(Baonghean) - Sau loạt bài "Thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam" được đăng tải, Báo Nghệ An nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Không chỉ những người làm hồ sơ xét duyệt chế độ thấy khó khăn, phiền hà khi làm thủ tục này, mà những người có trách nhiệm cũng có nhiều trăn trở, băn khoăn về vấn đề này. PV Báo Nghệ An đã trao đổi với lãnh đạo các ngành và tổ chức liên quan.
 
Ông Đình Xuân Tứ - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Nghệ An: Cán bộ chính sách chưa thông cảm với nạn nhân.
 
Theo phản ánh của nạn nhân chất độc da cam với Hội thì những cán bộ chính sách còn máy móc, thậm chí nắm chính sách không cụ thể và chưa thông cảm với các nạn nhân nên vẫn có hiện tượng gây khó khăn, trở ngại cho những người đi làm thủ tục xét duyệt. Có trường hợp cùng một loại hồ sơ nhưng người làm được, người không, cũng chỉ vì quen biết và không quen biết. Từ đó, nhiều người phải nhờ "cò" cho được việc. Có nhiều người đã đến Hội nạn nhân chất độc da cam phản ánh tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu của các cán bộ cấp phường xã, cấp huyện, thành cũng như tình trạng "cò" chạy chế độ da cam. Do đó, cần phải bổ sung thành viên của Hội nạn nhân chất độc da cam các cấp vào Hội đồng xét duyệt hồ sơ.
 
Việc xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi cho các nạn nhân chất độc da cam của Sở LĐTBXH Nghệ An còn có những điểm khắt khe, khó khăn hơn so với những gì Bộ LĐTBXH quy định. Xét duyệt chế độ cho nạn nhân chất độc da cam là việc làm không thể ấn định thời gian cụ thể trong khi đó tỉnh ta lại ấn định đến 31/12/2012 là hoàn tất) mà phải làm khi nào hết số lượng tồn đọng. Việc khó khăn nhất hiện nay là những người hoạt động kháng chiến ở vùng bị nhiễm chất độc da cam nhưng bị thất lạc giấy tờ không thể làm hồ sơ được. Vấn đề này cần có giải pháp cụ thể và sự quan tâm của các cấp chính quyền để giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người này hoàn thiện hồ sơ để xét duyệt hưởng chế độ ưu đãi.
 
Ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An: Còn quá nhiều hồ sơ tồn đọng.
 
Hiện nay có rất nhiều hồ sơ làm hoàn chỉnh rồi mà vẫn còn tồn đọng vì không ai dám xác nhận đúng, sai mà phải chờ Hội đồng thẩm định các cấp. Có những huyện cán bộ phòng LĐTBXH đòi nạp cả giấy tờ gốc (trong khi đó có thể phôtô công chứng rồi đối chiếu với giấy tờ gốc là được), mà giấy tờ gốc này còn liên quan đến các chế độ khác nên người đi làm hồ sơ sợ mất không giám nạp.
 
Chúng tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng triển khai xét duyệt những hồ sơ đã được nạp lên các cấp, nếu kiểm tra hồ sơ ai thiếu cái gì thì gọi bổ sung.
 
Do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm nên người dân không thể hiểu ai thuộc diện được làm, ai không được làm, dẫn đến đua nhau làm hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi. Do thiếu hiểu biết nên những người thuộc diện được hưởng cũng phải nhờ "cò" cho được việc. Theo tôi, số hồ sơ do "cò" làm và số hồ sơ đó đã nạp lên các cấp đang chờ xét duyệt không phải là ít.
 
Để giải quyết tình trạng này, các ban ngành và chính quyền địa phương phải phối hợp tuyên truyền để người dân nắm rõ ai thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi này, cùng nhau vào cuộc một cách tích cực để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam hoàn thiện hồ sơ xét duyệt. Người dân cũng phải nắm rõ mình có thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi này không, chứ không nên cứ làm theo kiểu "được thì tốt, không được thì thôi" dẫn đến bị "cò" lợi dụng lừa đảo.
 
Ông Nguyễn Thanh Phùng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An: Nhiều huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai đến tận cơ sở nên gây ra tình trạng chậm trễ và hồ sơ không hợp lệ.
 
Về tình trạng đường dây "cò" chạy chế độ hiện nay, chưa khẳng định được có hay không, vì quy trình làm hồ sơ xét duyệt có sự tham gia của nhiều ban, ngành liên quan. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, theo dư luận ở Diễn Châu có đường dây "cò" chạy hồ sơ chế độ chất độc da cam, Sở LĐTBXH đã kết hợp với Công an tỉnh xác minh, trong mấy nghìn hồ sơ gửi về Phòng LĐTBXH huyện Diễn Châu, có kết luận 42% số hồ sơ là không hợp lệ.
 
Trước khi trình Quyết định 1197 (14/4/2011) lên tỉnh (Quyết định mà nhiều người cho là chặt hơn so với các tỉnh khác, gây thiệt thòi cho các nạn nhân-P.V), chúng tôi đã cử các đoàn đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh và lập kế hoạch trình lên UBND tỉnh. Chúng tôi đã mời các huyện và các thành phần liên quan dự tập huấn rồi mới triển khai. Do tình trạng làm hồ sơ ở một số tỉnh phức tạp, nên ngày 23/5/2011 Bộ LĐTBXH đã có công văn nêu rõ ưu tiên các trường hợp bị bệnh ung thư và những trường hợp có bệnh án từ 2009 trở về trước. Vì có công văn này nên tạm thời phải dừng lại những trường hợp không thuộc diện này.
 
Có nhiều hồ sơ trình lên Sở LĐTBXH tỉnh bị loại là do ở cấp huyện, xã không thẩm định kỹ nên dẫn đến tình trạng hồ sơ không hợp lệ, thậm chí có trường hợp không đi bộ đội cũng làm hồ sơ.
 
Sở LĐTBXH đã có công văn chỉ đạo, đôn đốc Phòng LĐTBXH các huyện nhưng trong lần xét duyệt mới đây (9/9/2011), vẫn còn 7 huyện là Con Cuông, Kỳ Sơn, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quế Phong vẫn chưa tổng hợp được hồ sơ để chuyển về xét duyệt. 13 huyện, thị còn lại gửi 238 hồ sơ về thì xét được 203 hồ sơ, còn lại 35 hồ sơ không hợp lệ. Nhiều huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai đến tận cơ sở nên gây ra tình trạng chậm trễ và hồ sơ không hợp lệ.
 
Ngoài ra, những điều kiện mà Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đưa ra để xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam còn nhiều vướng mắc, chưa hợp lý nên gây khó khăn trong việc xét duyệt hồ sơ. Trước mắt, Sở tập trung chỉ đạo giải quyết cho các trường hợp theo Công văn ngày 23/5/2011 của Bộ LĐTBXH, số còn lại sẽ tập hợp lại, báo cáo lên Bộ LĐTBXH để xin hướng dẫn xử lý.
 
Để người dân tránh bị lừa đảo, "cò" trong việc làm hồ sơ xét duyệt thì các huyện, thị, thành phố phải làm tốt công tác tuyên truyền, các mẫu hồ sơ phải dán tại các trụ sở xã, phường để người dân tiện theo dõi. Các cấp huyện, thành thị, phải đôn đốc cơ sở thực hiện và có sự phối hợp tích cực giữa các ngành.


Nhóm PV