Nhà ở xã hội dù đang được triển khai đồng loạt ở các tỉnh, thành phố, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Khi cung lệch cầu, thì cơ quan quản lý nhà nước phải dùng mọi biện pháp để chống hiện tượng “thổi giá”, đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước phát triển vẫn đang thực hiện chính sách nhà ở xã hội để phục vụ những người không có đủ khả năng mua nhà theo giá thị trường.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội ở nước ta được thực hiện đồng bộ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 217 ngày 30/11/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện việc phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở.
Và, để luật hóa việc phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014 đã dành hẳn một chương quy định chính sách về nhà ở xã hội. Chính sách được thực thi, cả nước đã và đang thực hiện khoảng 110 dự án với 70.000 căn nhà ở xã hội.
Cũng giống nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cũng phải tuân theo quy luật cạnh tranh về ví trí dự án, chất lượng xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...Tuy nhiên, vì nhà ở xã hội được hưởng cơ chế hỗ trợ của nhà nước với cả người mua và chủ dự án, nên tính cạnh tranh bị giới hạn trong khuôn khổ của sự hỗ trợ, tức là giá nhà không được bán theo cơ chế thị trường (giá nhà phải dưới 15 triệu/m2), người mua nhà phải là người nghèo, người thu nhập thấp.
Luật pháp đã “cấm cửa” người giàu mua nhà ở xã hội, nhưng thực tế đã có hiện tượng một số người giàu “xí phần” nhà ở xã hội. Từ việc kiểm toán chương trình nhà ở xã hội, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 16,7% và Đà Nẵng có 35,5% căn hộ nhà ở xã hội đang sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng.
Nhà ở xã hội bán không đúng đối tượng là do việc xét duyệt hồ sơ đăng ký mua nhà thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch...Hiện quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội thông qua “hai cửa” (chủ dự án và Sở xây dựng các địa phương), nhưng thực tế lọt qua “cửa” chủ dự án gần như mọi việc đã “an bài”!
Đơn giản hóa thủ tục mua nhà ở hội là việc cần làm, nhưng không vì đơn giản hóa mà để “con voi chui lọt lỗ kim”. Chống trục lợi nhà ở xã hội là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, chủ dự án, sau đó là sự tự trọng của người giàu.
Trong lúc hàng triệu người nghèo, người thu nhập thấp vẫn đang xếp hàng chờ mua nhà ở xã hội, thì việc người giàu “xí phần” nhà ở xã hội dù chỉ là số ít cũng làm cho xã hội phân tâm, bức xúc. Người giàu “xí phần” nhà ở xã hội để ở rất ít, đa số là đầu cơ, bán ăn chênh lệch.
Nhà ở xã hội dù đang được triển khai đồng loạt ở các tỉnh, thành phố, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Vẫn biết phát triển nhà ở xã hội là việc làm dài hạn, song nếu cung lúc nào cũng lệch cầu, nếu mọi việc thiếu công khai, minh bạch, thì thị trường nhà ở xã hội rất dễ phát sinh hiện tượng “thổi giá”, đầu cơ, trục lợi...
Theo Báo điện tử ĐCSVN