"CHỈ THỊ 16+" TẠI DOANH NGHIỆP
Trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”, vừa đảm bảo an toàn cho người lao độngvà duy trì hoạt động sản xuất, trên địa bàn Nghệ An có không ít doanh nghiệp đã ứng phó hiệu quả, linh hoạt trước tình hình dịch bệnh và đảm bảo yếu tố phòng chống dịch.
Trong chuyến công tác nhằm nắm bắt tình hình thực hiện “3 tại chỗ” vừa qua của LĐLĐ tỉnh, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Ông Đặng Văn Hùng - Trưởng phòng An toàn của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An cho biết: Trước khi CBCNV vào lưu trú tại công ty, đơn vị đã tổ chức thực hiện công tác rà soát, sàng lọc nhằm kiểm soát đầu vào, đảm bảo an toàn phòng dịch. Thay đổi phương án kiểm soát theo từng thời điểm để phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cụ thể, giai đoạn từ tháng 7/2021 tới nay, đối với CBCNV rời Khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp này đều phải thực hiện khai báo và rà soát lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc trước khi quay lại, để đảm bảo không liên quan đến các vùng dịch, các ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Sau khi xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính, người lao động được đưa vào khu cách ly riêng biệt trong công ty trong 21 ngày, tiếp tục được xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR 1 ngày/lần rồi mới được vào khu lưu trú.
Việc kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài cũng là một nội dung vô cùng quan trọng cần được quan tâm tại doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Theo đó, các doanh nghiệp có ý thức cao về phòng chống dịch đã triển khai một số cách làm hay như: Nghiêm cấm người ngoài vào công ty, ưu tiên hình thức làm việc qua điện thoại, trực tuyến; hạn chế tối đa việc đưa đồ dùng cá nhân từ ngoài vào khu vực lưu trú; khử khuẩn hàng hóa bằng dung dịch Cloramin B/nước pha muối đậm đặc/buồng chiếu tia UV tại công ty trước khi đưa vào công ty; Xét nghiệm thường xuyên đối với bộ phận/đơn vị cung cấp các suất ăn cho người lao động, nhận cơm với hình thức đựng trong nồi lớn, khử khuẩn bằng nước muối đun sôi và nhân viên trong nhà máy tự phân chia thức ăn; Bộ phận giao nhận hàng hóa yêu cầu tài xế, phụ xe tới làm việc phải có phiếu xét nghiệm RT-PCR trong 3-7 ngày và được test nhanh tại cổng trước khi làm việc...
KHÔNG CHỈ LÀ SẢN XUẤT
Để người lao động yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”, hầu hết các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện điều kiện sinh hoạt như bố trí thêm nhà tắm, khu vệ sinh, mua sắm lều ngủ, bắt thêm điều hòa, hỗ trợ thêm bữa phụ, lắp đặt giá xạc điện thoại... và có những chế độ hỗ trợ tương xứng ngoài lương.
Tại Công ty TNHH IMS Innovation, ngoài 3 bữa chính, lãnh đạo công ty còn bổ sung thêm bánh mỳ, sữa tươi cho bữa phụ và hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày; tất cả những đồ dùng cá nhân như xà phòng, dầu gội, lều ngủ, chăn ga gối đều được chu cấp đầy đủ, riêng biệt; chỗ nghỉ ngơi của công nhân được bố trí trong phòng điều hòa với các vách ngăn tại các bàn ăn...
Để đảm bảo công tác “3 tại chỗ” cho hơn 600 công nhân lao động, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An đã thực hiện 4 suất ăn/ngày, hỗ trợ thêm 50 nghìn/ngày; bố trí chỗ đánh bóng bàn, cầu lông để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần; thuê container, lắp điều hòa để người lao động có thêm chỗ nghỉ ngơi; thuê nhà vệ sinh di động để đáp ứng nhu cầu yêu cầu phòng chống dịch... Tại Công ty Xi măng Sông Lam, thời điểm cao điểm nhất, công ty thực hiện “3 tại chỗ” cho hơn 1.400 công nhân lao động nhưng vẫn đảm bảo tất cả công nhân đều được hỗ trợ bữa ăn phụ và hỗ trợ ngoài lương 80 nghìn/ngày.
Tại Công ty TNHH Luxshare-ICT, bên cạnh việc chăm lo đời sống, đảm bảo chế độ cho 4.000 lao động, lãnh đạo và tổ chức công đoàn công ty còn sáng tạo nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện sống cho người lao động như mở dịch vụ căng tin, lắp thêm wifi, tổ chức các cuộc thi trực tuyến trong giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ”. Ở một số doanh nghiệp, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” còn được còn lắp máy chiếu lớn nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, được nhận hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng...
Nắm bắt tình hình thực hiện tại một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn, đồng chí Kha Văn Tám – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trăn trở: “Bên cạnh những đơn vị có ý thức cao, ứng phó tốt với diễn biến dịch và thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách bài bản thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho nội dung này. Việc kiểm soát các yếu tố từ bên ngoài vào chưa nghiêm ngặt, bố trí chỗ ăn, ngủ cho công nhân lao động còn lúng túng, vẫn còn tình trạng tổ chức ăn chung cùng lúc hàng trăm người, chưa có vách ngăn trên bàn ăn, chưa phân luồng đường đi cho các ca sản xuất, chưa hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho công nhân lao động…”.