Mới sinh ra, trẻ đã có nhu cầu gắn bó với người khác. Vì thế người mẹ nên nhanh chóng tiếp xúc, ôm con để da trẻ chạm vào da người mẹ.
Theo thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ đã có những nhu cầu tâm lý căn bản như:
1. Nhu cầu gắn bó với người khác (chủ yếu trong quan hệ mẹ con)
Vừa chào đời, trẻ có những hành động như: Mút, bám, khóc, mỉm cười, rúc đầu vào ngực mẹ (vì muốn tìm vú và muốn áp sát vào mẹ để được ôm ấp vỗ về), thể hiện sự gắn bó mẹ con... Ngay khi bé chào đời, mẹ nên ôm con vào lòng để bé cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Ảnh:Thi Trân
Sự gắn bó mẹ - con ngay từ những ngày đầu bé mới ra đời tránh cho trẻ nguy cơ chậm phát triển và những lệch lạc về sinh lý cũng như tâm lý sau này. Nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy những đứa trẻ thiếu sự yêu thương của mẹ từ nhỏ thường cảm thấy cô đơn, lo lắng và sợ hãi. Sau này những em đó lớn lên thường mặc cảm trong giao tiếp với người xung quanh, thường có khả năng mắc các chứng bệnh về tâm lý như tự kỷ,hội chứng hiếu động kém chú ý.
Nhu cầu gắn bó mẹ - con là cơ sở cho nhu cầu giao tiếp sau này của trẻ với những người xung quanh. Mẹ là nguồn gây ấn tượng và tạo ấn tượng bên ngoài, cần thiết cho sự phát triển thần kinh và các giác quan tâm lý cho trẻ. Vì thế nên tạo cho trẻ cảm xúc như: vui mừng (cười) khi được thỏa mãn nhu cầu và khóc khi không được thỏa mãn.
Về điểm này, thạc sĩ Nguyễn Thị Minh khuyên khi trẻ vừa chào đời, người mẹ nên nhanh chóng tiếp xúc với con. Hãy ôm trẻ để da trẻ chạm vào da mẹ, đồng thời nhìn trẻ một cách âu yếm (tầm nhìn trong khoảng 30cm vì mắt trẻ không nhìn được xa) và cười đầy yêu thương với bé. Ấn tượng tốt đẹp này sẽ giúp việc thiết lập mối quan hệ mẹ - con trở nên tốt đẹp, trẻ sẽ cảm thấy được chào đón để ra đời, giúp cho việc phát triển tâm sinh lý bình thường.
2. Nhu cầu an toàn
Là trạng thái tâm lý xuất hiện khi trẻ được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và nhu cầu gắn bó. Lúc này trẻ cần được bảo vệ, che chở, ấm áp và bình yên trong tình yêu thương của người mẹ. Nhu cầu an toàn là điều kiện để cơ thể, tâm lý, tình cảm và các quan hệ xã hội được phát triển bình thường. Thiếu sự an toàn, cảm xúc của trẻ sẽ bị rối loạn.
Lưu ý: Không nên để trẻ nằm một mình trong thời gian dài. Nếu trẻ quấy khóc, hãy tìm hiểu nguyên nhân để sớm điều chỉnh. Có thể bé cảm thấy không an toàn, lúc này hãy bế trẻ lên, đừng để bé khóc quá lâu. Nên cẩn thận các đồ vật, nhất là đồ chơi nhọn, nhỏ, nóng… hãy để xa tầm tay của bé.
3. Nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng từ thế giới bên ngoài
Nhu cầu tiếp nhận ấn tượng gắn liền với phản xạ định hướng, trẻ có xu hướng nhìn theo các vật sáng di động, phản ứng với âm thanh. Từ tháng thứ hai, trẻ đã bắt đầu chú ý đến khuôn mặt người lớn, thường mỉm cười khi ai đó cúi xuống trò chuyện. Nhu cầu tiếp thu ấn tượng từ thế giới bên ngoài là cơ sở của các nhu cầu xã hội khác như nhu cầu giao tiếp và nhận thức sau này của bé. Nếu bị "đói ấn tượng", trẻ sẽ chậm phát triển một cách nghiêm trọng.
Vì thế người chăm sóc trẻ nên tạo nhiều ấn tượng bên ngoài để kích thích sự phát triển của bé. Thường xuyên trò chuyện với trẻ dù trẻ chưa hiểu ngôn ngữ. Không nên cho trẻ xem tivi, nếu xem chỉ khoảng 5 đến 15 phút mỗi ngày.
4. Cấu trúc tâm lý mới ở trẻ
Vì trẻ không tự thỏa mãn được bất kỳ nhu cầu nào của bản thân nên phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn. Thuở ban đầu, chính người lớn sẽ tạo nên "hoàn cảnh xã hội của sự phát triển" đặc trưng của bé sơ sinh. Đó là sự gắn bó giữa trẻ và người lớn.
Đến cuối tháng thứ hai, bắt đầu xuất hiện "phức cảm hớn hở". Đó là sự kết hợp những cử động của chân tay và các âm thanh phát ra từ đứa trẻ. Chẳng hạn: những phản ứng tích cực như mỉm cười, phì nước bọt khi mẹ hay người thân xuất hiện hoặc âu yếm nó.
Phản ứng đặc biệt: Nở nụ cười khi thấy khuôn mặt mẹ là chỉ số chứng tỏ tương tác xã hội của sự phát triển tâm lý ở trẻ sơ sinh đã bắt đầu hình thành. Dần dần, bé có khả năng nhận ra và phản ứng với giọng nói của mẹ, mùi của mẹ, vị sữa mẹ. Bắt đầu hình thành tình cảm quyến luyến với mẹ. Phức cảm hớn hở của trẻ hình thành rõ nét vào cuối tháng thứ hai được coi là mốc đánh dấu sự xuất hiện nhu cầu xã hội đầu tiên của trẻ. Đây là nhu cầu giao tiếp.
Lưu ý: Đứa trẻ biểu hiện phức cảm hớn hở sớm hay muộn hơn hai tháng là do cường độ giao tiếp, tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là người mẹ. Những đứa trẻ đói giao tiếp biểu hiện này thường muộn hơn những đứa trẻ khác, vì vậy người mẹ nên dành nhiều thời gian chăm sóc, tiếp xúc, trò chuyện với trẻ.