(Baonghean) - Công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng là công việc tưởng chừng “khuất lấp” sau muôn công việc của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế đây không chỉ là biện pháp hành chính đơn thuần, mà từ những cuộc "kiểm tra hành chính" nhiều người (nhất là các chủ quán trọ, khách sạn, nhà nghỉ) cho là phiền phức này, đã phát hiện ra nhiều kẻ gian, tội phạm...
 
Phá vụ án gián điệp từ chi tiết nhỏ trên tấm thẻ căn cước
 
Khi nghe bà chủ một nhà nghỉ ở TP. Vinh phàn nàn chuyện công an phường cứ nghiêm ngặt về thủ tục tạm trú, ông Nguyễn Văn Đỗ hiện trú ở phường Bến Thủy, một cựu trinh sát phản gián Công an Nghệ An thời kháng chiến chống Mỹ bảo rằng, nhận thức như thế là sai và kể lại một câu chuyện liên quan đến kiểm tra căn cước: 
 
Vào một ngày cuối tháng 5/1962, hai cảnh sát công an khu vực Bến Thủy là Trung sỹ Đỗ Ngọc Huyền và hạ sỹ Nguyễn Văn Tân trong khi kiểm tra đăng ký tạm trú tại quán trọ, phát hiện thấy một trường hợp nghi là kẻ gian. Đó là người đàn ông trạc 35 tuổi, đến quán này từ chập tối. Theo "Giấy thông hành"  do Ty Công an Vĩnh Linh cấp ngày 19/3/1962 do  anh ta trình  báo, ghi tên Trần Ngọc Tâm quê ở Quỳnh Lưu, làm công nhân lâm trường ở Vĩnh Linh. Điều mà hai đồng chí cảnh sát khu vực chú ý nhất là tờ “Giấy thông hành” mà Tâm đang sử dụng. Chỉ riêng việc đầu đề trên tờ giấy ghi “Công an Liên khu IV - Công an khu vực Vĩnh Linh”  đã là một bất hợp lý. Giấy đề ngày cấp là 19/3/1962 nhưng thực ra Công an Liên khu IV giải thể từ năm 1959. 
 
image_2619320.jpgLãnh đạo Công an TP Vinh giao nhiệm vụ kiểm tra công tác tạm trú cho cán bộ chiến sĩ
 
Nghi vấn của hai cảnh sát khu vực được báo về Ban chỉ huy Công an TP. Vinh và phòng Bảo vệ Chính trị Ty Công an Nghệ An. Ngay sau đó, mọi đường đi nước bước của gã đàn ông này được nằm trong tầm kiểm soát của các chiến sĩ trinh sát phản gián.
 
Tờ mờ sáng hôm sau, với tấm vé mua từ chiều hôm trước, gã đàn ông mua vé và leo lên chuyến xe ca “Vinh - Đồng Hới”. Vài phút sau, tổ trinh sát do ông Nguyễn Văn Đỗ chỉ huy trong vai những người buôn chuyến cũng lên xe bám theo đối tượng khả nghi.
 
Trước khi xe xuất bến, tổ trưởng Đỗ nhận được lệnh của chỉ huy đơn vị, đến thị xã Đồng Hới phải phối hợp với Công an Quảng Bình bắt giữ ngay kẻ khả nghi đó, vì rất có khả năng xuống bến xe Đồng Hới, đối tượng sẽ tìm cách vào Vĩnh Linh rồi vượt tuyến vào Nam. Mệnh lệnh của chỉ huy được tổ trinh sát phối hợp lực lượng Công an Quảng Bình thực hiện ngay khi xe vừa dừng tại bến.
 
Tại cơ quan công an, sau một hồi quanh co chối cãi, cuối cùng, gã đành thú nhận tên thật là Nguyễn Châu Thanh quê ở Quỳnh Lưu, trốn vào Nam theo địch từ năm 1954. Vào Nam, hắn được tình báo Mỹ - ngụy tuyển chọn và được huấn luyện làm gián điệp con thoi. Tháng 3/1962 theo kế hoạch của Phủ Đặc uỷ Trung ương tình báo Sài Gòn, Nguyễn Châu Thanh vượt sông Bến Hải (Vĩnh Linh) ra Bắc với giấy thông hành giả.
 
Sau khi về quê trót lọt, Nguyễn Châu Thanh bí mật nằm trong nhà người thân ở xã Quỳnh Thuận và chỉ trong hơn 3 tháng, gã tìm cách gặp một số phần tử xấu ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc để móc nối và tạo mạng lưới cơ sở giúp hắn nắm tình hình để chuẩn bị cho kế hoạch "Bắc tiến". Sau kết quả bước đầu, Nguyễn Châu Thanh  tìm cách vào Nam để báo cáo tình hình và xin chỉ thị...
 
Nhận thấy đây là một vụ án gián điệp quan trọng, một ban chuyên án do đồng chí Trần Thiệu, Phó trưởng ty Công an và đồng chí Hồ Sỹ Trượng, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị trực tiếp chỉ huy được xác lập. Các biện pháp nghiệp vụ và công tác phát động quần chúng "bảo mật phòng gian" được phát động mạnh mẽ ở những địa bàn trọng điểm. Và trong một thời gian ngắn, một mạng lưới cơ sở gồm 42 đối tượng do Nguyễn Châu Thanh xây dựng trong thời gian hoạt động ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu bị lật mặt. Những tên nguy hiểm trong mạng lưới gián điệp này  như Trần Đình Cán (mang lốt linh mục) cùng Vũ Thị Quế, Vũ Sỹ Tùng, Hồ Đức Hoàn, Trần Vy… đều khai nhận đang chuẩn bị xây dựng “mật khu” và kế hoạch gây bạo loạn để khi địch “Bắc tiến” sẽ "nổi dậy".
 
Điều đáng nói, mãi sau này, Nguyễn Châu Thanh vẫn không hiểu vì sao mình bị lộ trong lần về ấy...
 
Bắt đối tượng trốn nã từ kiểm tra tạm trú ở thôn...
 
Cách đây vài năm, Công an xã Nghĩa Bình huyện Tân Kỳ nhận được nguồn tin do người dân cung cấp tại nhà ông Nguyễn Hải có người đàn ông trung niên nói giọng Bắc rất đáng ngờ. Theo lời chủ nhà thì anh ta là người quen từ tỉnh Bắc Giang gặp chuyện buồn nên đánh đường vào chơi cho khuây khỏa. Tuy nhiên, nhận xét của mấy bà con láng giềng thì ông này rất ít khi ra ngoài, mà có ra thì mắt cứ lấm la lấm lét, dáng điệu không tự nhiên. Một số người bảo ông Hải đưa khách và giấy tờ đến công an xóm để đăng ký tạm trú thì ông xuê xoa gạt đi: "Vẽ chuyện! Người quen cả!...”.
 
Công an TP. Vinh kiểm tra tạm trú tại một nhà nghỉ.
 
Vào một tối, ông Trần Văn Sơn - Trưởng Công an xã dẫn một tổ công an đến kiểm tra tạm trú tại nhà ông Nguyễn Hải. Ông Hải vô tư cùng bà vợ báo cáo với công an xã: nhà đang có người quen từ Bắc Giang vào chơi đã vài ba ngày... Quen biết, hiểu nhau rồi nên ông không trình báo. Rồi, ông cho gọi người khách có tên là Bình ra trình mặt. Với vẻ mặt tự nhiên, thưa gửi đàng hoàng, Bình cho biết anh ta để quên giấy tờ ở quê. "Cũng do gặp chuyện buồn nên đâm ra lẩn thẩn" - Bình vừa gãi tai vừa nói.
 
Rất không may cho kẻ gian, vừa nghe người khách trình bày, ông trưởng công an xã vừa nhớ đến tờ lệnh "truy nã đặc biệt" mà Công an huyện gửi xuống cách đây ít ngày. Hình như có đôi nét trùng hợp giữa đối tượng có lệnh truy nã và người khách. Cũng tên Bình (ông quên họ đối tượng) cùng trú quán ở tỉnh Bắc Giang (ông quên huyện, xã). Hình như anh này là... hắn. Linh cảm người công an xã mách bảo thế. Nghĩ vậy, ông Trần Văn Sơn mời người thanh niên về trụ sở xã làm rõ.
 
Biết chối cũng khó thoát, người khách của ông Hải khai nhận, hắn tên là Nguyễn Đức Bình, sinh năm 1958, hiện trú ở phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chính hắn là kẻ đã dùng dao đâm chết người tại một quán rượu vì một vài xích mích xảy ra trước đó. Sau khi gây án hắn xuống Hà Nội lẩn trốn 3 ngày, rồi tìm đường vào Tân Kỳ vờ thăm người quen để trốn tránh pháp luật.
 
Từ hai sự việc trên để chúng ta thấy rằng, công tác kiểm tra chứng minh thư, thẻ căn cước là hết sức quan trọng. Tuy nhiên hiện nay nhiều cán bộ địa phương, nhất là cán bộ nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường xuề xòa cho qua, lợi dụng kẽ hở này, nhiều kẻ gian đã lợi dụng để làm việc bất chính. Sự việc trên cũng là bài học kinh nghiệm quý cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý con người, nhất là những người lạ mặt từ nơi khác đến.
 
Về hành vi vi phạm đăng ký tạm trú tạm vắng được quy định tại Điều 11 Nghị định 73/2010/NĐ - CP Chính phủ ngày 12/7/2010 về xử phạt hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự  như sau (trích):
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú;
2.  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
 -  Không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú;
 -  Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
Việt Long