Giải quyết vấn đề dư thừa giáo viên trong những năm qua vẫn được các huyện, các trường thực hiện theo hướng dẫn của tỉnh của ngành và của huyện. Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về công tác giải quyết giáo viên dư thừa còn hạn chế dẫn đến thiếu quan tâm chỉ đạo sát sao nên chưa có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, giáo viên dư thừa là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong khi đó hệ thống các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương chưa hoàn thiện nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, lúng túng.


Xem Kỳ 1: Dôi dư, và những hệ lụy

Ông Ngô Quang Long - Trưởng phòng giáo dục huyện Diễn Châu chia sẻ: để giải quyết vấn đề dư thừa giáo viên, phòng chủ trương cho các trường bố trí một số giáo viên tiếng Anh THCS xuống dạy ở tiểu học nhằm đảm bảo đủ tiết và đủ giáo viên; bố trí giáo viên dạy học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, điều tra phổ cập,.... Song dư thừa giáo viên vẫn còn là gánh nặng. Chúng tôi đề xuất tỉnh cho phép tăng chỉ tiêu 1,50 giáo viên/lớp, như vậy số giáo viên dư thừasẽ giảm đáng kể.


Không chỉ Phòng giáo dục huyện Diễn Châu đề xuất tăng chỉ tiêu giáo viên/lớp mà hầu hết những cán bộ quản lý giáo dục đều đồng tình giải pháp này. Theo quy định, nếu lớp tiểu học học một buổi/ngày thì được bố trí không quá 1,20 giáo viên/lớp, nếu học 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần) thì được bố trí không quá 1,50 giáo viên/lớp.


Nói cách khác, nếu đã bố trí đủ 1,50 giáo viên/lớp thì học sinh không phải đóng học phí buổi học thứ 2 trong ngày. Riêng Nghệ An, do kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên tỉnh chỉ giao bố trí 1,20 giáo viên/lớp, đồng thời cho phép thu học phí của buổi học thứ 2.


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tại thời điểm đầu năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 13.783 giáo viên tiểu học, trong đó 12.511 người trong biên chế, 815 người hợp đồng hưởng ngân sách nhà nước và 457 người hợp đồnghưởng chế độ ngoài ngân sách.

Như vậy, số giáo viên hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước là 13.326 người. Chỉ tính riêng số giáo viên này thì tỷ lệ giáo viên tiểu học (hưởng ngân sách nhà nước)/lớp trên địa bàn tỉnh đạt 1,36 (13.326/9.825), trong đó Cửa Lò 1,61 (197/122); Anh Sơn 1,59 (562/353); Hưng Nguyên 1,52 (456/300); Nam Đàn 1,51 (605/401); Vinh 1,45;....

Với số giáo viên tiểu học hưởng ngân sách nhà nước và số học sinh tiểu học hiện có nếu bố trí số học sinh trên lớp một cách thật hợp lý, thì không thiếu giáo viên để bố trí theo tỷ lệ 1,50 giáo viên/lớp.

Cụ thể, nếu miền xuôi bố trí được 30 học sinh/lớp, miền núi thấp bố trí được 25 học sinh/lớp, miền núi cao bố trí được 17 học sinh/lớp, với số học sinh hiện có, tổng số lớp sẽ rút xuống còn 8.839, và khi đó, với 13.326 giáo viên (hưởng ngân sách nhà nước), mỗi lớp sẽ có 1,51 giáo viên (nếu tính cả số giáo viên hợp đồng ngoài ngân sách, tỷ lệ này cao hơn).

Nếu theo tỷ lệ 1,50 giáo viên/lớp tỉnh không phải bỏ thêm ngân sách mà vẫn bố trí đủ giáo viên tiểu học theo tỷ lệ 1,50 giáo viên/lớp; được bố trí đủ giáo viên, các trường tiểu học còn lại buộc phải tổ chức cho học sinh học 10 buổi/tuần; phụ huynh không còn phải đóng học phí cho con mình khi học buổi thứ 2 trong ngày và tình trạng dư thừa giáo viên tiểu học sẽ được giải quyết.


Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Quyết định 63/2008 của UBND tỉnh về phân cấp quản lí tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức. Việc phân cấp, giao quyền chủ động về công tác tổ chức cán bộ cho các nhà trường giúp các trường có điều kiện đổi mới công tác quản lí của mình để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên chỉ có Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện trao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Hai năm nay có thêm huyện Yên Thành triển khai, còn các huyện khác thì viện ra nhiều lý do để không thực hiện.

Qua thực tế, những trường được tự chủ trong tuyển dụng, không Hiệu trưởng nào dám tuyển quá chỉ tiêu biên chế, đương nhiên là hiện tượng thừa giáo viên không thể xảy ra.


Thiết nghĩ, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cần thực hiện đồng bộ các phương án giải quyết giáo viên dư thừa, trong đó quan tâm thực hiện các phương án điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, chuyển đổi công việc, đào tạo lại... điều chỉnh kế hoạch phát triển hệ thống trường lớp phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng biên chế giáo viên tại các cơ sở giáo dục; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý biên chế, quản lý ngân sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Hàng năm, các cấp chính quyền khi xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên phải gắn với việc giải quyết giáo viên dôi dư để điều chỉnh cho phù hợp. Với những giải pháp được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, chắc chắn vấn đề dư thừa giáo viên sẽ được khắc phục nhanh chóng hơn.


Thảo Nhi