(Baonghean) - Năm 2014, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh ta được đánh giá thắng lợi với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt: Sản lượng nuôi trồng đạt gần 45.500 tấn, diện tích NTTS đạt trên 23.600 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.950 tỷ đồng. để phát huy tiềm năng lợi thế hơn nữa, ngành xác định cần chú trọng hơn nữa khâu sản xuất, kiểm soát con giống.
Đột phá trong sản xuất con giống
Nghệ An có tổng diện tích mặt nước sử dụng để NTTS là 23.610 ha, trong đó diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 21 nghìn ha. Xác định chất lượng giống là một trong những khâu đầu tiên, góp phần quan trọng vào sự thành bại của việc nuôi thả, nên thời gian qua công tác kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình quy định. Cơ quan chức năng đã có những biện pháp khá mạnh tay như xử lý, yêu cầu phải ương gièo hơn 3 triệu tôm giống của Công ty CP Nam miền Trung, trục xuất ra khỏi địa bàn tỉnh 1,8 triệu tôm giống của Công ty UP, Thông Thuận… Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, tiến hành kiểm tra, kiểm soát vùng nuôi...
Đặc biệt, Nghệ An đã tham gia triển khai thực hiện dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững. Từ đó đã xây dựng được 6 vùng nuôi tôm áp dụng VietGAP đảm bảo an toàn sinh học, 2 vùng đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ngoài việc được đào tạo, tập huấn kiến thức về GAP, về đa dạng hóa, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, người dân còn được tham gia các tổ cộng đồng, với các quy định xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo vệ môi trường và quản lý vùng nuôi, hạn chế được việc xả thải bùn thải, nước có mầm bệnh chưa xử lý ra môi trường chung. Giá trị thiệt hại do bệnh gây ra ở các vùng nuôi tôm có áp dụng GAP giảm, hầu hết nông dân đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn tôm giống, quan tâm đến việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả.
Công tác sản xuất và kinh doanh giống có những bước tiến đáng ghi nhận. Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 cơ sở với 57 trại sản xuất và ương nuôi tôm giống, đặc biệt hiện tỉnh đã có quyết định phê duyệt đồng ý cho Công ty giống Việt Úc đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm giống tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) với tổng vốn đầu tư 1,5 triệu USD, quy mô 4 ha và công suất thiết kế 3 tỷ con/năm. Bên cạnh đó, các trại sản xuất các đối tượng giống nước ngọt đáp ứng được nhu cầu về đàn giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cũng như phong phú về đối tượng nuôi. Nuôi trồng thủy sản phát triển, đem lại thu nhập cao cho người dân, nhất là những diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sau khi trừ chi phí bình quân cho mức lãi ròng 200 - 250 triệu đồng/ha.
Trên những diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, bà con đã chuyển sang nuôi cá, cua, một số mô hình nuôi đa dạng hóa cá hồng Mỹ, nuôi cá vược bằng thức ăn chăn nuôi, nuôi cua biển từ nguồn giống sinh sản nhân đã được triển khai tại vùng nuôi của các xã Diễn Vạn (Diễn Châu) và Nghi Hợp (Nghi Lộc) cho hiệu quả cao. Đặc biệt, nuôi cá lồng ven biển được coi là mô hình đầy triển vọng trong phát triển nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất bình quân 3 - 4 tấn/lồng, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng thu nhập, tạo việc làm cho bà con ngư dân vùng ven biển.
Tăng cường kiểm soát con giống, quy trình chăn nuôi
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, để ngành NTTS phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo ông Phan Tiến Chương - giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An, thì quản lý chất lượng giống còn nhiều bất cập, nguồn giống của tư thương từ các tỉnh khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh chưa được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, người nuôi bị ép giá, thua lỗ. Đây là vấn đề đã kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục. Để có thể khắc phục, cần có biện pháp tìm ra một số đối tượng nuôi chủ lực, rà soát kiểm tra đánh giá chất lượng đàn cá bố mẹ ở các cơ sở sản xuất giống để có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, có các chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản để thu mua sản phẩm ổn định cho bà con, có định hướng rõ và chỉ đạo sát sao trong quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi để tránh tình trạng “cung vượt cầu” trong tiêu thụ.
Riêng đối với nuôi tôm thẻ chân trắng - một đối tượng nuôi đem lại nguồn thu rất lớn cho ngành NTTS, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn những tồn tại, bất cập. Chất lượng môi trường vùng nuôi tôm có chiều hướng suy giảm, bên cạnh việc lạm dụng sử dụng hóa chất, kháng sinh, người dân còn chưa nghiêm túc trong thực hiện vệ sinh, nạo vét kênh cấp thoát nước và cải tạo ao đầm. Nhiều vùng nuôi chưa có khu xử lý chất thải nên hầu hết các cơ sở nuôi trong quá trình nuôi và sau mỗi vụ nuôi đều xả trực tiếp nước thải, bùn thải ra ngoài tự nhiên.
Theo ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, một tình trạng đáng ngại hiện nay là một số hộ nuôi tôm chưa tuân thủ lịch thời vụ của ngành thông báo, vẫn đồng ý cho các công ty, cơ sở cung ứng tôm giống thả giống trực tiếp xuống ao đầm không qua ương gièo, kiểm định chất lượng và kích cỡ tôm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa tuân thủ trong công tác phòng bệnh và dập dịch, khử trùng tiêu độc trước và sau khi ra vùng nuôi, chưa thực hiện nghiêm túc việc khai báo bệnh. “Người dân còn có tư tưởng tận dụng mọi diện tích có thể để thả giống mà quên đi việc tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi. Đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra các loại dịch bệnh trong thời gian qua, đồng thời phá vỡ sự cân bằng môi trường. Mầm bệnh thường tiềm ẩn, nhưng trong điều kiện môi trường được xử lý tốt, chế độ chăm sóc tốt, mầm bệnh dù có cũng không phát triển được. Người dân phải tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng trong tuân thủ các khuyến cáo có lợi cho bà con” - ông Tiến chia sẻ.
Cùng với đó, công tác tư vấn trực tiếp cho bà con chưa tốt. Được chứng nhận nuôi tôm áp dụng quy trình VietGAP từ năm 2013, gia đình ông Ngô Xuân Đại (Diễn Trung - Diễn Châu) hiện có 4 ha tôm. Năm nay, trong vụ 1 ông thả con giống của Công ty CP, năng suất đạt 6,8 tấn/ha. Với giá bán trung bình 160 - 170 nghìn đồng/kg, 27 tấn tôm cho doanh thu tới 4,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông vẫn còn hơn 2 tỷ đồng lãi ròng từ con tôm. Ông chia sẻ: “Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2002, cũng từng trải qua thất bại, tôi rút ra một số kinh nghiệm quý giá để đầm tôm an toàn, hiệu quả cao. Đó là với thời tiết ở Nghệ An, tốt nhất nên thả tôm giống trước và sau tiết Thanh minh từ 7 - 10 ngày.
Thực tế, một số hộ thả sớm hơn lịch tới tận 20 ngày, mục đích là tranh thủ thả cho được 3 vụ/năm, điều này hoàn toàn không nên vì tỷ lệ thành công thấp, rủi ro cao, hiệu quả kém. Đặc biệt, chính quyền huyện và xã cần quản lý chặt về chất lượng con giống, thời vụ thả tôm, vì trong khi các hộ nuôi nhiều đa số đều tuân thủ lịch thời vụ, quy trình nuôi, thì những hộ nuôi nhỏ lẻ còn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cứ thấy trời hửng nắng, thuận lợi là cải tạo ao đầm, lấy nước vào thả tôm mà không quan tâm đến lịch thời vụ được khuyến cáo. Cũng bởi vậy, dịch bệnh trên tôm thường khởi phát từ những đầm nuôi nhỏ lẻ, sau đó lan ra xung quanh gây thiệt hại nặng nề.
Thời gian tới, để công tác NTTS phát triển tương xứng với tiềm năng, chúng ta cần xác định, hoạt động sản xuất sẽ gặp điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến khó lường. Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y và các địa phương có quy chế phối kết hợp để có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt. Người dân phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý của tỉnh trong vấn đề giống, nuôi trồng, thực hiện nghiêm lịch thời vụ, tránh hiện tượng “mua chui” giống không rõ nguồn gốc về thả đầm. Các doanh nghiệp cung ứng giống phải xác định, việc thành bại của người nuôi cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp để có trách nhiệm hơn trong cung ứng giống, chia sẻ với người dân…
Phú Hương