(Baonghean) - Những tháng đầu năm 2017, dư luận liên tiếp rúng động trước nhiều vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân không chỉ là trẻ em mà còn ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Thực tế ấy đặt ra câu hỏi: Liệu công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng phòng, chống đuối nước đã thực sự hiệu quả?
Nỗi lo mùa hè
Ngày 9/4/2017, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về vụ 2 học sinh của một trường THPT trên địa bàn huyện Hưng Nguyên bị tử vong do đuối nước ở đảo Lan Châu (Cửa Lò), khi đang chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn bè trong lớp. Các nhân chứng có mặt tại hiện trường kể lại, thời điểm đó, một số học sinh chạy ra khu vực nhiều mỏm đá ở đảo Lan Châu để tắm và nhảy lộn.
Chưa dừng lại ở đó, đúng 1 ngày sau vụ đuối nước thương tâm ở Cửa Lò, tiếp tục xảy ra vụ đuối nước ở xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu. Em Nguyễn Công T. (SN 2001) cùng 3 bạn rủ nhau xuống đập dưới chân núi Cao Sơn, giáp ranh với xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành để tắm, không may bị trượt chân vào vùng nước sâu và bị đuối nước tử vong.
Tiếp đó, ngày 19/4, tại bản Chắm Lẻo, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, em Vi Văn Đ. (11 tuổi) cùng nhóm bạn đi tắm ở hồ đập trong vùng không may tử vong do đuối nước. Mới đây nhất, chiều 16/5, chính quyền xã Công Thành, huyện Yên Thành xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến em Nguyễn Hồng A. (SN 2009), học sinh lớp 9, Trường Tiểu học Công Thành tử vong. Được biết, nguyên nhân là do em A. trượt chân ngã xuống ao nước gần nhà.
Còn số liệu báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 36 vụ tai nạn đuối nước trẻ em. Theo thống kê của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, bình quân mỗi năm có khoảng 50 trẻ em tử vong do đuối nước.
Trên bình diện chung, thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho thấy, ở Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước, nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.
Công tác tuyên truyền chưa đến được với phụ huynh
Những năm gần đây, vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em nhiều lần được đưa ra bàn thảo, phân tích, tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ, nhưng trên thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong hầu hết các báo cáo về công tác phòng, chống đuối nước của các ngành, địa phương, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân được nhắc đến như một giải pháp hàng đầu và thường được đánh giá là “đa dạng, phong phú”, “sâu rộng, thường xuyên”. Thế nhưng, trong buổi làm việc tại UBND tỉnh đánh giá kết quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em vào sáng 19/5, đại diện lãnh đạo các ngành, đoàn thể lại có những ý kiến trái chiều.
Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói: “Trong quá trình kiểm tra, nhận thấy chương trình truyền thanh ở nhiều địa phương không đề cập đến nội dung phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, trong khi đây là kênh tuyên truyền đến được với từng gia đình, từng người dân. Điều này cần chấn chỉnh lại”.
Tương tự như vậy, đại diện Sở Tư pháp cho biết, “nhật trình truyền thanh ở hầu hết các địa phương không có nội dung tuyên truyền phòng, chống đuối nước. Năm 2016, qua kiểm tra, chỉ có duy nhất 1 xã ở huyện Anh Sơn là thực hiện việc tuyên truyền qua kênh truyền thanh, còn lại không có”. Về phía Sở GD&ĐT, ông Đào Công Lợi - Chánh Văn phòng Sở cho rằng, công tác tuyên truyền chưa đến được với những người làm cha, làm mẹ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2016, các vụ tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ hầu hết diễn ra ngoài trường học, vào ngày nghỉ, ngày lễ, đa phần trong quá trình các em làm việc giúp đỡ gia đình và vui chơi ở các điểm ao, hồ, sông, suối tại địa phương. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước lâu nay.
Nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, ông Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Hàng năm, các ngành, đơn vị ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo. Khi xuống cơ sở kiểm tra thì hầu hết đều có văn bản triển khai nhưng thực tế thì hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Các giải pháp như dạy bơi cho trẻ, phát triển hệ thống bể bơi trong trường học được nêu ra, nhưng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết, trong năm 2016, toàn tỉnh đã cắm được hơn 2.000 biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và dạy bơi cho khoảng 600 em/ 900.000 em ở độ tuổi từ 0 - 16 tuổi. Dù cán bộ đoàn các cấp đã rất nỗ lực, nhưng vì khó về nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, địa điểm tập bơi… nên con số ấy còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tiễn.
Về giải pháp dạy bơi trong trường học, ông Đào Công Lợi - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT khẳng định, đây là giải pháp hiệu quả để góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, tuy nhiên kinh phí xây dựng bể bơi vượt quá khả năng ngân sách của các nhà trường. “Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 6 bể bơi trong nhà trường, trong đó 4 bể bơi ở huyện Nghĩa Đàn, 1 bể bơi ở huyện Anh Sơn và 1 bể bơi ở TP. Vinh.
Để hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em trong thời gian tới, cần những giải pháp mạnh tay với quyết tâm cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông chỉ đạo: “Trong năm 2017, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp liên ngành; tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn; Tới đây sẽ đưa chỉ tiêu giảm thiểu tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em vào đánh giá hàng năm”.
Ngày 31/5/2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND về chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020: - 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. - 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. - 50% huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. |
Phước Anh