(Baonghean) - Những ngày cuối năm, xã biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trở nên sôi động và nhộn nhịp, người dân khắp toàn huyện đổ về tham dự và chứng kiến hội thi- hội chợ trâu, bò huyện Kỳ Sơn lần thứ 3. Những người nông dân vùng cao tay dắt trâu, bò, vẻ mặt phấn khởi và đầy hy vọng. Còn thương lái có người đưa xe tải đến để sẵn sàng vận chuyển nếu mua được trâu, bò, có người đến với mục đích để tìm hiểu, thăm dò thị trường mua bán.
 
Tại trung tâm xã Nậm Cắn, tôi gặp anh Mùa Nênh Cò (dân tộc Mông), đến từ bản Pha Lếch Phay (xã Đoọc Mạy) đang dắt con bò đực rất đẹp. Anh Cò cho biết: “Bản ta cách đây khoảng 80 cây số, có những đoạn đường rất khó đi. Mấy ngày trước, cán bộ xã đến nhà vận động đem trâu, bò ra Nậm Cắn tham gia hội thi- hội chợ năm nay, chi phí vận chuyển xã sẽ hỗ trợ. Cán bộ còn đưa cho ta các câu hỏi trắc nghiệm để ngày thi sẽ bắt thăm trả lời. Mấy ngày nay, ngoài việc chăm sóc bò, ta còn phải ôn tập trả lời các câu hỏi nữa. Đó là những kiến thức rất thiết thực, có ích cho việc chăn nuôi trâu, bò”. Không chỉ anh Mùa Nênh Cò, mà có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm người dắt trâu, bò về phía Sân vận động xã Nậm Cắn. Phía nước bạn Lào cũng có nhiều chiếc xe tải nhỏ chở trâu, bò sang hội chợ. 
 
images1101876_dsc_1.jpgMột góc hội chợ trâu, bò ở Kỳ Sơn.
 
Hội chợ do UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức hàng năm, nhằm hướng tới mục đích nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về vai trò của ngành chăn nuôi trong phát triển sản xuất, sự cần thiết phải đưa chăn nuôi trở thành hàng hóa. Đồng thời, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, kịp thời động viên những hộ sản xuất chăn nuôi giỏi. Đây cũng là dịp để tuyển chọn nguồn giống vật nuôi có khả năng chống chịu dịch bệnh, khả năng sinh sản tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, người chăn nuôi và các doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng thị trường hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Nội dung hội thi gồm 2 phần, phần thi ngoại hình của trâu, bò và phần thi trắc nghiệm kiến thức chăn nuôi dành cho chủ hộ. Tổng số 53 con trâu, bò được đưa đến từ 15 xã trên địa bàn lần lượt được dắt vòng quanh sân vận động để ban giám khảo chấm điểm về ngoại hình. Hầu hết những con trâu, bò đưa đến hội thi đều được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo về ngoại hình đẹp, sức khỏe tốt. Tiếp đó là phần thi trắc nghiệm dành cho chủ hộ chăn nuôi. Hệ thống câu hỏi và các phương án lựa chọn đã được Ban tổ chức gửi về từ trước để người dự thi có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và có câu trả lời thích hợp nhất. Nội dung các câu hỏi xoay quanh việc làm chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh sản, lựa chọn giống, kỹ thuật trồng cỏ, vệ sinh phòng dịch, cách chữa trị các loại bệnh thường gặp cho trâu, bò. Đi kèm với câu hỏi là các phương án trả lời (từ 3-5 phương án) để người dự thi lựa chọn. Tổng số điểm được Ban Giám khảo cộng 2 phần thi ngoại hình của trâu, bò và trắc nghiệm của chủ hộ. Từ đó, lựa chọn điểm số cao từ trên xuống để trao giải cho các chủ hộ tham gia dự thi. 
 
Hội thi kết thúc, chúng tôi có dịp tiếp xúc với anh Lỳ Nỏ Bì, bản Huồi Đun (xã Huồi Tụ), người đoạt giải Nhất nội dung thi trâu. Anh Bì cho biết: “Tôi chở trâu ra đây từ hôm qua, từ mấy ngày nay cả nhà tôi đều lo kiếm cỏ cho trâu, tôi thì dành thời gian nghiên cứu trả lời các câu hỏi. Đoạt giải cao, tôi rất vui. Nhưng quan trọng hơn, qua hội thi, tôi đã giao lưu, học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi trâu, bò. Ngày mai trở về, tôi sẽ hướng dẫn cho các thành viên gia đình và bà con trong bản”. Dù không đoạt giải, nhưng anh Lương Phò Peng ở xã Bảo Nam vẫn vui vẻ: “Đến đây, mình được biết thêm nhiều điều bổ ích trong việc chăn nuôi trâu, bò. Có những cái mình vẫn gặp thường ngày nhưng không biết, nay thì mình đã có thể tự xử lý”.
 
Sau hội thi đến phần hội chợ, là nơi để người mua và người bán tìm hiểu, trao đổi hàng hóa trâu, bò. Những người chăn nuôi tranh thủ đưa trâu, bò ra sân vận động hoặc bên lề đường để “quảng bá” sản phẩm của mình. Còn các thương lái từ xa đến cũng tranh thủ dạo khắp hội chợ để tìm hiểu, trao đổi, làm quen để xây dựng mối làm ăn lâu dài...
 
Đây là lần thứ 3 huyện Kỳ Sơn tổ chức hội thi - hội chợ trâu bò, ông Mùa Nỏ Xử- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hội thi - hội chợ lần này chúng tôi lên kế hoạch chi tiết và bài bản hơn. Hiệu quả được nâng lên rõ rệt, số lượng chủ hộ đăng ký dự thi nhiều hơn, số lượng các cuộc mua bán tăng cao hơn. Từ đó, huyện sẽ nắm bắt được thực trạng phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện để xây dựng kế hoạch phát triển đàn gia súc trong những năm tiếp theo”. 
 
Công Kiên