều kiện, không gian lắp đặt của nhà máy. Giữ nguyên hệ thống thiết bị, đường ống cũ, chỉ lắp thêm 1 nồi bốc hơi mới, tuyến ống dẫn hơi, dẫn nguyên liệu và lắp thêm van để cô lập từng nồi bốc hơi, do đó tiết kiệm được chi phí và thời gian lắp đặt. Công trình có khả năng ứng dụng với các nhà máy đường khác”.

Tân Kỳ giờ đang hối hả vào vụ ép mía. Màu xanh của mía đã phủ khắp đồi, bãi  và mang lại no ấm bền vững cho người dân nơi đây. Ở vùng miền núi này, bên cạnh niềm vui gắn bó với nhà máy, với công việc, Hoàng đã tìm được một bến đỗ bình yên. Anh đã gắn bó với  một cô giáo trẻ ở một xã miền núi và có 2 đứa con kháu khỉnh. Dù điều kiện khó khăn, hằng ngày anh lại phóng xe máy 12 km xuống nhà máy làm việc, con đường bụi đỏ vào mùa hè, bùn lầy vào mùa mưa, nhưng anh luôn gắn bó, trách nhiệm với công việc và đã đưa ra những sáng kiến có giá trị, làm lợi cho công ty mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.


Châu Lan