Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vừa gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch khẳng định, yêu cầu và sự thuận lợi trong việc cấp thị thực có tác động trực tiếp đến số lượng khách du lịch đến Việt Nam, vì thế, việc cải thiện chính sách thị thực, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến Việt Nam là cực kỳ cần thiết.

Năm 2015, Việt Nam có mức tăng trưởng gần như bằng 0 (0,9%) về lượng khách quốc tế đến, đạt gần 8 triệu lượt người. Trong khi đó, Thái Lan tăng 20%, đón 30 triệu lượt khách quốc tế đến. Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách quốc tế của Việt Nam là 26%, đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mức tăng 9% của Thái Lan.

TAB cho rằng những yêu cầu và sự thuận lợi trong việc cấp thị thực có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến số lượt khách du lịch đến Việt Nam, đặc biệt là các khách từ những thị trường phát triển như châu Âu, Úc, Canada, Mỹ và các thị trường khác.

TAB kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian của chính sách miễn thị thực hiện nay từ 1 năm lên 5 năm, tăng số ngày lưu trú từ 15 lên 30 ngày và khách du lịch có thể trở lại trong vòng 30 ngày nếu thể hiện việc có chuyến bay khứ hồi (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Tháng 7 năm 2015, Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha) trong vòng 1 năm, với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Và sau đó, ngày 30.6.2016, Chính phủ gia hạn thêm 1 năm nữa miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước nói trên (đến 30.6.2017 hết hiệu lực).

Theo thống kê, tổng số lượt khách từ 5 quốc gia này tăng trung bình 15,4% trong vòng 12 tháng kể từ khi chính sách miễn thị thực được ban hành. Năm 2016, mức tăng trưởng từ 5 quốc gia này là 18,4% mặc dù bị tác động bất lợi vì đến sát ngày hết hiệu lực miễn thị thực thì Nghị quyết gia hạn mới được ban hành. Trong khi đó, các khách đến từ thị trường xa thường lập kế hoạch đi du lịch, đặt dịch vụ từ trước vài tháng, thậm chí cả năm.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%.

Mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến từ các thị trường này thường cao hơn nhiều so với khách du lịch trong khu vực đi các chuyến ngắn ngày ước tính khoảng 1.316 USD/ khách (gấp đôi chi tiêu trực tiếp và gián tiếp của khách du lịch đến từ các thị trường gần).

Trong 1 năm đầu kể từ khi miễn thị thực cho khách 5 nước Tây Âu, Việt Nam đón 720.000 lượt khách, tăng thêm 96.000 lượt so với cùng kỳ, tổng thu từ lượng khách này là 126 triệu USD so với khoản thâm hụt từ phí thị thực ước tính khoảng 21,6 triệu USD (mức phí trung bình 30 USD/ người). Tương tự vậy, năm 2016 lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm 58.000 lượt và doanh thu tăng thêm là 76 triệu USD so với khoản phí thị thực giảm 2,3 triệu USD.

Hơn nữa, khách du lịch từ các quốc gia này không bộc lộ nguy cơ đối với an ninh hay nguy cơ về việc cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam.

Căn cứ tình hình nói trên, TAB kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian của chính sách miễn thị thực hiện nay từ 1 năm lên 5 năm, tăng số ngày lưu trú từ 15 lên 30 ngày và khách du lịch có thể trở lại trong vòng 30 ngày nếu thể hiện việc có chuyến bay khứ hồi.

Đồng thời, TAB tiếp tục đề nghị mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực bao gồm tất cả các nước châu Âu lớn và các đối tác thương mại lớn khác, đặc biệt là Úc, Canada và NewZealand.

Ngoài ra, với sự tăng trưởng của các chuyến bay từ Úc, NewZealand đến Việt Nam và để kết nối đường bay dài hiệu quả hơn đến châu Âu và ngược lại (các chuyến bay của Vietnam Airlines), đề nghị Chính phủ xem xét chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay đi châu Âu để họ trải nghiệm nét hấp dẫn của Việt Nam nhằm thu hút họ trở lại trong những kỳ nghỉ tiếp theo, trong tương lai.

TAB hoàn toàn ủng hộ chương trình cấp thị thực điện tử đang được thực hiện thí điểm cho công dân 40 nước và đề nghị mở rộng chương trình này cho các nước Úc, NewZealand vì cả hai nước này đều có chuyến bay thẳng đến Việt Nam, là đối tác thương mại lớn, cùng với Canada và các thị trường mục tiêu khác.

Bên cạnh đó, TAB cũng góp ý cho Chính phủ về việc thực hiện cấp thị thực điện tử mới ở giai đoạn đầu nhưng đã có nhiều ý kiến phàn nàn về việc không truy cập được trang web. Ngoài ra, để giúp khách nước ngoài dễ tìm kiếm trang web này cũng cần xem xét đổi tên miền từ “www.evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành www.evisa.gov.vn./.

Theo Toquoc

TIN LIÊN QUAN