Nhìn lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định: Trong nhiều yếu tố thì yếu tố quan trọng nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
anh_bia_7113566_2112021.jpgẢnh đồ họa: Quang Huy

Tuy nhiên, kiên định nhưng không giáo điều, rập khuân, cứng nhắc mà gắn liền với đổi mới, sáng tạo, phù hợp xu thế của thời đại. Đổi mới trên nguyên tắc kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Kế thừa những thành tựu đã đạt được nhưng cũng thường xuyên cập nhật tình hình biến đổi trong nước và quốc tế, nhất là sự phát triển của khoa học, công nghệ nhằm tạo đột phá mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta bắt đầu tiến hành đổi mới vào những năm 80 của thế kỷ XX. Khi đó, Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa, ở các nước Liên Xô và XHCN Đông Âu cũ cũng tiến hành cải tổ. Một số nước tiến hành cải cách. Nhưng kết quả và số phận cải cách rất khác nhau. Có nơi thất bại tan nát, đổ vỡ hoàn toàn, có nơi thành công. Vấn đề là “Đổi mới” như thế nào?. Chúng ta thành công vì vừa kiên định, vừa sáng tạo. Chúng ta biết giữ vững những mục tiêu, lý tưởng, đặc biệt là mục tiêu cuối cùng (độc lập dân tộc và CNXH) nhưng linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, “ứng vạn biến” trong đường đi nước bước, trong giải pháp, biện pháp. Chính vì thế, không chỉ vượt qua thử thách của lịch sử mà còn đổi mới đúng đắn, đi lên bền vững. Đây là bài học đắt giá nhất: Vừa kiên định vừa sáng tạo.

Lịch sử cũng chứng minh khả năng linh hoạt, mềm dẻo của dân tộc ta khi ở địa chiến lược luôn luôn phải đối phó với khó khăn, thiên tai, địch họa. Nếu chúng ta cứng nhắc thì chắc chúng ta cũng không thể tồn tại. Không có sự linh hoạt, quyền biến trong điều hành thì làm sao chúng ta vượt qua khó khăn?.

Tình hình thế giới, khu vực những năm qua, đặc biệt từ sau sự xuất hiện, bùng phát của đại dịch Covid-19, môi trường chiến lược quốc tế đang và sẽ có những chuyển biến rất đáng chú ý, xuất hiện những đặc điểm mới, xu thế mới trong nhiều lĩnh vực then chốt của xã hội, từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế- xã hội, khoa học- công nghệ… Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng có thể kéo dài do đại dịch Covid-19.

Bối cảnh mới đòi hỏi Đảng ta phải có tư duy mới, tầm nhìn mới để có những quyết sách mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nếu chúng ta không phát triển nhanh thì cơ hội phát triển sẽ mất nhưng nhanh mà không bền vững thì cuối cùng cũng không phát triển. Để phát triển nhanh phải dựa trên sự đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công  nghệ, trước hết là ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Các nguồn lực cho phát triển nhanh như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ… đã đến giới hạn hoặc ngày càng giảm vai trò. 

Trọng tâm trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bài viết có tựa đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” vào tháng 9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 3 nội dung quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Trước hết, là tập trung hoàn thiện toàn diện, tổng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ hai, là phải tạo được những đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể. Thứ ba, là đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.  

Đổi mới nhưng không “đổi màu”. Người đứng đầu đất nước cũng nhiều lần khẳng định: “Cần quán triệt tinh thần: Dứt khoát phải đổi mới, song đổi mới mà không xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không chệch hướng, đổi màu; chủ động và tích cực hội nhập mà vẫn giữ vững bản sắc của dân tộc”. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch đã được Đảng, Nhà nước ta nêu ra và kiên trì thực hiện trong suốt 35 năm đổi mới./.