Cách đây một tuần, khi xây dựng kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Bộ kế hoạch & Đầu tư dự báo, GDP năm 2020 xấu nhất chỉ tăng 6,09% (nếu hết quý II mới dập được dịch nCoV), tức thấp hơn 0,7 điểm % so với mục tiêu Quốc hội giao và gần 1 điểm % so với năm 2019.
Nhưng cập nhật tại báo cáo hôm nay (12/2), các kịch bản đã có phần xấu hơn. Bộ dự báo, trường hợp xấu nhất, GDP Việt Nam chỉ tăng 5,96% trong năm 2020 - mức thấp nhất trong 7 năm gần đây. Bộ này cũng dự báo, Việt Nam sẽ nằm trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, sau Singapore, Thái Lan và Hong Kong.
Kịch bản mới cập nhật có phần sát với dự báo của giới chuyên gia hơn trước. Theo ước tính của TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể giảm tới 1 điểm %. Trong khi đó, ANZ cũng dự báo mức sụt giảm trong quý I có thể là 0,8 điểm % do ảnh hưởng từ virus corona.
Riêng với du lịch và hàng không, theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nếu dập được dịch vào cuối quý II, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong nửa đầu năm có thể giảm 2,3 triệu lượt, còn khách từ các quốc gia khác cũng giảm 50-60%.
"Khách Trung Quốc chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD mỗi khách, khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu khoảng 1.141 USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD", Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.
Nhưng theo dự đoán bước đầu của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), ngành du lịch, trong quý I có thể thiệt hại 7 tỷ USD và nếu kéo dài tới quý II, mức độ thiệt hại có thể vượt 15 tỷ USD.
Du lịch bị ảnh hưởng, hàng không cũng không nằm ngoài "cơn bão". Hiện nay, 11 hãng hàng không Trung Quốc khai thác 240 chuyến mỗi tuần đến Việt Nam. Ngược lại, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet khai thác 72 đường bay đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến mỗi tuần.
Ngoàihai mảng này, theo TS Phạm Thế Anh, xuất khẩu nông sản và hoạt động doanh nghiệp có yếu tố đầu vào phụ thuộc Trung Quốc cũng là những "nạn nhân" đầu tiên.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán KB Việt Nam, tiêu dùng tại Trung Quốc cũng có khả năng bị chững lại, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 gần 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%.
Năm 2019, Việt Nam nhập siêu gần 34 tỷ USD từ Trung Quốc, đứng đầu là điện thoại và linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Với việc là một trong những nước phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, tác động của dịch với hoạt động sản xuất của Việt Nam không nhỏ. Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ có thể "cầm cự" được thêm một tuần trước tình cảnh khó khăn về nguyên liệu sản xuất và khâu vận chuyển qua biên giới.
Trước những thách thức với tăng trưởng kinh tế, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên làm gì để đối phó.
Trên thế giới, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ, nỗ lực hạn chế bớt sự ảnh hưởng của virus corona. Trung Quốc dự kiến tung ra gói cứu trợ 174 tỷ USD để cứu nền kinh tế đang "sốt cao", trong đó 22 tỷ USD dùng hỗ trợ trực tiếp các hoạt động kinh tế. Thái Lan công bố đợt cắt giảm lãi suất cơ bản về mức thấp kỷ lục, với hy vọng hạn chế bớt tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, với Việt Nam, sử dụng giải pháp mở rộng tiền tệ được đánh giá là không phù hợp. Theo TS Phạm Thế Anh, việc "bơm tiền" sẽ không khả thi do sự khác biệt trong cấu trúc tăng trưởng.
"Ảnh hưởng chủ yếu từ phía Trung Quốc. Chúng ta bơm tiền không giúp khách Trung Quốc sang Việt Nam đông hơn, không giúp xuất nhiều nông sản hơn và càng không giúp các doanh nghiệp sản xuất có đủ nguyên phụ liệu đầu vào", TS Thế Anh nói.
Trong khi đó, Việt Nam những năm gần đây đã tăng trưởng phụ thuộc một phần vào việc cung tiền, dư địa cho chính sách không còn dồi dào như các nước khác.
"Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã đến ngưỡng 150%, cung tiền trên GDP khoảng 170%, cao hơn rất nhiều so với những nước trong khu vực. Điều này hạn chế phần nào dư địa cho chính sách". Chưa kể việc mở rộng tiền tệ còn tạo áp lực lên lạm phát, vốn đã tăng nhanh từ cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi.
Thay vì sử dụng chính sách tiền tệ, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng Việt Nam nên tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, tạo nên cấu trúc tăng trưởng bền vững hơn, dù không dễ trong ngắn hạn.
Theo khuyến nghị của Ban IV, Chính phủ nên hỗ trợ cho ngành du lịch thông qua việc miễn thị thực cho các nước EU và mở rộng một số thị trường quan trọng khác như Newzealand, Canada. Giải pháp này nhằm giảm bớt ảnh hường từ sụt giảm khách du lịch Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trước tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp, cần có các gói kích cầu như giảm thuế, chậm trả, không phạt các doanh nghiệp chưa nộp thuế sau dịch tầm 12 tháng. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần có những giải pháp hỗ trợ như giãn nợ, tái cấu trúc nợ, ưu đãi vay.
Theo khảo sát nhanh của Ban IV từ một số công ty phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, họ đề xuất Chính phủ làm việc với phía Trung Quốc để đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo khi nguyên liệu được đưa đến cửa khẩu sẽ được thông biên. Một số cơ sở sản xuất lớn thậm chí đang khó khăn đề xuất được thỏa thuận lương khi cho công nhân ngưng làm việc.
"Nếu có thể, chúng tôi muốn thỏa thuận mức trả lương ngừng việc là mức lương tối thiểu vùng, con số này vẫn rất cao trong bối cảnh hiện nay của doanh nghiệp, trong khi nhân công hàng nghìn người", đại diện một doanh nghiệp nói.