(Baonghean)- Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Phạm Văn Thắng (xóm 5, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn), phản ánh về việc gia đình có ký hợp đồng với xóm để cung ứng cát, sỏi làm đường giao thông nông thôn, nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ số tiền như cam kết. Qua xác minh thấy rằng, sự việc trên là có thật và đây bài học kinh nghiệm cho các xã trong công tác xây dựng Nông thôn mới hiện nay.

Trong đơn gửi Báo Nghệ An, ông Phạm Văn Thắng nêu: Năm 2013 và 2014, gia đình ông ký hợp đồng với Ban cán sự xóm 5 và xóm 7 về việc cung ứng cát, sỏi để làm đường giao thông theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đối với xóm 5, gia đình ông ký hợp đồng 2 lần, lần 1 cung ứng 250m3, lần 2 cung ứng 1.039m3. Trong quá trình thi công, xóm 5 phát sinh thêm số cát, sỏi là 31,32m3. Tổng số lượng cát, sỏi mà gia đình ông bán cho xóm 5 là 1.397,5m3. Còn đối với xóm 7, gia đình ông ký hợp đồng cung ứng 451m3 cát, sỏi. Như vậy, tổng số cát, sỏi gia đình ông Thắng đã bán cho 2 xóm là 1.848,5m3. Với đơn giá thỏa thuận là 110.000 đồng/m3 thì số tiền gia đình ông Thắng phải được trả là 144 triệu đồng. “Gia đình tôi đã thực hiện đúng cam kết nhưng đến nay đường đã làm xong, sử dụng hơn 2 năm nhưng tôi vẫn chưa được trả hết số tiền theo hợp đồng. Hiện xã và xóm đang nợ của gia đình gần 73 triệu đồng”, ông Thắng cho biết.

images1419964_anh_ntm.jpgHợp đồng mua bán của xóm với gia đình ông Thắng.

Qua sổ sách, giấy tờ đang được gia đình lưu giữ thì những thông tin ông Thắng cung cấp là khá rõ ràng. Theo đó, các hợp đồng mua bán cát, sỏi đều có đầy đủ chữ ký của gia đình cũng như xóm trưởng, bí thư xóm thời kỳ đó. Theo hợp đồng, thời gian thanh toán được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, xóm có trách nhiệm thanh toán 50% sau khi gia đình bàn giao đầy đủ số lượng cát, sỏi; 50% còn lại sẽ được thanh toán vào cuối năm 2014. Nếu bên mua khi nhận được tiền trước thì phải thanh toán cho gia đình số tiền còn lại tại thời điểm đó. Nhưng thực tế đến thời điểm này, trách nhiệm của bên mua vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Trả lời về vấn đề này, ông Đậu Thanh Nghĩa, Xóm trưởng xóm 5 thừa nhận: Phần do nhân dân đóng góp (27,5 triệu đồng) đã được xóm trả cho gia đình anh Thắng đầy đủ. Còn số tiền hơn 5 triệu đồng phát sinh thêm trong quá trình làm đường là do chưa thu được từ dân; còn hơn 31,5 triệu đồng mà xóm đang nợ anh Thắng là do xã chưa chuyển tiền cho xóm nên xóm chưa có tiền trả cho gia đình anh.

Được biết, năm 2013, ngoài phần xi măng được UBND tỉnh hỗ trợ, UBND xã Hùng Sơn đã thống nhất chủ trương trích kinh phí hỗ trợ cho các thôn 96.000 đồng/m3 bê tông để làm đường giao thông nông thôn. Phần còn lại do nhân dân đóng góp với mức 40.000 đồng/m3 bê tông và ngày công. Xã giao cho các xóm vận động nhân dân đóng góp và ký hợp đồng với các hộ gia đình, cá nhân cung cấp cát, sỏi. Năm 2013 và 2014, các xóm vận động nhân dân và ký hợp đồng với 6 gia đình bán cát, sỏi đã làm được gần 20 km đường giao thông.

Theo cơ chế ban đầu, phần kinh phí xã phải hỗ trợ cho các xóm là hơn 1,2 tỷ đồng. Theo quy định, đến hết năm 2014, xã phải giải ngân cho các xóm số tiền trên để xóm trả cho các gia đình cung ứng cát, sỏi. Nhưng hết năm 2014, xã chỉ mới tạm ứng cho các xóm được 200 triệu đồng. Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn thừa nhận: Không chỉ nợ gia đình anh Thắng, hiện xã còn nợ 5 gia đình khác với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới thì các hạng mục đầu tư xây dựng là rất lớn, nhưng do nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ ít, trong khi nguồn thu từ đấu giá đất ở và giao khoán đất rừng chưa có nên xã phải nợ tiền của các hộ bán cát, sỏi. Khi có nguồn, xã sẽ giải ngân kịp thời để trả cho các gia đình chứ không đầu tư vào các hạng mục khác.

Đường giao thông nông thôn tại xóm 5, xã Hùng Sơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 1 năm nhưng hiện xã vẫn đang nợ tiền mua cát, sỏi.

Ông Mỹ cho biết, trong năm 2015 và 2016 rất khó để trả hết nợ. Hiện xã đang đẩy nhanh việc quy hoạch phân lô để lập hồ sơ bán đấu giá đất. Đồng thời, đang chờ hướng dẫn của các cấp để tiến hành khoanh vùng và giao khoán đất rừng vùng Tây Họa. Tuy nhiên, nguồn thu vẫn đang nằm trong dự toán, chưa có khả năng thanh toán đủ. Vì vậy, xã sẽ tiếp tục gia hạn nợ và cần sự chia sẻ của các thôn, đặc biệt là các cá nhân, hộ bán cát, sỏi. Khi chúng tôi đặt vấn đề: Đồng ý là xã đang khó khăn nhưng nhiều hộ bán cát, sỏi đang phải vay  ngân hàng, vay nặng lãi để đầu tư mua cát, sỏi thì xã giải quyết thế nào?, ông Mỹ cho biết: Vào tháng 4/2015, xã đã thông báo cho các thôn và đề nghị các thôn trực tiếp thương lượng với các hộ dân cung ứng cát, sỏi để gia hạn hợp đồng thêm thời gian từng năm một. Thế nhưng, thực tế, các xóm chưa làm thủ tục gia hạn với các hộ bán cát, sỏi.

Liên quan đến phần kinh phí phát sinh mua cát, sỏi trong quá trình làm đường tại xóm 5, ông Phạm Văn Tùng (nguyên Xóm trưởng xóm 5) cho biết: Khi làm đường, Bí thư Đảng ủy xã đã đồng ý bằng miệng cho xóm 5 đổ thêm phần nối từ cổng nhà dân ra đến đường nên khối lượng cát, sỏi có tăng thêm. Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu và bàn giao cho ban cán sự xóm nhiệm kỳ mới thì không được đồng ý. Người dân cũng không chịu đóng góp thêm để trả cho gia đình anh Thắng. Trái ngược với thông tin ông Tùng cung cấp, ông Đậu Thanh Nghĩa, Xóm trưởng xóm 5 cho rằng, do lúc bàn giao sổ sách, ông Tùng đã không công khai đầy đủ thông tin cho người dân nên người dân không đồng ý đóng góp thêm phần phát sinh. “Tổng khối lượng cát, sỏi phát sinh là 31,32m3, thành tiền là hơn 3 triệu đồng. Tính ra, mỗi hộ phải đóng thêm 24.000 đồng. Người dân cho rằng, số tiền đó không lớn nhưng yêu cầu anh Tùng phải đứng ra công khai trong cuộc họp để người dân biết. Mặc dù, xóm đã nhiều lần mời anh Tùng cùng tổ chức họp xóm nhưng anh Tùng không đến”, anh Nghĩa cho biết.

Ông Thắng cho biết, việc xã đang khó khăn nên chưa có tiền trả, gia đình rất chia sẻ, nhưng gia đình cũng đang thực sự khó khăn khi phải đi vay nặng lãi bên ngoài để trả tiền vay ngân hàng đầu tư mua cát, sỏi. Đến nay, tổng tiền lãi của gia đình đã lên đến hơn 30 triệu đồng và nếu không trả kịp thì sẽ tiếp tục tăng lên. Chúng tôi mong muốn được giải quyết trên tinh thần có trách nhiệm chứ không muốn kiện ra tòa án. Đó là hướng giải quyết không ai mong muốn. Nếu xã có trách nhiệm thì tiến hành gia hạn hợp đồng và cam kết sẽ trả tiền lãi thì gia đình không phải viết đơn gửi đi các cơ quan chức năng như thế này, ông Thắng cho biết.

Có thể thấy, trong thời điểm xã chưa bố trí được nguồn kinh phí thì hướng giải quyết của ông Thắng là rất xác đáng và cần được chính quyền xã Hùng Sơn triển khai thực hiện. Việc đề nghị các gia đình sẻ chia chỉ là trên phương diện tình cảm, ý thức với cộng đồng, còn theo quy định thì trách nhiệm của xã phải trả nợ đúng hạn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân. Đối với vấn đề phát sinh tại xóm 5, xã cần tiếp tục yêu cầu ông Phạm Văn Tùng nghiêm chỉnh chấp hành việc bàn giao, công khai đầy đủ sổ sách, số liệu trước nhân dân để tạo sự đồng thuận. Nếu cá nhân nào không thực hiện cần có biện pháp xử lý theo đúng quy định, tránh sự việc kéo dài, gây bất ổn trong đời sống nhân dân và ảnh hưởng đến công tác điều hành, lãnh đạo của chính quyền xã.

Sự việc ở xã Hùng Sơn là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các xã trên địa bàn tỉnh hiện đang trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng là chính đáng nhằm góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển, nâng cao thu nhập. Song, không nên chạy theo thành tích, vì cam kết mà bất chấp để vay nợ nhằm hoàn thành tiêu chí khi chưa có nguồn kinh phí để trả. Từ đó, sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, khó giải quyết tương tự như ở Hùng Sơn.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN