Sức khỏe của bé luôn là mối quan tâm lo lắng hàng đầu của các ông bố bà mẹ, nhất là với các bé mới sinh. Mặc dù có thể bé nhà bạn khỏe mạnh và phát triển hoàn toàn bình thường, nhưng đừng vì vậy mà chủ quan bởi trẻ sơ sinh luôn cần được quan tâm thường xuyên để tránh những vấn đề không đáng có.
Sau đây là những triệu chứng phổ biến nhất giúp bạn nhận biết trường hợp nào thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ
- Nếu bé bị chảy nước mũi vẫn nhưng vẫn cười đùa và ăn uống bình thường thì không có gì đáng phải lo ngại lắm. Nhưng nếu bé chảy nước mũi và có dấu hiệu mệt mỏi, ngủ li bì thì bạn cần nghĩ đến việc đưa bé đi khám.
- Nếu em bé nhà bạn đột nhiên bắt đầu khóc nhiều hơn bình thường và bạn cũng không thể dỗ bé nín bằng những cách hay làm, hoặc bé khóc ré lên thì có thể bé đã bị ốm khá nặng rồi.
Nếu tiếng khóc của bé có vẻ yếu hơn mọi khi, trông bé khó chịu và thậm chí bé không khóc nhưng kém hoạt bát, khó đánh thức bé dậy thì cũng cần phải gọi cho bác sĩ ngay.
Mẹ chính là người gần gũi và hiểu bé hơn ai hết, vì vậy hãy tin vào trực giác của chính mình. (Ảnh minh họa)
- Nếu bé nhà bạn không muốn bú mẹ, chán ăn thì có thể là bé đã bị ốm. Và nếu bạn nhận thấy rằng bé bị trớ nhiều hơn và thức ăn bị trớ ra có màu hơi xanh thì đó là lúc bạn phải nhấc điện thoại lên và gọi cho bác sĩ.
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ vẫn còn bú mẹ đi ngoài phân thường rất mềm, lỏng. Nhưng nếu bạn thấy bé đi ra nước hoặc lỏng hơn bình thường thì bé nhà bạn có thể đã bị tiêu chảy.
Theo dõi bé để xem các dấu hiệu tiêu chảy có tiếp tục hay không. Và hãy cho bé bú thường xuyên để không bị mất nước.
Ngược lại, nếu phân của bé bị cứng, vón cục và kèm theo máu hoặc chất nhầy thì cả hai trường hợp này bạn cần đưa bé đi khám ngay.
- Nếu bạn nhận thấy em bé có dấu hiệu khó thở, bạn cũng phải nhanh chóng gọi ngay cho bác sĩ để nhờ trợ giúp.
- Nóng sốt là một dấu hiệu báo cho bạn biết rằng bé nhà bạn đang bị ốm, tuy nhiên chỉ sốt thông thường thì không có gì đáng lo ngại lắm. Nếu bé nhà bạn dưới 3 tháng tuổi sốt 37,5 độ C hoặc cao hơn thì bạn nên đưa bé đi khám.
Còn nếu bé nhà bạn lớn hơn thì bạn có thể để theo dõi bé một ngày xem có thêm triệu chứng gì khác nữa không. Còn nếu bạn cảm thấy không thực sự yên tâm thì tốt nhất là liên hệ ngay với bác sĩ.
Kinh nghiệm các mẹ phải biết khi đưa bé đến gặp bác sĩ
Và khi bạn đã quyết định phải đưa bé đi khám thì cũng đừng nên tá hỏa lên mà quên hết những thứ phải chuẩn bị. Hãy cố giữ bình tĩnh và làm theo một số lời khuyên sau đây bạn sẽ tránh được những phiền toái không đáng có.
- Hãy chuẩn bị túi đồ thật đầy đủ cho bé gồm tã lót, khăn lau, một bộ quần áo để thay, sữa cho bé và cả đồ ăn nhẹ cho bạn nữa để đề phòng những tình huống không lường trước được.
- Dành một khoảng thời gian nhất định để liệt kê ra những câu hỏi cũng như mối quan tâm lo lắng của bạn về những triệu chứng bất thường của bé và mang theo đến phòng khám.
Bạn đừng coi nhẹ việc này vì ở phòng khám bạn sẽ rất dễ quên khuấy đi một vài điều gì đó. Và thật phiền phức khi về đến nhà bạn mới nhớ ra và phải gọi điện lại nhiều lần cho bác sĩ hoặc là đưa bé quay trở lại phòng khám. Một tờ giấy, một chiếc bút và vài từ khóa ngắn gọn sẽ giúp bạn không bỏ sót điều quan trọng nào.
- Ai cũng có thể quên vì vậy khi đến gặp bác sĩ bạn hãy chuẩn bị giấy bút để ghi lại những thông tin tư vấn của bác sĩ. Có như vậy thì khi về nhà bạn mới có thể chăm sóc bé đúng cách được.
- Để giảm thiểu tối đa những phiền toái không đáng có bạn nên kiểm tra lại đường đi từ nhà đến phòng khám và cũng đừng đi quá sát giờ khám để phải vội vàng.
- Trước khi ra về bạn nên nhớ đặt lịch hẹn cho lần kiểm tra tiếp theo cho bé.
Mẹ chính là người gần gũi và hiểu bé hơn ai hết, vì vậy hãy tin vào trực giác của chính mình. Nếu như bạn cảm thấy sức khỏe của bé có điều gì đó không ổn thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhờ trợ giúp kịp thời.