Chưa thực sự bứt phá
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê, kinh tế của Việt Nam ghi nhận những tín hiệu đáng mừng. Trong đó, nổi bật nhất là GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, mức tăng cao nhất trong 10 năm nay.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%.
Năm 2018 cũng ghi nhận lạm phát được kiểm soát dưới 4%, đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
“Như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói “chúng ta không nên say sưa với thành tích, không được ngủ trên vòng nguyệt quế”, kinh tế của chúng ta năm qua vẫn còn nhiều điểm chưa đạt được. Tại sao tuy kỳ tích như vậy nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu. Thu nhập bình quân vẫn thấp, 2.587USD/người, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đó là điều chúng ta phải suy ngẫm”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Nhìn thẳng vào những điểm chưa làm được của chúng ta trong năm 2018, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 3 hạn chế còn tồn tại.
Thứ nhất, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cơ cấu ngân sách nhà nước chậm, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam chưa được cải tiến, trong đó câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc nổi cộm. Chúng ta đã tìm ra điểm nghẽn nhưng chưa thể sửa ngay được và rất có thể vấn đề này sẽ còn tiếp tục tồn tại trong năm 2019.
Thứ hai, năm 2018, với sự quan tâm của Chính phủ, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, việc ở dưới tiến hành không nghiêm túc khiến cho việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa tốt. Chính vì vậy vẫn còn hiện tượng cắt giảm các điều kiện kinh doanh chưa thực chất.
Thứ ba, năm 2018, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế thành công với nhiều thỏa thuận quốc tế được ký kết, song doanh nghiệp lại chưa tận dụng được nhiều cơ hội về hội nhập để phát triển.
Thách thức 2019
Theo đó, kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Năm nay, GDP toàn cầu tăng ở mức 2,9% thì năm tới chỉ đạt 2,5%. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng thì con số này sẽ còn thấp hơn. Điều này sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực.
Về chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4%, chúng ta phải rất quyết tâm mới có thể kiểm soát được, bởi có nhiều áp lực tăng lạm phát trong năm tới. Chuyên gia này phân tích, trong năm 2019, giá cả thế giới tiếp tục tăng nhẹ, đồng đôla Mỹ có thể tăng và tỉ giá còn nhiều áp lực, ngoài ra, trong nước, lộ trình tăng cũng đang được xem xét trong một số lĩnh vực.
Để kiểm soát được lạm phát, ông Lực cho rằng chúng ta phải thực hiện 3 điều sau:
Một là, chính sách tiền tệ của Việt Nam cần bám sát theo dõi diễn biến, tài chính tiền tệ và địa chính trị trên thế giới, để có kịch bản ứng phó phù hợp.
Hai là, phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa
Ba là, điều hành chính sách linh hoạt, đặc biệt là chính sách tỉ giá