(Baonghean) - Hiện nay, công tác kiểm dịch tại các chợ buôn bán gia súc gia cầm và các lò giết mổ, những nơi cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi còn làm theo kiểu đối phó để qua mặt các cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng.
Kiểm dịch sơ sài
Chợ trâu bò Nam Nghĩa bắt đầu họp phiên lúc 7 giờ sáng vào các ngày 1, 4, 8, 11, 14, 18, 21, 24, 28 âm lịch hàng tháng. Chợ có vị trí nằm giữa 3 huyện Đô Lương, Thanh Chương và Nam Đàn nên đã thu hút người dân khắp nơi trong tỉnh tìm về đây giao dịch. Ông Nguyễn Quang Dũng - Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa, cho biết: “Một phiên chợ có khoảng 13 -15 ô tô chở trâu bò từ các nơi đến bán. Xã có một bộ phận gồm cán bộ thú y xã và công an xã phối hợp cùng trạm bảo vệ thú y Nam Đàn để phun tiêu độc khử trùng xe mua bán trâu bò và phun cả trâu bò để đảm bảo chống dịch bệnh tại chợ.” Để chứng thực công tác kiểm dịch tại chợ trâu bò Nam Nghĩa, chúng tôi đã có mặt ở phiên chợ ngày 6/10 (21/8 Âm lịch). Tại chợ, 2 cán bộ thú y xã chỉ thi thoảng mới dùng máy phun hóa chất tiêu độc khử trùng qua loa xung quanh thùng xe tải lúc xe chạy ra; và bỏ qua tất cả các xe chuồng tự chế chở trâu bò. Một cán bộ thú y ở chợ lý giải: “Ngày họp chợ nào chúng tôi cũng ra đây thực hiện kiểm dịch cả. Chúng tôi xác định trâu bò có dịch hay không bằng cách xem biểu hiện của lông, móng, mồm, đuôi… Việc xe tải có phun tiêu trùng khử độc mà xe chuồng chở trâu bò không phun thuốc vì xã quy định thế”.
Còn ở chợ trâu bò Thanh Lương (Thanh Chương), sát bên cổng chính vào chợ là một ngôi nhà cấp 4 - “trụ sở” của ban quản lý chợ. Cả buổi chợ, anh cán bộ thú y duy nhất ở đây đứng một chỗ trước “trụ sở” ngó nghiêng, tuyệt nhiên không thấy một hành động phun tiêu độc khử trùng nào cho xe tải, xe thùng, xe chuồng vào ra. Công tác kiểm dịch ở hai chợ trâu bò Nam Nghĩa, Thanh Lương cũng là thực trạng chung đang diễn ra ở nhiều chợ đầu mối khác trong tỉnh, khi mà có rất nhiều cán bộ thú y và chính quyền địa phương vẫn làm việc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, ngăn chặn dịch. Trong đợt dịch cúm gia cầm tháng 6, tháng 7 vừa qua, vẫn có rất nhiều gà vịt sống từ các địa phương bị dịch như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Thái Hòa được bán tại các chợ; Trong tháng 7, dịch tai xanh đã xảy ra tại 7 xã thuộc 3 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, huyện Thanh Chương, nhưng lợn từ các địa phương này vẫn được kéo vào lò mổ. Báo cáo công tác 9 tháng năm 2012 của Chi cục Thú y Nghệ An thừa nhận: “…Việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nhất là gia cầm làm giống vào các địa phương chưa kiểm soát được. Người chăn nuôi mua giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, không khai báo với chính quyền địa phương cùng cơ quan Thú y nên khó quản lý được dịch bệnh… Kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh tuy được đẩy mạnh, số gia súc, gia cầm được kiểm dịch tăng nhưng so với thực tế vận chuyển kết quả đạt chưa cao”.
Giết mổ mất vệ sinh
Mổ lợn tại lò mổ ở Hưng Chính (Hưng Nguyên).
(Ảnh chụp lúc 3h ngày 11/10/2012)
3h sáng một ngày đầu tháng 10/2012, chúng tôi có mặt tại điểm giết mổ nằm ở xóm 5 (xã Hưng Chính - Hưng Nguyên), một cơ sở được xem là đang hoạt động ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lò mổ này được đưa vào hoạt động từ năm 2006, do huyện Hưng Nguyên đầu tư xây dựng với diện tích đất 1.500m2, diện tích xây dựng 120m2, công suất 120 con lợn/ngày đêm, đến nay được ông Minh (người địa phương) tiếp quản và làm chủ. Tại đây, có 11 hộ gia đình tham gia giết mổ, duy trì ở mức 50 - 70 con/ngày. Trong khu giết mổ có hệ thống chuồng nhốt lợn được ngăn cách với nơi làm thịt, có hệ thống nấu nước, nước rửa và vệ sinh được lấy từ giếng khoan. Tất cả chất thải sau khi làm thịt được tống thẳng xuống các ao cá ngay bên cạnh. Như vậy, về cơ bản, lò mổ này đã được xem là khá “bài bản” so với những điểm giết mổ tư nhân khác. Tuy nhiên, việc giết mổ vẫn diễn ra hoàn toàn dưới nền xi măng lởm chởm, lênh láng máu, thịt, lông. Trước khi đem đi giết mổ, lợn vẫn dính đầy chất thải mà không hề được vệ sinh. Sau khi được làm xong, thịt được bày ra ngay trên nền sàn để chờ nhân viên Thú y TP. Vinh kiểm dịch.
Ở khối 1 phường Vinh Tân (TP. Vinh), có hàng trăm hộ tham gia giết mổ gia cầm tự phát. Khi đặt vấn đề muốn mua gà, vịt đã được giết mổ sẵn để bán tại nhà hàng, bà H- chủ một lò giết mổ gia cầm ở đây vui vẻ nói: “Chỉ cần đặt trước vài giờ sẽ có hàng giao tận nơi, gà không đẹp không lấy tiền”. Chúng tôi đi vào nơi giết mổ. Khu vực này chỉ rộng hơn chục mét vuông, mọi công đoạn đều diễn ra trên sàn gạch nhầy nhụa nước thải, tiết gà, vịt và phân, lông... Dù diện tích rất hạn hẹp, nhưng nơi đây có cả chuồng nuôi lợn (để tận dụng phân làm khí biogas), một ngăn riêng ngay cạnh để nhốt vịt, ngan, diện tích còn lại dành để giết mổ. Những chiếc chậu chắc không bao giờ cọ rửa được dùng để làm lòng, tiết được cho vào những chiếc bát lớn, vứt lỏng chỏng trong chiếc chậu khác cạnh đó, ruồi nhặng bu đen kịt.
Ở xã Nghi Phú (TP. Vinh), nơi giết mổ được xem là một nghề truyền thống bên cạnh nấu rượu và làm bánh bún. Theo chân một người quen, chúng tôi có mặt tại một lò mổ của gia đình M.P lúc gần 1h sáng để xem bà chủ mổ bê. Sau nhát đập thành thạo, chú bê gục xuống, bà chủ nhanh nhẹn dùng dao thọc vào cổ bê cho dòng máu chảy ra chậu, phun cả ra nền xi măng đen sì. Khi đã xong, chị ta cũng rất nhanh nhẹn dùng một con dao mỏng sắc, thoăn thoắt lột da, mổ phanh bụng. Phần thịt, xương nguyên con được chuyển cho những người còn lại pha chế, còn phần nội tạng được chị này nhanh chóng mổ, rửa nhanh đến chóng mặt. Phân, dịch trong nội tạng vẫn còn nhưng... coi như đã đảm bảo, để vào chậu, chuẩn bị ra chợ. Kinh hãi hơn, số sách (phần bên trong dạ dày) được cho vào một chiếc chậu nhôm lớn, méo mó và bẩn kèm theo một lượng vôi chín và đi nguyên đôi ủng lội khắp khu giết mổ mất vệ sinh, chị P. thản nhiên giẫm đạp, nhồi số sách trên với lời giải thích: “Làm ri là nhanh trắng nhất, lại... sạch sẽ”.
Chính quyền cơ sở chưa vào cuộc
Trên địa bàn Nghệ An hiện tại có 2 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được xem là đúng tiêu chuẩn, sản phẩm được đóng gói, bảo quản xuất đi tiêu thụ ở nhiều thành phố, địa phương trên cả nước. Đó là Công ty Cổ phần chế biến và xuất khẩu súc sản Nghệ An (mỗi năm xuất khẩu gần 1.000 tấn lợn sữa và xuất nội địa từ 700-800 tấn thịt gia súc, đóng góp ngân sách tỉnh trên 2 tỷ đồng) và DNTN Trung Quân (Diễn Châu) xuất nội địa mỗi năm từ 4-500 tấn thịt, đóng góp ngân sách trên 1 tỷ đồng). Còn tất cả các cơ sở giết mổ khác trên địa bàn toàn tỉnh đang hoạt động theo 2 hình thức: tập trung, nhưng không ổn định và giết mổ tự phát tại nhà. Điều này đã dẫn đến việc thả lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ.
Theo ông Ngô Trí Bình- Trưởng bộ phận kiểm tra vệ sinh thú y & kiểm soát giết mổ (Trạm thú y TP. Vinh), bộ phận này có 13 người nhưng phải rải ra trên 17 chợ và 1 lò mổ (Hưng Chính), ngoài ra còn kiểm tra được 2 hộ dân là cơ sở của chị Nguyễn Thị Nhì (giết mổ lợn ở Vinh Tân) và hộ nhà Thông Đức cũng ở phường này. Bởi lực lượng mỏng nên gần như mới chỉ kiểm tra được phần ngọn, là nơi sản phẩm đã được bày bán trên sạp. Ngay cả khi thịt ra chợ, việc kiểm dịch cũng chủ yếu dựa vào cảm quan. Việc giết mổ tràn lan trong dân đã dẫn tới tình trạng làm các nhân viên kiểm dịch khó kiểm tra từ gốc. Ông Trần Ngọc Chí- Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: Cho dù xã đã hỗ trợ điện nước tại các lò mổ, chỉ thu 2.000 đồng kiểm dịch/con lợn, 6.000 đồng/con trâu, bò nhưng người dân vẫn cứ thích mổ tại nhà mặc dù chi phí đắt hơn.
Còn ông Nguyễn Tiến Đức, trạm trưởng Trạm thú y TP. Vinh lại cho rằng, tại một số phường xã, chính quyền vẫn chưa thực sự vào cuộc, mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của kiểm dịch thú y. Trong khi đó, trong Khoản 5, Điều 10, Pháp lệnh Thú y do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 29/4/2004 đã quy định: “Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc phòng, chống dịch bệnh cho động vật, thông báo dịch bệnh động vật, kiểm tra các vùng có dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”. Bên cạnh đó, ngành Thú y còn gặp khó khăn về vấn đề kinh phí khi mà nhiều khoản chi phí tăng, nhưng lệ phí kiểm dịch lại giảm. Theo Thông tư số 04/2012/TT-BTC ban hành ngày 5/1/2012 do thứ trưởng Vũ Thị Mai ký thì chỉ được thu 7.000 đồng/con lợn (trước 8.000 đồng), phun thuốc khử trùng tiêu độc cho xe ô tô chở động vật ra vào TP 40.000 đồng (trước 55.000 đồng). Việc lệ phí thu phải giảm đã dẫn đến không đủ kinh phí duy trì các hoạt động kiểm soát, kiểm dịch động vật.
Đầu tháng 10/2012, UBND tỉnh đã có dự thảo về quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2020. Theo đó, sẽ có tổng cộng 102 điểm giết mổ tập trung tại 17 huyện, thành, thị. Dự thảo cũng nêu ra 4 giải pháp chính: tuyên truyền, đất đai, môi trường và thị trường. Tuy nhiên, giải pháp vẫn là giải pháp, điều quan trọng là sự nghiêm túc trong việc thực hiện.
(Còn nữa)