Chuyên gia pháp luật cho rằng, khi xử lý tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì có nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có hiệu quả.
Trong 10 năm qua, thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10%. Thông tin này đã khiến dư luận không khỏi giật mình. Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN.
PV: Thưa ông, tài sản thiệt hại do tham nhũng lên đến gần 60.000 tỷ đồng nhưng chúng ta mới chỉ thu hồi được 8%. Điều này đã và đang khiến cho dư luận tỏ ra thất vọng. Nhiều người cho rằng phải chăng chúng ta đang bất lực trước những tài sản tham nhũng, thưa ông?.
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải đạt đến mục tiêu là triệt phá được tham nhũng và hiệu quả của việc triệt phá tham nhũng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng.
Nếu tài sản không thu hồi được thì dường như chúng ta đang gửi thông điệp là cứ tham nhũng đi, đằng nào cũng được một lượng tài sản rất lớn mà các hình thức kỷ luật, truy tố rất nhẹ nhàng. Tôi già rồi, tôi cố tham nhũng để củng cố cho con cái sau này có một nguồn tài sản lớn, còn hình phạt thì tôi sẵn sàng chịu.
PV: Đối với tài sản tham nhũng thì việc thu hồi là đương nhiên, vậy tại sao thời gian qua chúng ta thu hồi tài sản này với một kết quả thấp như vậy, thưa ông?
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Tôi cho rằng, các cơ quan đấu tranh chống tham nhũng loay hoay trong những thủ tục không hiệu quả. Tài sản tham nhũng là tài sản phạm tội, tuy nhiên, nếu tư duy như thế thì phải chờ đến bản án của tòa án để tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng thì quá chậm.
Ở các nước, phát hiện thấy dấu hiệu một quan chức nào đó có tài sản lớn bất bình thường so với thu nhập hiện tại của người đó và cũng không minh chứng được tài sản thì lập tức họ sẽ phong tỏa tài sản đó để làm rõ đó là tài sản gì, hợp pháp, minh bạch, hay là tài sản có được do tham nhũng?
Khi phong tỏa được rồi thì các thủ tục tiếp theo để xác minh, truy nguyên nguồn gốc của tài sản sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn nếu chúng ta chờ bản án xong rồi mới tiếp tục làm nhiệm vụ kê biên tài sản thì quá muộn, và sự tẩu tán tài sản đương nhiên xảy ra rất dễ dàng.
PV: Ông có nói đến việc phong tỏa tài sản khi tài sản bất bình thường. Vậy thì trong trường hợp tài sản được chuyển nhượng hoặc được tẩu tán ra nước ngoài thì chúng ta truy thế nào, thưa ông?
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Truy tài sản không phải là vấn đề khó. Trong tất cả luật chuyên ngành có rất nhiều điều khoản có thể cho phép chúng ta xác định được tài sản đó là như thế nào. Đương nhiên, nếu truy nguyên mà chỉ dừng lại ở tài sản của đối tượng đó thì không có ý nghĩa gì cả, bởi vì họ có thể khai rằng đó là tài sản của con cái.
Ví dụ như nhiều quan chức được doanh nghiệp hối lộ các căn hộ, đương nhiên quan chức đó không đứng tên căn hộ đó, nhưng điều này truy nguyên đâu có khó. Lần lại toàn bộ chứng từ kế toán của doanh nghiệp để xem việc bán các căn hộ nay đã diễn ra như thế nào. Tôi cho rằng, khó mà che đậy một cách trọn vẹn tất cả những vi phạm pháp luật.
PV: Chúng ta không thiếu những cơ chế, chính sách để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thưa ông?
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Thể chế của chúng ta có thể hoàn toàn cho phép thực hiện việc truy nguyên tài sản, vấn đề là người làm có theo đuổi đến cùng hay không. Ví dụ vụ ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, chúng ta mất 6 -7 tháng để truy nguyên tài sản nhưng có truy nguyên không? Một biệt thự xây dựng trên đất chuyển đổi như thế mà gần như không xác định được sự vi phạm pháp luật nào ở đây là điều vô lý.
PV: Trong bối cảnh phòng chống tham nhũng đang nóng như hiện nay và đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, ông có hiến kế gì trong việc thu hồi tài sản tham nhũng một cách triệt để nhất?
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Muốn thu hồi tài sản tham nhũng một cách triệt để, nhất là hoàn thiện thể chế bằng việc xây dựng Luật chống tham nhũng cần hướng vào mấy điểm chính, đó là: Đừng để nó trùng lắp, giẫm đạp lên các của các quy định khác của luật chuyên ngành.
Luật này phải hướng tới việc thu hồi tài sản, kê khai tài sản, sau đó dựa trên kê khai tài sản, dựa trên những biểu hiện bất bình thường trong thu nhập, tài sản của người đang có chức vụ, từ đó phong tỏa. Khi thấy đầy đủ điều kiện hình sự thì quay sang áp dụng Bộ luật hình sự để truy tố tội tham nhũng theo quy định. Nếu không làm được điều đó thì tài sản thu hồi sẽ không hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông./.
"Đấu tranh chống tham nhũng ở bất kỳ nước nào cũng khó. Lòng tham của con người là vô tận, không bao giờ có điểm dừng và khi xử lý tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì điều đó có nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có hiệu quả. Các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng phải làm thế nào để niềm tin của người dân được đốt cháy mạnh hơn" - GS.TS Lê Hồng Hạnh |