Đây là nhóm không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 và phải cơ cấu lại.
Chiều nay (14/2), Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về việc điều hành tín dụng 2012. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến chủ trì cuộc họp.
PV: Thưa Phó Thống đốc, Chỉ thị 01 phân thành 4 nhóm TCTD để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Vậy xin ông cho biết tiêu chí nào để phân loại các nhóm TCTD?
Ông Nguyễn Đồng Tiến:Việc kiểm soát tín dụng theo nhóm không có gì mới. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc kiểm soát tín dụng không nên áp dụng đồng đều cho tất cả các TCTD, vì các tổ chức này có năng lực tài, năng lực kiểm soát, hoạt động khác nhau.
Chúng tôi phân các TCTD ra thành 4 nhóm theo các tiêu chí: quy mô vốn, năng lực điều hành rủi ro, chất lương tài sản có, sai phạm trong tuân thủ chính sách của NHNN... Theo đó, nhóm 1 hoạt động tương đối an toàn, lành mạnh, ổn định thì được tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất 17%; Nhóm 2 và 3 thì yếu hơn một chút. Riêng nhóm 4 thuộc diện đang phải cơ cấu lại, mất an toàn nên không được giao chỉ tiêu tăng trưởng. NHNN không công bố danh sách cụ thể mà sẽ thông báo tới từng TCTD.
Các TCTD nhóm 4 là các tổ chức đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có nguy cơ đổ vỡ và đang trong quá trình tái cơ cấu. Không gia tăng tín dụng nhưng TCTD đó phải tiếp tục thu hồi khoản nợ cũ và tiếp tục duy trì các hoạt động ngân hàng. Từ đó, các TCTD này cơ cấu lại danh mục tài sản theo hướng ích cực hơn.
Thực tế còn 1 nhóm nữa, đó là TCTD nước ngoài mới tăng vốn điều lệ thì cho phép tăng trưởng tối đa bằng vốn điều lệ cấp của các TCTD đó.
PV: Vậy hiện có bao nhiêu TCTD nằm trong nhóm 4, thưa ông?
Ông Nguyễn Đồng Tiến:Qua theo dõi, có khoảng 10 TCTD rơi vào nhóm yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ. Nhóm này chắc chắn sẽ không được tăng trưởng tín dụng. Thống đốc đã liên tục làm việc với các TCTD. Do vậy, các TCTD này đã biết rõ chủ trương này, không có lý do gì để họ phàn nàn. Nếu cào bằng như 2011 thì có lý do, nhưng năm nay bắt bệnh cho thuốc, liều lượng theo sức khỏe nên các TCTD chắc chắn sẽ đồng tình.
PV: Với nhóm 4, NHNN không công bố, nhưng trong quá trình thực hiện sẽ khó tránh vi phạm và danh tính sẽ được tiết lộ trên các phương tiện thông tin truyền thông. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý gửi – rút tiền của người dân. Phó thống đốc hình dung thế nào hậu quả gây ra của NH này với hệ thống NHVN?
Ông Nguyễn Đồng Tiến: Các NH có trách nhiệm giữ gìn lòng tin người gửi tiền, cổ đông. NHNN không trông đợi các TCTD vi phạm quy định này mà yêu cầu phải tuân thủ nghiêm túc vì sự lành mạnh của các TCTD. NHNN cũng đặt ra thời hạn nhất định là 6 tháng để xem xét lại quá trình điều chỉnh.
Xử lý nghiêm các TCTD vi phạm vượt trần lãi suất huy động Bà Nguyễn Thanh Hồng - Vụ trưởng Chính sách tiền tệ: Thống đốc NHNN đã có chỉ thị, xử lý nghiêm minh và có hình phạt đối với các TCTD này. Sau một thời gian quyết liệt, về cơ bản các TCTD thực hiện nghiêm túc. Cơ quan thanh tra giám sát có hệ thống thanh tra giám sát ở trung ương và tỉnh thành phố theo dõi sát việc thực hiện trần LS. Thời gian tới, thanh tra sẽ tiếp tục duy trì đường dây nóng. Những thông tin phản ánh qua đường dây nóng, đơn thư… thanh tra có chỉ đạo và kiểm tra kịp thời. Nếu TCTD tiếp tục lách trần LS huy động sẽ xử lý nghiêm minh: khi phát hiện TCTD vi phạm sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra ngay. Cá nhân vi phạm bị xử lý ở mức cao nhất, buộc thôi việc hoặc cách chức… |
PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình hình thanh khoản của các NH hiện nay. Vậy NHNN sẽ xử lý như thế nào tình trạng thiếu thanh khoản hệ thống?
Ông Nguyễn Đồng Tiến:Thanh khoản trong năm được Thủ tướng giao nhiệm vụ đến nay đang thực hiện rất tốt. Chúng tôi bơm vốn qua OMO, tái cấp vốn trong trường hợp cần thiết.
Thanh khoản 2011 khó khăn do tính tuân thủ và trách nhiệm của 1 số TCTD không tốt. Ngoài ra, NHNN sẽ có công cụ chính sách tiền tệ: bơm tiền rút tiền, điều hành ngoại hối để các TCTD đảm bảo thanh khoản, hệ thống lành mạnh, đưa được vốn đến nơi cần ưu tiên đầu tư.
PV: Có ý kiến cho rằng, Chỉ thị 01 đưa ra là giải pháp nhằm cứu thị trường chứng khoán thoát khỏi cảnh ảm đạm. Quan điểm NHNN về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đồng Tiến:Những giải pháp đưa ra trong Chỉ thị này tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô của CP, trong đó ưu tiên các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa…. không ưu tiên 1 số lĩnh vực, trong đó kinh doanh chứng khoán, bất động sản…. nhưng có điều chỉnh thích hợp với nhóm kinh doanh BĐS có đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm thì được xem xét để không dàn trải nguồn vốn.
Trong năm 2011, tỷ trọng cho vay phi sản xuất NHNN đã kiểm soát trung bình 11,3%, tuy nhiên cũng có TCTD vượt 16%, NHNN sẽ có biện pháp cảnh báo xử lý. Trong 2012 tiếp tuc đặt mục tiêu tín dụng phi sản xuất ở mức 16%. Con số về tỷ trọng đầu tư vào hoạt động tín dụng vào BĐS trước đây gần 10%, nhưng trong năm 2011 tăng trưởng lĩnh vực này giảm 15%, hiện nay ở mức dưới 9%.
PV: Hiện nay, đề án huy động vàng trong dân được rất nhiều người quan tâm. Ông có thể cho biết đề án này đã được thực hiện đến đâu rồi?
Ông Nguyễn Đồng Tiến:NHNN xây dựng đề án nhằm huy động nguồn lực của nền kinh tế. Nhìn lại năm 2011, chủ trương của CP là hạn chế các hoạt động làm rối thị trường vàng, tỷ giá. Cá nhân tôi cho rằng, các hoạt động mua bán vàng trang sức là tập quán của người dân không ảnh hưởng gì, nhưng hoạt động mua bán lướt sóng chỉ đem lại lợi ích cho1 nhóm, đối với người ít thông tin, đầu tư mạo hiểm thì rất rủi ro. Vì thế, nhà nước cần có chính sách ổn định, bảo vệ nhà đầu tư và tránh tác động xấu tới tỷ giá.
PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc./.