» Ngư dân xứ Nghệ vươn khơi bất chấp lệnh cấm phi lý của Trung Quốc

 » Mẻ lưới đầu tiên trên hải trình Vịnh Bắc Bộ

1496753704916.jpgTàu cá ngư dân Nghệ An đánh bắt trong đêm trên biển. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày đánh cá thứ 3 trên biển, chúng tôi đang ở vị trí giữa đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hôm qua, sau khi chạy từ trong “lộng” ra đến đây, tàu chúng tôi đã lập tức buông lưới. Không tệ như ngày đầu, ngày thứ 2 cá đóng khá nhiều.

Gỡ lưới đến 23h, các thuyền viên ước tính thu được chừng gần một tấn cá. “Đây chưa phải nhiều! Có ngày được 3 tấn kia!” - Lin Đa nói với tôi. Thường mỗi chuyến đi biển của những con tàu đánh bắt xa bờ như tàu anh Diện, được khoảng 10 tấn cá; trung bình thu gần 300 triệu đồng cho gần nửa tháng làm việc. 

Hoàng Đức Lin Đa (18 tuổi), làm đầu bếp trên tàu anh Diện. Lin Đa là 1 trong 2 thuyền viên trẻ nhất nhưng cũng đã có hơn 10 năm đi biển. Học hành dở dang, Lin Đa theo cha đi biển. Công việc đầu tiên của Đa chỉ là phụ giúp rửa chén, bát trên tàu. “Hồi đó nhà em nghèo lắm. Cơm còn chẳng có để ăn. Em còn nhớ, nhà thì dựng tạm 4 cây cọc rồi căng bạt để ở. Em phải bỏ học vì không có tiền”, Lin Đa nói và cho hay, đến nay sau nhiều năm hai cha con cần mẫn trên biển, mẹ ở nhà đi vá lưới thuê, gia đình đã xây được căn nhà hai tầng khang trang. Thu nhập của Lin Đa trong vài tháng trở lại đây khá cao bởi tàu thường xuyên đánh được nhiều cá. Hai chuyến đi biển vừa rồi, cậu được chia hơn 20 triệu đồng.

“Chữ mà trong điện thoại hoặc trên máy tính thì em đọc được, nhưng họ viết tay thì em chịu. Em cũng không biết viết trên giấy, viết xong chẳng ai đọc được”, Lin Đa cười nói. Đối với những con chữ, Lin Đa rất chậm, nhưng khi ra tới biển, cậu  rất nhanh nhẹn, tháo vát. Chẳng có việc gì trên tàu Lin Đa không biết làm. Các thuyền viên khác vẫn thường gọi cậu là bếp trưởng Đa. Làm thêm công việc này, mỗi chuyến đi biển cậu được cộng thêm 0,3 phần. Nghĩa là nếu các thuyền viên khác được chia 10 triệu đồng cho một chuyến đi, cậu sẽ nhận 13 triệu.

Khi lưới bị vướng vào dây tời, các thuyền viên phải kéo bằng tay. Ảnh: Tiến Hùng.

Thả lưới xong, các thuyền viên quây quần ăn cơm với những câu chuyện không đầu, không cuối. Bất chợt, gió thổi mạnh, mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa nhanh chóng trút xuống. Biển động dữ dội. Sấm chớp nổ liên hồi. Tàu chúng tôi chao đảo liên tục tưởng chừng như sắp lật úp xuống biển. Trái với vẻ lo lắng của tôi, nét mặt của các thuyền viên vẫn bình thản. 

Gần trưa, cơn mưa mới chịu dứt, sóng biển êm trở lại. Như thường lệ, 11h, thuyền trưởng Diện yêu cầu các thuyền viên chuẩn bị kéo lưới. Có vẻ như kinh nghiệm những năm đi biển đã khiến anh đoán được điều gì đó đang chờ đợi họ trong những tấm lưới dưới kia. Khuôn mặt thuyền trưởng trầm ngâm đến lạ thường. Đường lưới đầu tiên được kéo lên, các thuyền viên mặt bỗng biến sắc. “Thôi chết! Lần này gỡ đến sáng mới xong”, thuyền viên Nguyễn Phú thở dài. 

Biển động khiến dòng nước bên dưới chảy mạnh làm cho lưới vướng vào dây tời. Lần này, các thuyền viên không thể dùng máy mà phải kéo lưới bằng tay. 5 người trẻ nhất đứng ở mạn tàu gồng mình kéo những tấm lưới nặng trĩu. Những người còn lại đứng phía sau gỡ cá, tháo dây tời khỏi lưới rồi cất gọn gàng vào khoang. Đến 3h sáng hôm sau, công việc cuối cùng cũng xong. Lúc này, Lin Đa mới tất bật chạy ra sau tàu nấu nướng. Bữa cơm có đầy đủ những món được đưa từ đất liền như thịt gà, rau nhưng chủ yếu vẫn là hải sản đánh bắt được ngày hôm đó. “Làm mệt quá rồi. Bây giờ cứ con cá nào ngon nhất là mình ăn con đó”, bếp trưởng Đa cười nói.

Một ngày trên tàu, các thuyền viên ăn hai bữa. Bữa sáng cũng là bữa trưa diễn ra sau khi họ làm xong việc thả lưới, thường là 9h sáng. Nhưng bữa tối thì chẳng có giờ giấc cụ thể nào. Gỡ cá xong lúc nào, họ ăn lúc đó. Sớm thì 20h tối, còn muộn thì 3h, 4h sáng hôm sau. Hôm nay, họ đã làm việc liên tục suốt 16 tiếng. “Lưới còn đang ở dưới biển, mình không an tâm để cả đoàn dừng tay ăn uống được. Với lại mình phải gỡ xong trước 5h sáng để còn tiếp tục thả lưới cho ngày kế tiếp”, thuyền viên Nguyễn Phú nói. Những lúc quá đói, các thuyền viên thường vào lục lọi lương khô, bánh quy hoặc mì gói ăn tạm. Nhưng chỉ mỗi người một, ăn vội vàng để còn ra làm việc. Họ không thể nghỉ cùng lúc nhiều người bởi công đoạn này làm việc theo dây chuyền...

Bữa cơm vào lúc 3h sáng. Ảnh: Tiến Hùng.

Tôi chẳng thể ngủ được. Nhìn các thuyền viên nằm lăn lóc trên gác, trong đầu tôi quanh quẩn những hy vọng ngày đánh bắt kế tiếp suôn sẻ. Tuy nhiên, cả ngày thứ 4 trời mưa như trút. Gió giật cấp 6, cấp 7. Lần này, chúng tôi thả lưới đúng vào bãi đầy vỏ hàu. Biển động, dòng nước quá mạnh đã khiến những vỏ hàu đang nằm yên dưới đáy biển bị trôi theo, đóng vào lưới của ngư dân. Các thuyền viên mất khá nhiều thời gian để gỡ từng con hàu vứt xuống biển. 

“Đêm nay lại mất ngủ tiếp rồi” - Lin Đa ngao ngán. Lúc này trời vẫn còn mưa to, những đợt sóng biển cao chừng 3m liên tục va vào mạn tàu, bọt tung trắng xóa. Mưa tạt vào cả cabin. Con tàu chao đảo, lại bị sóng biển đập vào mặt nhưng 10 thuyền viên vẫn đứng vững trên boong, những đôi tay thoăn thoắt gỡ từng đoạn lưới. Không như ngày đánh bắt trước, hôm nay đến 3h sáng họ vẫn chưa gỡ xong lưới. Nhìn quanh đống lưới đã được kéo lên, thuyền viên Nguyễn Phú ước tính còn khoảng 4 hải lý vẫn chưa gỡ xong. “Không kịp đâu. Nghỉ ngơi ăn cơm thôi. Vứt đó mai gỡ tiếp”, thuyền trưởng Diện chỉ đạo. Thế là phải chấp nhận bỏ một ngày đánh cá để gỡ cho xong. “Làm nghề này phải căn đúng thời gian thả lưới cũng như kéo lưới lên. Nếu thả muộn quá thì không có cá vì phụ thuộc vào con nước. Đã trễ thì phải trễ luôn một ngày”, anh Diện giải thích. 

Anh Diện ước tính, bỏ qua một ngày không buông lưới như vậy coi như mất khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc này các thuyền viên dường như không còn nghĩ đến vấn đề đó nữa. Họ vui vẻ đùa trong bữa cơm. “Vướng hàu nhưng cũng được khá nhiều cá. Những bữa cơm 3h sáng như thế này là bình thường. Vất vả nhưng có tiền”, Lin Đa cho tôi hay. Ăn xong, các thuyền viên mất khoảng 4 tiếng để gỡ đống lưới còn lại, sau đó là ngủ thỏa thích, chờ đến ngày đánh bắt kế tiếp.

Đầu tư vào những con tàu đánh bắt xa bờ đang là mục tiêu phát triển trong lĩnh vực biển của tỉnh Nghệ An. Không chỉ đối với những vùng biển phía bắc vịnh Bắc bộ mà còn hướng đến Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu năm 2014, Nghệ An chỉ mới có 1 tàu tham gia khai thác vùng biển Hoàng Sa thì đến năm 2016 đã có hơn 30 tàu. Số lượng tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa sẽ còn được tăng lên trong những năm tiếp theo. Những con tàu này không những là lực lượng làm giảm áp lực khai thác ven bờ, tăng hiệu quả sản xuất cho ngư dân, mà còn tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 


(còn nữa)

TIN LIÊN QUAN