» Ngư dân xứ Nghệ vươn khơi bất chấp lệnh cấm phi lý của Trung Quốc

 ... Tàu cá của anh Nguyễn Văn Diện (43 tuổi, phường Quỳnh Phương) có công suất 430CV, được mua từ gần 10 năm trước. Thời điểm đó, để sắm được con tàu như thế này, đối với ngư dân là cả một gia tài. Năm 2006, toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có 4 chiếc trên 400CV.

Tuy nhiên, đến năm 2017, con số này đã đạt gần 600 chiếc, thậm chí có chiếc được đóng với công suất gần 1.600CV, đủ sức vươn khơi những vùng biển quốc tế. Trong 2 năm (2015, 2016), tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất từ 400 CV trở lên. Các tàu cá cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy dò ngang, thiết bị thông tin liên lạc… nên hiệu quả khai thác được nâng lên, ngư dân yên tâm hơn khi đánh bắt trên biển.

images1920423_1496714160.jpgNgư dân sử dụng máy tời kéo lưới. Ảnh: Tiến Hùng

Đang giới thiệu về tàu cá, bất chợt, thuyền viên trẻ Hoàng Đức Lin Đa gọi lớn. Lin Đa phát hiện hai chiếc tàu giã cào đang chuẩn bị chạy vào khu vực đánh bắt của tàu chúng tôi. Lập tức thuyền trưởng Nguyễn Văn Diện mở bộ đàm, dò kênh của hai chiếc tàu kia để bắt liên lạc. “Cào 2829… cào 2829…. Các anh đang đi vào lưới của chúng tôi” - anh Diện gọi thông báo. Sau một lúc trao đổi, hai chiếc tàu giã cào của ngư dân Quảng Ngãi từ từ rẽ hướng tránh những đường lưới của tàu chúng tôi.

Khi những chiếc tàu giã cào dần khuất sau những con sóng, thuyền trưởng Diện thông báo cho các thuyền viên chuẩn bị kéo lưới. Lúc này đã là 11h trưa. Sau khi nhổ neo, anh Diện nổ máy cho tàu chạy đến cây cờ phao của đường lưới ngoài cùng. Trong khi đó, các thuyền viên còn lại vội vã mặc áo quần bảo hộ, đeo găng tay. Gọi là áo bảo hộ, nhưng thực chất là những chiếc bì nilon cỡ lớn được cắt thành hình người. 5 thuyền viên bê chiếc máy tời nặng nề ra cắm vào chốt gắn chặt ở mạn tàu.

“Bây giờ không kéo lưới bằng tay như trước nữa. Có máy tời này khỏe hơn nhiều. Sau khi tuồn đầu lưới lên, chỉ cần một người thôi cũng đủ sức để kéo vì được trợ sức từ máy. Chứ không có máy tời, ít nhất cũng mất 5 người mới kéo được những tấm lưới nặng trĩu từ biển lên tàu” - thuyền viên trẻ Nguyễn Phú giải thích trước vẻ tò mò của tôi.

Khi những tấm lưới đầu tiên được kéo lên, khuôn mặt của các thuyền viên càng đăm chiêu. “Ít cá quá” - thuyền viên Nguyễn Đô nói với tôi. Anh Diện vừa cầm vô lăng lái tàu, thi thoảng chồm người qua cửa kính lo lắng nhìn mẻ lưới không như mong đợi...

Trong các thuyền viên chỉ còn Lin Đa vẫn giữ được sự lạc quan. Mỗi lần thấy được một con cá hiếm hoi đóng vào lưới, Lin Đa lại hét toáng lên cười đùa. 

“Thường thu nhập sau mỗi chuyến đi biển được chia theo tỷ lệ chủ tàu hưởng 7 phần, các thuyền viên mỗi người một phần. Nếu ai phụ trách thêm đầu bếp thì được hưởng thêm 0,3 phần” - ngư dân Nguyễn Văn Tiến chia sẻ. Mỗi chuyến đi biển của tàu anh Diện kéo dài khoảng 12 ngày thường tốn chi phí khoảng 70 triệu đồng. Vì vậy, mỗi ngày các ngư dân phải đánh bắt được lượng hải sản tương đương trên 6 triệu đồng, nếu như không muốn thua lỗ.

Thành quả mẻ lưới đầu tiên của tàu anh Nguyễn Văn Diện (phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai). Ảnh: Tiến Hùng.

Mặc dù ít cá nhưng công đoạn kéo lưới cũng kéo dài đến gần 21h mới kết thúc. Làm việc liên tục suốt gần 10 tiếng, ai nấy đều đã thấm mệt. Khuôn mặt lấm chấm giọt mồ hôi mà những cơn gió mát từ biển vẫn chưa kịp lau khô. Nhìn những khay cá, Lin Đa ước tính được hơn 60 kg. “Cũng may hôm nay lại được gần 15 con sam biển và hàng chục con ghẹ đỏ bù lại.

Tổng cộng các loại cũng được hơn 10 triệu rồi”, Lin Đa nói và cho biết thêm, trung bình trước đây mỗi ngày đánh bắt được khoảng 25 triệu đồng. Sam biển và ghẹ đỏ là hai loài hải sản được các thương lái ở Quảng Ninh ưa chuộng. Họ sẵn sàng chạy tàu ra tận khơi để thu mua. Mỗi cặp sam thường có giá 400.000 đồng. Trong khi đó, 1kg ghẹ đỏ sẽ được bán với giá khoảng 500.000 đồng. Những loài này thường được thu mua để bán cho các nhà hàng, khách sạn...

“Ăn cơm, nghỉ ngơi giữ sức. Ngày mai cuộc chơi mới bắt đầu đấy. Chúng ta sẽ đánh gần đảo Bạch Long Vĩ”, thuyền trưởng Diện nói lớn, ý chừng động viên khích lệ các thuyền viên sau ngày đánh bắt đầu tiên có kết quả chưa như mong đợi...

Vùng biển và ven biển Nghệ An gồm 6 huyện, thành, thị với bờ biển dài 82 km, dân số chiếm 39,9% và diện tích chỉ chiếm 8,45% nhưng năm 2016 kinh tế biển đóng góp đến 51,33% GDP toàn tỉnh Nghệ An. GDP bình quân đầu người năm 2006 chỉ đạt 9,27 triệu đồng/người nhưng đến năm 2016 đã đạt 36,21 triệu đồng/người, bằng 1,28 lần bình quân chung toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2016 đạt 109.532 tấn, tăng 2,5 lần so với năm 2006. 

Nghệ An đặt ra mục tiêu năm 2020 toàn tỉnh có 3.870 chiếc tàu với công suất bình quân đạt 177,78 CV. Tàu đánh bắt xa bờ đạt 1.600 chiếc. Đến năm 2030, công suất bình quân đạt 208,62CV, tàu đánh bắt xa bờ đạt khoảng 2.200 chiếc. Trong khi đó, đội tàu hoạt động vùng bờ năm 2020 ước tính có 1.300 chiếc, đến năm 2030 sẽ giảm còn 800 chiếc. Đội tàu hoạt động vùng lộng năm 2020 đạt 970 chiếc, đến năm 2030 giảm còn 700 chiếc. 

(Còn nữa) 

TIN LIÊN QUAN