(Baonghean) - Ngày 20/12/1993, Chính phủ có Quyết định 603/QĐ.TTg phê duyệt tổng thể Thành phố Vinh bao gồm toàn bộ khu chứng tích và cơ sở vật chất của HTX Hợp Đức nằm trong Khu vực Công viên hồ Cửa Nam tạo thành Khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, nhân dân phường Cửa Nam, Thành phố Vinh và du khách về tham quan. Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch...
Thời gian qua, Thành phố Vinh được ghi nhận trong quy hoạch xây dựng, điều chỉnh nâng cấp các công viên, vườn hoa lớn nhỏ (công viên Nguyễn Tất Thành, Vườn hoa Vòi Phun, Lâm viên núi Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên Trung Tâm...) ngoài góp phần tạo ra một diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, xứng tầm đô thị loại I, thì các công trình trên đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân. Tuy nhiên, tiến độ chậm của một vài công trình, dự án cùng với năng lực quản lý nhà nước đối với quá trình đầu tư xây dựng chưa cao, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho thực hiện xây dựng theo quy hoạch tổng thể cũng như từng công trình công cộng của thành phố. Trong đó, đáng đề cập nhất là ở Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam.
Ngày 20/12/1993, Chính phủ có Quyết định 603/QĐ. TTg phê duyệt tổng thể Thành phố Vinh bao gồm toàn bộ khu chứng tích và cơ sở vật chất của HTX Hợp Đức nằm trong khu vực Công viên hồ Cửa Nam tạo thành Khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, nhân dân phường Cửa Nam, Thành phố Vinh và du khách về tham quan. Ngày 4/9/1997, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3533 QĐ/UB về việc phê duyệt Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam. Nếu được triển khai đúng tiến độ, thì Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam nay đã thực sự là niềm tự hào, là công trình công cộng phát huy tốt chức năng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân khu vực phường Cửa Nam nói riêng và nhân dân Thành phố Vinh nói chung. Đây sẽ còn là một điểm nhấn quan trọng cho cửa ngõ Tây Nam Thành phố, đáp ứng được mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo "tiêu chí xanh" cho thành phố và là nơi dừng chân vui chơi, thư giãn lý tưởng cho du khách khi về thăm Thành phố Vinh theo nhu cầu tham quan dọc trục đường du lịch nội đô Lâm viên núi Quyết - hồ Cửa Nam.
Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch. Bất cập đó, trước hết chính quyền Thành phố Vinh phải xem xét vai trò quản lý nhà nước trong suốt lộ trình thực hiện quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Hay nói cách khác, những bế tắc trong việc xây dựng công trình nói trên theo quy hoạch từ năm 1993 sẽ được "khơi thông" bằng ý thức trách nhiệm cao nhất của chính quyền và nhân dân Thành phố trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ vững kỷ cương nhà nước vì một mục tiêu chung xây dựng Thành phố Đỏ anh hùng xứng tầm đô thị loại I và phát triển hướng đô thị trung tâm Bắc Trung bộ. Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An nhận thấy cần cung cấp thêm thông tin để làm rõ những thắc mắc liên quan đến Dự án Xây dựng công viên công cộng hồ Cửa Nam của chính quyền thành phố để người dân cùng hiểu rõ. Từ đó ủng hộ chủ trương, chính sách của nhà nước và chính quyền địa phương.
Mấu chốt vấn đề là vì sao Nhà thờ Cầu Rầm vốn đã được chính quyền cấp đất xây dựng trên địa điểm mới gần đó từ năm 1998 với sự hợp tác thiện chí cao giữa chính quyền, giáo xứ và sự đồng thuận của nhân dân nói chung, nay lại nảy sinh những phản ứng không đáng có?
Thực tế lịch sử, Nhà thờ Cầu Rầm được xây dựng trên địa bàn Vinh vào năm 1928, đến năm 1968 bị bom đánh sập hoàn toàn trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam do đế quốc Mỹ gây ra. Căn cứ vào đề xuất của chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân, Bộ Văn hóa Thông tin đã xét và gắn bia chứng tích tội ác của Mỹ tại ngôi nhà chung bị sụp đổ này. Do điều kiện cơ sở vật chất không còn khả năng sử dụng vào việc tín ngưỡng tôn giáo, giáo hội quyết định chuyển sinh hoạt tôn giáo về nhà thờ họ Trung Tiến. Năm 1976, Ban hành giáo xứ, cụ linh mục quản xứ Cầu Rầm đã thống nhất ý nguyện chuyển toàn bộ cơ sở vật chất còn lại (gồm một căn nhà hai tầng) cho HTX Hợp Đức được quyền sở hữu, sử dụng vào việc trần thế, làm cơ sở sản xuất vật liệu kiến thiết thành phố vì lợi ích chung. Hồ sơ chuyển nhượng do ông Bá Đình Loan- Trưởng ban hành giáo xứ Cầu Rầm đại diện đứng tên với số tiền 13.000 (mười ba nghìn đồng). Sự chuyển nhượng này được sự xác nhận đồng ý của linh mục quản hạt Nguyễn Duy Thường và xác nhận của Ban cán sự Khu phố 2 (phường Cửa Nam) do ông Trần Văn Chương ký ngày 12/10/1976. Số tiền chuyển nhượng được dùng vào việc sửa chữa các nhà thờ trong giáo họ và tập trung tu sửa nhà thờ họ Trung Mỹ- Hưng Vĩnh để chuyển trung tâm giáo xứ về đây. Từ đó, HTX Hợp Đức tiếp nhận cơ sở vật chất nhà thờ Cầu Rầm và sử dụng vào mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến tháng 8 năm 1995, thực hiện theo qui hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt năm 1993 và Quyết định số 3533 QĐ/UB ngày 4/7/1997 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam, UBND Thành phố Vinh đã trích 720 triệu đồng đền bù cho HTX Hợp Đức để thực hiện giải phóng mặt bằng và giao cho UBND phường Cửa Nam (TP Vinh) trực tiếp quản lý khu đất trên xây dựng công viên công cộng.
Đối với việc xây dựng nhà thờ Cầu Rầm, từ năm 1992, UBND Thành phố Vinh có công văn kiến nghị xét cấp đất cho giáo xứ làm nhà thờ. Tháng 6 năm 1993, UBND tỉnh đã có Công văn số 661 CV/UB trả lời UBND Thành phố Vinh đồng ý cấp đất để làm nhà thờ xứ tại vị trí đất xí nghiệp điện cơ thuộc phường Đội Cung. (Ban hành giáo xứ cũng đã trực tiếp nhận thông báo này). Sau đó xét nguyện vọng của giáo dân, kiến nghị của UBND phường Cửa Nam và Thành phố Vinh, UBND tỉnh đã cùng với chính quyền thành phố khảo sát giới thiệu hai địa điểm khác có đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm vừa góp phần làm đẹp cảnh quan của phường vừa thuận tiện cho việc hành lễ của giáo dân mà không ảnh hưởng đến qui hoạch tổng thể của thành phố. Đó là khu đất hiệu kem Tam Đồng và khu đất kho Vòm của Công ty Xây dựng 1 để giáo xứ lựa chọn. Cụ giám mục Trần Xuân Hạp, cụ Linh mục Nguyễn Văn Khôi quản xứ Cầu Rầm thay mặt giáo dân chọn địa điểm kho Vòm do Công ty Xây dựng 1 quản lý để đề nghị xin tỉnh cấp đất cho giáo xứ làm nhà thờ. Ngày 08/06/1998, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Tất Thắng cùng Trưởng Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh, Chủ tịch UBND Thành phố Vinh và chuyên viên văn phòng UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Giám mục Trần Xuân Hạp, Phó giám mục Cao Đình Thuyên, tòa giám mục xã Đoài, địa phận Vinh. Tại buổi làm việc, hai giám mục đã đồng ý với chủ trương giải quyết của tỉnh. Sau buổi làm việc, ngày 16/6/1998, UBND tỉnh đã có Công văn số 1098 CV/UB đồng ý vị trí kho Vòm mà tòa giám mục và giáo xứ đã chọn làm nơi xây dựng nhà thờ (theo tờ trình ngày 14/4/1998 của cụ linh mục Nguyễn Văn Khôi). Tiếp đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2575 QĐ/UB ngày 17/7/ 1998 về phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu đất kho Vòm để xây dựng nhà thờ Cầu Rầm; Quyết định số 2954/QĐ/UB ngày 18/7/1998 về việc giao cho xứ Cầu Rầm 8.183m2 đất đã thu hồi để xây dựng nhà thờ mới; Quyết định số 432/ QĐ.UB-TG cho phép giáo xứ Cầu Rầm được xây dựng trên vị trí đã định vị tại khu đất mới kho Vòm. Ngày 1/02/1999, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 564/QĐ/UB bàn giao thêm 2622,4m2 để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà thờ Cầu Rầm (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp vào ngày 20/10/2003 tại Quyết định số 1037/QĐ.UB). Từ chục năm nay nhà thờ đã được giáo xứ, giáo dân đưa vào sinh hoạt tôn giáo ổn định tại khối 6A phường Cửa Nam.
Trao đổi với cụ Linh mục Hoàng Sỹ Hướng - quản xứ Cầu Rầm về các vấn đề liên quan đến Dự án Xây dựng công viên công cộng. Cụ linh mục cho rằng: Thứ nhất, để giải quyết những phản ứng của giáo dân trong giáo xứ đối với chính quyền Thành phố liên quan đến lộ trình xây dựng công trình trên cần có giải quyết khiếu nại theo đúng pháp luật; thứ hai, không triển khai công trình gì trái mục đích tôn giáo; thứ ba, chính quyền phải trả lại đất cho giáo xứ Cầu Rầm. Tuy nhiên, cụ linh mục cũng cho hay, cá nhân cụ không thể quyết định mọi việc. Với ý kiến trên của cụ Linh mục, thì lẽ tất nhiên là cả cụ Linh mục Hoàng Sỹ Hướng và tất cả chúng ta đều hiểu rất rõ rằng: quan điểm, ý kiến chủ quan của mỗi cá nhân không thể là căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất hay việc triển khai các dự án, qui hoạch của Nhà nước, mà vai trò của chính quyền, tòa giám mục và các căn cứ pháp lý sẽ là nguyên tắc chủ đạo để mọi tổ chức, công dân đều phải có tinh thần và nghĩa vụ thượng tôn luật pháp nhà nước, đồng hành cùng dân tộc.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là: Thứ nhất, bên cạnh có sự điều chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng, chính quyền Thành phố Vinh cần tiếp tục xem xét, nỗ lực giải quyết các thắc mắc của người dân qua tiếp dân và bằng các văn bản trả lời theo đúng luật pháp. Thứ hai, phải công khai, minh bạch các thông tin, chủ trương liên quan đến chính sách, kế hoạch phát triển KTXH của thành phố để nhân dân nắm bắt và tự giác chấp hành. Thứ ba, diện tích đất để xây dựng Khu vui chơi giải trí và du lịch hồ Cửa Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt của Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An vì lợi ích của nhân dân là không thể thay đổi. Thứ tư, việc yêu cầu chính quyền trả lại đất cho giáo xứ Cầu Rầm là không có cơ sở và đương nhiên vi phạm pháp luật nhà nước. Bởi khu đất thuộc dự án Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam đã được Chính phủ thu hồi của HTX Hợp Đức theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 1999.
Như vậy, trách nhiệm của chính quyền Thành phố và nghĩa vụ chung của nhân dân trong vấn đề này là sớm có giải pháp để tiến hành xây dựng Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam theo đúng quy hoạch đã phê duyệt, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, thư giãn của nhân dân nói chung và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội về lâu dài. Những quan điểm cho rằng đang có những tranh chấp đất đai liên quan đến dự án xây dựng công viên ở khu vực hồ Cửa Nam là không có cơ sở, bởi đó là công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân được xây dựng trên đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà nước.
Bài 5: Sớm có giải pháp xây dựng Khu vui chơi, giải trí và du lịch hồ Cửa Nam theo đúng quy hoạch
Nhóm PV