Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dẫn dắt, đặt nền móng đầu tiên và trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào những thành quả cách mạng.
Ngay từ những ngày đầu lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, trong tình thế “thù trong giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, ngoại giao Việt Nam đã bản lĩnh, khéo léo, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong thời kỳ kháng chiến, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược, sát cánh cùng quân sự để làm nên những thắng lợi mang tính chất lịch sử trên bàn đàm phán (như: Hiệp định Geneva năm 1954, Hiệp định Paris năm 1973), buộc đối phương phải công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Trong công cuộc đổi mới, ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa đất nước ra khỏi bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước cũng như đóng góp vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trải qua những chặng đường cách mạng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã có sự trưởng thành mọi mặt, cả về tầm nhìn, tư duy, bản lĩnh đến sự khéo léo, linh hoạt, nhạy bén nhưng hết sức kiên định, trung thành với lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Năng lực, kinh nghiệm và khả năng thích ứng cao là những “điểm tựa” cho những thành công của ngoại giao Việt Nam trong những năm qua, như chuyên gia người Australia Carl Thayer chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu năm mới 2020.
Ông Carl Thayer cho rằng, Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp cao với hiểu biết sâu rộng về quan hệ quốc tế và chính trị đối nội, đưa ngoại giao trở thành một phần không thể tách rời trong nỗ lực xử lý các mối quan hệ với bên ngoài.
Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm qua các hội nghị quốc tế, có thể kể đến từ Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình năm 1973 và Hội nghị quốc tế về Campuchia năm 1991, đồng thời tổ chức thành công một loạt sự kiện quốc tế như Hội nghị Pháp ngữ năm 1997, các Tuần lễ cấp cao APEC năm 2006 và năm 2017, các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1998 và năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng điều đó có được là nhờ kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và nỗ lực phấn đấu, vươn lên của các thế hệ cán bộ ngoại giao.
Phó Thủ tướng tin tưởng với truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngoại giao Việt Nam và các cán bộ đối ngoại hiện nay sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, ghi thêm những dấu ấn thành công mới cho chặng đường cách mạng mới của đất nước./.