(Baonghean.vn) - Phan Văn Từ (quê ở Liên Thành, Yên Thành), Hội viên kỳ cựu Hội Văn nghệ Nghệ An, tác giả bài thơ nổi tiếng “Nhịp cầu nối những bờ vui” đã từ giã trần thế lúc 21giờ 30 ngày 7/8/2014 (nhằm ngày 12/7 năm Giáp Ngọ) sau những tháng ngày trọng bệnh. Ra đi ở tuổi 74, ông đã để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, để lại một khoảng trống trong lòng bạn bè văn nghệ.... 
 
Trong sự nghiệp văn chương, tính đến năm 2014, cả in chung và in riêng, Phan Văn Từ đã có 10 tập thơ, đã có 1 tặng thưởng (Tạp
images1026944__nh__phan_van_tu.jpgNhà thơ Phan Văn Từ
chí VNQĐ), 4 giải thưởng, trong đó có cả Giải thưởng VHNT Việt Nam (năm 2007, tập thơ “Tia nắng cuối chiều”)... Nhưng  Phan Văn Từ  để lại dấu ấn trong lòng nhiều bạn bè văn nghệ không phải ở những giải thưởng - mặc dù giải thưởng cũng là thước đo bút lực của một văn nghệ sĩ.
 
Tôi nói vậy bởi những dấu ấn mà Phan Văn Từ để lại trong chúng tôi, là những năm tháng khi ông chưa có giải thưởng nào cả. Đó là những năm tháng của thập kỷ tám mươi, thế kỷ hai mươi. 
 
Mới gặp ông, nếu không phải dân văn nghệ, không ai nghĩ ông là nhà thơ. Ông như một nông dân, bởi cái dáng vóc lực điền, bởi tám sào ruộng khoán của người vợ thân yêu, một mình ông cày, bừa, kéo trục tất tần tật! Con người ấy, phong cách ấy không bạn yêu thơ nào lại hình dung được, ông có những bài thơ, câu thơ đã trở thành tiềm thức của nhiều thế hệ:
 
                                      Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta
                                      Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo
                                      Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo
                                      Nhịp cầu nối những bờ vui.
 
Nhịp cầu “nối những bờ vui”. Nghe quen quá rồi nên nhiều người có cảm giác “chẳng có gì cả”. Nhưng đó là một hình tượng thơ rất trữ tình và lãng mạn! Đọc lên, hát lên, hình tượng thơ sẽ lay động tâm hồn, làm cho lòng ta xao xuyến, yêu đời hơn! Bởi thế chăng mà bài thơ viết từ lâu, từ trong chiến tranh mà nó vẫn sống với thời gian. Và quan trọng hơn, thời nào nó cũng làm say mê lòng người, nhất là những đôi lứa đang hò hẹn yêu nhau.

Nghe bài hát "Nhịp cầu nối những bờ vui":

[audio(1937)]
Các văn nghệ sỹ trong tỉnh chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng nhà thơ Phan Văn Từ tại nhà riêng của ông
 
Nếu nhìn bằng con mắt đời thường, ta dễ ngộ nhận, Phan Văn Từ có vẻ cục mịch bởi cái vẻ bề ngoài khắc khổ, tác phong chậm chạp, ít nói, hay nhường nhịn. Ngồi nói chuyện hay đọc thơ, bình phẩm thơ, ông nhường hết. Nhưng đừng tưởng có thể bắt nạt được con người ấy. Ông là thanh gươm nằm trong vỏ chuối. Ông có đôi mắt sáng dưới cặp lông mày rậm và luôn nhìn thẳng, nhìn đối diện với người nói chuyện. Và điều đáng nói nhất là nhìn thẳng vào đời. Văn nghệ sĩ thường có nhãn quan ấy nhưng không phải là tất cả, thậm chí không nhiều. Phan Văn Từ nằm trong số ít ấy. Đó là dấu ấn thứ hai mà ông để lại trong lòng bạn bè.
Nhà thơ Phan Văn Từ và hội viên chi hội văn Nghệ Yên Thành trong một chuyến đi thực tế
 
Từ thập kỷ tám mươi, nghĩa là cách đây đến hai ba mươi năm, đời sống xã hội lúc đó khác lắm bây giờ. Dường như tất cả sống theo một chiều, nhìn theo một chiều, nói cũng theo một chiều! Có ai nói ngược một chút thì chỉ nói nhỏ, nói riêng với nhau thôi. Phan Văn Từ  đã nhìn ngược và nói  ngược (thực chất không phải ông nói ngược mà là nói thật, bởi ông dám nhìn thật đời, điều mà nhiều người né tránh). Dũng cảm hơn, ông đã đưa những chuyện khác thường của đời sống vào thơ. Bài thơ “Năm 1985 ở làng tôi” là một điển hình. Cấu tứ  bài thơ được xây dựng bằng một câu chuyện của làng. Có sao nói vậy, kể vậy, rất tự nhiên, không một lời bình phẩm. Và chính những sự việc tự nhiên ấy đã tự lột tả vấn đề xã hội - đó là sự cao tay của nhà thơ. Như: 
 
                               Ông Lịch phó ty tài chính
                                Vừa ăn mừng làm nhà to năm ngoái
                               Năm nay lại mừng đứa cháu thứ một trăm
                                Đi học trường Tài chính
hay:                     
                              Anh Cầm chủ nhiệm
                               Được điều lên làm trưởng ban nông lâm huyện 
                               Cũng véc tông, mũ nồi, xe đón xe đưa
Bài thơ ra đời như một cơn lốc xoáy. Bạn đọc bàn tán xôn xao. Cấp xã, cấp huyện bất bình. Phan Văn Từ như một tảng đá!
 
Ông cũng có nhãn quan thẳng thắn, nhìn thật vào đời. Ông đã bắt gặp một số đảng viên  làm hoen ố thanh danh Đảng, khoác áo Đảng để vụ lợi:
 
                               Khi tiếng nhạc trầm hùng cất lên
                                Ai đó đứng cúi đầu trang nghiêm mặc niệm
                                Nhưng trong lòng còn ngổn ngang toan tính
                                Bàn tay lần túi áo đếm tiền. 
                                                      (Nghĩ về Đảng)
 
Những năm ở thập kỷ tám mươi của thế kỷ 20 mà dám nhìn nhận và dám viết như vậy thì quả không dễ gì, không phải ai cũng làm được.
Nhà thơ Phan Văn Từ và vợ Ảnh: Hồ Các
 
Cũng những năm này, những năm còn rất nặng nề cơ chế quan liêu bao cấp, đời sống của người lao động, nhất là những người làm công ăn lương, không loại trừ các văn nghệ sĩ, nghèo khổ đến mức không đủ ăn, không đủ mặc! Những năm đó tôi cũng tòm tèm làm thơ, vì thế mới quen được Phan Văn Từ. Khi tìm đến Đài phát thanh tỉnh, tôi nấn ná, ba nhắm bảy nhót mới xin được bảo vệ vào cổng. Vào cổng rồi lại rụt rà rụt rè hỏi cho được phòng ở Phan Văn Từ. Tôi ngỡ mình đã vào nhầm (lúc đó tôi chưa biết ông). Trong đầu tôi đang hình dung nơi ăn ở và làm việc của nhà thơ, biên tập viên một đài phát thanh phải đàng hoàng, sang trọng thì đập vào mắt tôi là một căn phòng có hai cánh cửa tuyềnh toàng ba bốn lỗ thủng (sau này tôi mới biết những lỗ thủng còn để những người quen đến không gặp thì bỏ bài vào phòng ông)! Gian nhà được ngăn đôi bằng lá cót thành hai phòng ở, đấu lưng vào nhau. Chiếc giường cá nhân ọp ẹp lót một chiếc chăn bông rách lỗ chỗ. Trên bàn biên tập bằng gỗ mộc, một nửa là chồng bản thảo - chủ yếu là thơ, một nửa là hai cái xoong, một nấu cơm, một kho cá trích được lót hai tờ giấy đen nhẻm nhọ nồi…
 
Đời sống vật vờ ấy của văn nghệ sĩ đã được ông dựng lại trong bài thơ “Quanh chiếu rượu” (1988), một bài thơ gây ấn tượng mạnh đối với độc giả và được đánh giá cao trong nghiệp thơ của ông. Đành rằng, bài thơ không dừng lại với ý nghĩa này, nhưng dấu ấn mà bài thơ để lại là cái nhìn “không thương tiếc”, không màu mè, không che lấp vốn có của ông. Những nhà thơ nghèo đến kiết xác “xét túi kín vòng” cũng chỉ đủ mua một chai rượu trắng! Để khi “rượu tàn đêm qua” thì:
 
                                    Gió mở cửa
                                    Ùa về tia nắng sớm
                                    Ùa về ông lão ăn mày
                                    (Ngỡ có tiệc vào xin dọn bát)
                                    Mở rộng vòng tay chúng tôi thêm bạn
                                    Lại xách chai mua chịu rượu quán quen
 
Đúng là bài thơ kết một cách bất ngờ đến đau đớn, người thơ đều mủi lòng. Phan Văn Từ đã bồng lão ăn mày lên ngồi với nhà thơ.
 
Nghiệp thơ của Phan Văn Từ, tất nhiên không chỉ có vậy. Những dấu ấn mà ông để lại trong lòng bạn bè văn nghệ cũng không chỉ có vậy. Nhưng chỉ chừng ấy thôi, cũng chẳng phải dễ dàng gì! Đó là những dấu ấn của một nhà thơ luôn sống thật với lòng mình, nói thật lòng mình. Chỉ là sống thật, nói thật nhưng không phải ai cũng sống được, nói được. Phải chăng, đây là một phẩm chất vô cùng quý của mỗi người nói chung và đặc biệt với người làm văn nghệ nói riêng. Thật trân trọng những điều giản dị và rất đẹp đó của ông. 
 
                                                                                  Nguyễn Việt Hòa