Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EV-FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EV-IPA) đã được ký kết đồng thời vào chiều 30/6 tại Hà Nội. Bên cạnh những lợi ích kinh tế dự kiến sẽ đạt được cho cả 2 bên, thông qua việc ký kết các hiệp định này, chúng ta đã gửi đến bạn bè thế giới thông điệp “Việt Nam là một đối tác tin cậy”.
Những giá trị mang lại thực sự cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) theo các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do EV-FTA vẫn còn chờ đợi sự phê chuẩn, thông qua của Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Việt Nam.
095339-1.jpgHiệp định EV-FTA và EV-IPA mở ra hàng loạt cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho Việt Nam và Liên minh châu Âu (Ảnh minh họa)

Song việc kiên trì một hành trình dài gần 9 năm, với hàng chục vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, từ ban đầu là một hiệp định thương mại - đầu tư đến sau này tách riêng thành hai hiệp định (là Hiệp định thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư) đã cho thấy một Việt Nam tự tin trong đàm phán ngoại giao kinh tế và khả năng hội nhập quốc tế.

Sự tự tin ấy được thể hiện bởi lập trường kiên định, nhất quán, xuyên suốt mục tiêu mở cửa thị trường, quyết tâm thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định. Mục tiêu ấy thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với sự phát triển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Thông qua đó, Việt Nam khẳng định với thế giới vị thế của một đối tác tin cậy: đã nói là làm, và có đủ năng lực để thực hiện!

Từ trái sang, bà Cecilia Malstrom, ông Stefan Radu Oprea và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký hiệp định EVFTA. Ảnh: VGP.
EV-FTA được đánh giá là một hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, có tiêu chuẩn chất lượng cao và toàn diện. Ngoài các cam kết về thương mại, hiệp định này còn bao gồm cả những điều khoản quan trọng về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư, bảo vệ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội, những vấn đề liên quan đến điều kiện của người lao động, về nhân quyền và phát triển bền vững…

Chỉ đơn cử một cam kết về thương mại: Việt Nam đã cùng EU thống nhất loại bỏ hơn 99% tất cả các loại thuế quan giữa hai bên. Trong đó, 65% thuế xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ bị loại bỏ khi có hiệu lực, và phần còn lại sẽ bị loại bỏ dần trong thời gian 10 năm. Thuế của EU đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị loại dần trong thời gian 7 năm. Cách tiếp cận bất đối xứng này có tính đến thực tế Việt Nam là một nước đang phát triển.

Lộ trình 10 năm cam kết loại bỏ thuế không chỉ giúp Việt Nam cơ hội xuất khẩu các mặt hàng vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh (như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…) vào thị trường EU mà còn là khoảng thời gian đủ để doanh nghiệp Việt Nam có thể trưởng thành trong hội nhập. Điều này đã phần nào cho thấy sự “biết mình, biết người” trong đàm phán thương mại song phương, đối đẳng, bình đẳng giữa Việt Nam - một quốc gia đang phát triển với 28 quốc gia thành viên của EU - đều là những quốc gia có có khung khổ pháp lý chuẩn mực, trình độ quản trị quốc gia, quản trị kinh tế rất cao.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani trong chuyến thăm EU vào tháng 10-2018. Ảnh: VGP
Qua việc ký kết 2 hiệp định với Liên minh châu Âu, thêm một lần nữa Việt Nam đã thể hiện được trình độ, năng lực và nỗ lực không mệt mỏi của đàm phán kinh tế - ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế - mà ở đó, ngay cả đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng sẽ góp phần tích cực xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch cho cả hai bên, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Các chuyên gia phân tích cho rằng “với , lợi thế đã được chia đều cho cả hai bên”. Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì đánh giá "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu".

Nhìn lại hành trình từ tháng 6/2012 khi Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EV-FTA, trải qua các vòng đàm phán, rồi kết thúc đàm phán, tiến tới rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết vào cuối năm 2015… Rồi lại đàm phán, tách hiệp định ban đầu để thành hai hiệp định riêng biệt - cho đến khi được ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Đó là một “thành công kép” của chúng ta!