Công ty mập mờ
Ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cầu đường Nghệ An cho biết: Tiếp quản công ty từ năm 2011, thời điểm đó, hầu như tất cả các công nhân của công ty đều đã bỏ đi làm việc khác vì công ty đang trong tình trạng không có việc làm. Thế nhưng, một điều lạ là công ty vẫn chấp nhận cho người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội bằng cách nộp tiền qua quỹ của công ty rồi công ty mới nộp lên cho Bảo hiểm xã hội (BHXH). Chính việc làm này đã kéo theo những rắc rối sau này và nhiều người đang đặt câu hỏi phải chăng công ty đã chiếm dụng tiền BHXH của người lao động? Ông Nguyễn Đình Dũng thừa nhận, công ty chỉ có một quỹ tiền mặt nên không kiểm soát được tiền nào là tiền công nhân nộp bảo hiểm, tiền nào là của công ty và dẫn đến có thời điểm công ty tiêu tiền BHXH của công nhân.
Phiếu thu người lao động nộp BHXH tại Công ty CP xây dựng Cầu đường Nghệ An. Phóng viên Báo Nghệ An làm việc với ông Nguyễn Đình Dũng.
Theo điều tra của các cơ quan chức năng, từ trước năm 2004, công ty luôn hoàn thành việc trích nộp và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội kịp thời cho người lao động. Nhưng từ năm 2005 trở lại đây, đơn vị làm ăn không hiệu quả, không bố trí công việc cho người lao động, hầu như không phát sinh doanh thu, lợi nhuận... khiến cho các khoản nợ BHXH, nợ thuế ngày càng tăng lên. Sự việc kéo dài, tới năm 2010, BHXH tỉnh đã khởi kiện công ty ra Tòa án để truy đòi số tiền nợ nhưng việc thi hành án gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 4/2013, trước sự vào cuộc ráo riết của BHXH, Đảng ủy doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH, giám đốc công ty đã xây dựng phương án trả nợ theo đúng lộ trình và được BHXH tỉnh chấp nhận giải quyết chốt sổ BHXH cho 12 lao động đến tuổi nghỉ hưu.
Tưởng như mọi việc sẽ êm xuôi, quyền lợi của những người lao động khác sẽ lần lượt được giải quyết thì công ty lại trốn tránh trách nhiệm trả nợ, phá vỡ cam kết, tỏ thái độ chây ỳ trong việc trả nợ. Sự mập mờ của Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An còn thể hiện rõ trong các phiếu thu tiền của người lao động. Trong các phiếu thu tiền BHXH mà chúng tôi thu thập được đều có vấn đề. Đơn cử, phiếu thu số 257, người nộp là chị Đinh Thị Hương, không có phần chữ ký của kế toán trưởng, thủ trưởng cơ quan cũng như đóng dấu của công ty. Các hóa đơn khác lại có hiện tượng cùng một người vừa ký vào ô thủ quỹ, vừa ký vào ô kế toán, cái thì có dấu treo của công ty nhưng không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị và ngược lại.
Trước tình hình khó khăn của công ty, ngày 2/4/2014, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với BHXH tỉnh làm việc với đại diện lãnh đạo công ty để tiếp tục củng cố tổ chức cơ sở đảng nhằm xây dựng nhiệm vụ chính trị, đưa công ty vượt qua khó khăn và giải quyết quyền lợi cho người lao động nhưng không có kết quả. Ông Lê Trọng Huệ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Sau buổi làm việc, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã có thông báo yêu cầu công ty tập trung mọi giải pháp, tìm nguồn để thanh toán nợ BHXH, giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Đồng thời với việc trả nợ cũ, phải thanh toán kịp thời BHXH hàng tháng cho 16 lao động hiện làm việc tại công ty, không để phát sinh thêm nợ và đây là nhiệm vụ số một của lãnh đạo công ty. Ngày 28/4/2014, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng BHXH và quyết định buộc trích từ tiền gửi truy nộp vào quỹ BHXH. Tuy nhiên, đơn vị tiếp tục không thực hiện đúng các cam kết thực hiện lộ trình trả nợ BHXH dẫn đến số nợ BHXH ngày càng tăng nhanh. Tiếp theo đó, ngày 3/7/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3087/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn liên ngành gồm Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh, Cục Thuế tỉnh nhằm kiểm tra nợ thuế, nợ BHXH tại công ty và đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc nợ đọng thuế, BHXH, BHYT, BHTN,…
Những tài sản còn lại của công ty.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chưa làm tròn trách nhiệm!
Ngày 26/5/2014, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn số 3082-CV/TU đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, khả năng trả các khoản nợ thuế, nợ BHXH tại các doanh nghiệp, trong đó có Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An. Đồng thời đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình chiếm dụng quỹ BHXH, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cam kết lộ trình trả các khoản nợ. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thu hồi nợ BHXH, xử lý vướng mắc, giải quyết chế độ cho người lao động trong các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành đang vào cuộc để làm rõ các hành vi nợ đọng BHXH, nợ thuế tại các doanh nghiệp, nhất là 4 doanh nghiệp nợ đọng kéo dài gồm Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An, Công ty CPĐT&XD 24, Công ty CP nạo vét và xây dựng đường biển 2, Công ty CPXD Thủy lợi 3. |
Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An qua các thời kỳ từ năm 2004 đến nay, song trách nhiệm của cơ quan BHXH cũng không nhỏ. BHXH là một chính sách thể hiện tính nhân văn, ưu việt, là sự bảo đảm cho an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Về bản chất, có thể xem người lao động đóng BHXH là khách hàng, là đối tác của BHXH, thông qua các đơn vị sử dụng lao động như là khâu trung gian.
Theo quy định, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN sẽ được hưởng những quyền lợi, như: được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc trợ cấp một lần khi đã hết tuổi lao động hoặc mất sức lao động đối với những người đóng BHXH từ 20 năm trở lên; được thụ hưởng các chính sách về y tế, thai sản, được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh theo quy định, trợ cấp lúc ốm đau, bệnh tật khi không thể làm việc được. Không những thế, người lao động bị mất việc làm sẽ được nhận trợ cấp; tư vấn miễn phí về lao động - việc làm và dạy nghề; hỗ trợ học nghề, được nhận thẻ bảo hiểm y tế và không phải đóng phí bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Ưu việt, nhân văn là vậy, thế nhưng hiện nay, những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An cũng như một số công ty khác đang đứng trước nguy cơ không được thụ hưởng chính sách BHXH. Theo thống kê, đến hết tháng 5/2014, trên địa bàn Nghệ An có 659 đơn vị nợ BHXH trên 3 tháng với số tiền 106 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An là một trong những đơn vị nợ cao. Đến hết tháng 6/2014, công ty đang nợ cơ quan bảo hiểm 3,282 tỷ đồng, trong đó hơn 2,4 tỷ đồng tiền BHXH, hơn 10,6 triệu đồng tiền BHYT và hơn 7,2 triệu đồng tiền BHTN, lãi suất chậm nộp hơn 846 triệu đồng. Đến nay, 138 lao động đã nghỉ việc, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được chốt sổ BHXH.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao tình trạng nợ đọng của Công ty cổ phần Cầu đường Nghệ An kéo dài suốt gần 10 năm nhưng không thể xử lý dứt điểm. Tại sao, ngay từ những năm 2005 - 2006, khi Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An bắt đầu có tình trạng nợ đọng BHXH, cơ quan BHXH chưa có các hình thức để thông báo kịp thời cho người lao động biết họ đang nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN. Nếu được thông báo, người lao động sẽ biết được họ có bị công ty chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN hay không, để có phương án xử lý, như chủ động xin chốt sổ mang đi đóng tại đơn vị khác hoặc chuyển sang tham gia bảo hiểm tự nguyện...
Theo Khoản 1, Điều 20, Luật BHXH quy định, tổ chức BHXH có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, thực tế là lâu nay, người lao động ở Công ty XD Cầu đường Nghệ An không biết được tình trạng đóng BHXH của mình như thế nào, có nợ hay không, nợ bao nhiêu tháng. Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh. Với việc để nợ đọng BHXH kéo dài ở Công ty cổ phần Cầu đường Nghệ An và 659 doanh nghiệp khác với số tiền 106 tỷ đồng thì trách nhiệm của cán bộ bảo hiểm chuyên quản ở đâu? Trong những năm qua, BHXH liệu có hoàn thành nhiệm vụ?
Sự việc xảy ra tại Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An là điển hình cho tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, người lao động tham gia BHXH không được giải quyết các quyền lợi cơ bản và hợp pháp. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, ngoài các ngành chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, thì cơ quan BHXH cần nêu cao trách nhiệm của mình, tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật BHXH, BHYT, BHTN một cách rộng rãi đến người sử dụng lao động và người lao động đóng BHXH; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người lao động tham gia BHXH thực hiện các nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, cơ quan BHXH cần tạo được kênh liên lạc hiệu quả với người tham gia BHXH để kịp thời thông báo cũng như xử lý các vướng mắc, đảm bảo người tham gia BHXH có đầy đủ các điều kiện để hưởng các chính sách ưu việt của BHXH. Có làm được như vậy thì cơ quan BHXH mới thực sự trở thành nơi gửi gắm niềm tin của người lao động tham gia BHXH, xứng đáng là cơ quan trụ cột cơ bản nhất trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội hiện nay.
Có dấu hiệu để xử lý hình sự Hiện nay, Luật BHXH và các văn bản liên quan có quy định rõ ràng, chi tiết về nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, việc nợ đọng BHXH trong một thời gian dài với số tiền lớn đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Mà nguyên nhân trước hết là lỗi của đơn vị sử dụng lao động. Ở đây là Công ty CPXD Cầu đường Nghệ An. Ngoài việc áp dụng các biện pháp để truy đòi, xử lý số tiền còn nợ đọng để giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, xử lý trách nhiệm của những người có liên quan vì hành vi sai phạm có dấu hiệu để khởi tố vụ án hình sự khi công ty thu tiền của người lao động nhưng không nộp BHXH cho họ. Để cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, người lao động cần làm đơn đề nghị và cung cấp các tài liệu, chứng cứ để cơ quan chức năng có căn cứ giải quyết. Thạc sỹ, Luật sư: Nguyễn Trọng Hải (Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự) |