(Baonghean) - Năm 2012 được dự báo tiếp tục là năm có nhiều khó khăn đối với hoạt động ngân hàng, nợ xấu cao, một số tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản... Sức ép huy động vốn tiếp tục gia tăng cùng với nỗi lo đảm bảo an toàn thanh khoản khiến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động huy động vốn.

Theo kế hoạch đề ra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, phấn đấu năm 2012, toàn ngành Ngân hàng Nghệ An đạt mức tăng trưởng nguồn vốn huy động tại địa bàn từ 15 - 20%, đồng nghĩa với tăng thêm từ 9.000 - 12.000 tỷ đồng (chỉ riêng khối thương mại). Như vậy, áp lực về huy động vốn đặt ra cho các tổ chức tín dụng càng căng thẳng.

Trong khi đó, định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và duy trì quy định về trần lãi suất huy động ít nhất cho đến hết quý II năm 2012 để hướng tới hạ lãi suất huy động vốn VNĐ, nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đưa lãi suất phù hợp với lãi suất thị trường.

773038_small_71317.jpg

Các ngân hàng đều chăm sóc "thượng đế" chu đáo để hút vốn.


Tuy nhiên, để giảm được lãi suất đầu vào, đầu ra còn phụ thuộc vào chỉ số CPI, nếu duy trì kiềm chế được lạm phát ở mức dưới một con số như trong tháng 1 đầu năm 2012 thì mới hy vọng hạ được lãi suất. Như vậy, khả năng thu hút tiền gửi từ lãi suất vẫn bị hạn chế.

Trong khi nguồn vốn gửi vào các ngân hàng chủ yếu huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, song trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, lạm phát cao, một bộ phận dân cư có xu hướng chuyển từ gửi tiết kiệm sang mua tích trữ vàng, ngoại tệ. Trong khi đó, nhu cầu vốn của nền kinh tế luôn tăng, mà tốc độ tăng trưởng nguồn vốn chậm lại. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nguồn tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế chảy vào ngân hàng không còn tăng mạnh như trước. Nguồn vốn cho vay ra nền kinh tế luôn cao hơn so với nguồn vốn huy động được, cho thấy các tổ chức tín dụng đã phải nỗ lực điều chuyển nguồn vốn trong hệ thống để đầu tư cho vay trên địa bàn Nghệ An.


Trước tình hình đó, các ngân hàng phải thu hút khách thông qua những hình thức quà tặng, khuyến mãi, quay số dự thưởng. Chi nhánh Ngân hàng VietinBank với chương trình tiết kiệm dự thưởng "Thần tài đón chào - Lộc vào tận cửa" với hàng ngàn giải thưởng hấp dẫn khách hàng. Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long chi nhánh Nghệ An với chương trình "Gửi MHB rinh về tiền tỷ", chỉ cần gửi 10 triệu đồng khách hàng có cơ hội trúng giải đặc biệt 1 tỷ đồng và hàng ngàn giải thưởng hấp dẫn khác.

Còn Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nghệ An triển khai chương trình huy động vốn dân cư với tên gọi "Lộc Xuân may mắn" với hàng ngàn giải thưởng có giá trị lớn. Ngân hàng DaiABank tuy mới khai trương hoạt động Chi nhánh tại Nghệ An nhưng cũng có chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng "Đón lộc đầu năm - Nhân đôi may mắn" dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 5 triệu đồng hoặc 200 USD, với tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng. Và còn nhiều ngân hàng khác với nhiều chương trình khuyến mãi, dự thưởng hấp dẫn... Các sản phẩm huy động vốn của ngân hàng còn được thiết kế theo hướng có nhiều tiện ích nổi trội mang lại nhiều lựa chọn, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho mọi đối tượng khách hàng.

Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng đang diễn ra mãnh liệt, mặc dù bảng biểu lãi suất huy động vốn VNĐ của các ngân hàng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất 14%/năm cho các kỳ hạn.

Năm 2012 được dự báo hoạt động ngân hàng còn nhiều khó khăn hơn năm 2011 do tác động của nền kinh tế đang suy thoái chưa phục hồi, các doanh nghiệp chịu lãi suất cao làm ăn không có hiệu quả, khả năng trả nợ kém, dẫn tới nợ quá hạn ngân hàng gia tăng; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt đầu tư tín dụng, hạn chế tăng trưởng tín dụng...

Những bất lợi đó, cộng với khó khăn trong huy động vốn càng làm cho các tổ chức tín dụng chồng chất áp lực. Trong khi huy động vốn hầu như khách hàng gửi kỳ hạn ngắn: 1 tuần, không kỳ hạn, 1 tháng và 3 tháng. Nhu cầu cho vay vốn thường ở mức trung, dài hạn. Phải có thời hạn nhất định, ngân hàng mới thu hồi được vốn, trong khi huy động ngắn hạn, cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ gặp khó trong thanh khoản. Đặc biệt trong vài năm gần đây, một số ngân hàng đầu tư cho vay bất động sản khá lớn, trong khi thị trường này đóng băng không tiêu thụ được, doanh nghiệp chưa bán được đất, nhà, không có tiền trả nợ ngân hàng, đẩy nợ quá hạn gia tăng.

Năm 2012, thị trường bất động sản dự báo chưa có gì sáng sủa nên vốn tín dụng vẫn còn tiếp tục khó khăn, vốn chưa thể quay vòng được. Một số ngân hàng đã bộc lộ rõ khả năng thiếu thanh khoản, đã dừng cho vay mà vẫn phải huy động vốn. Để thu hút vốn, các ngân hàng tích cực tung ra nhiều hình thức khuyến mãi, quay số dự thưởng như đã nói trên, bên cạnh đó, một số ít có hình thức huy động không đúng với quy định, kín đáo, cộng thêm được sự hậu thuẫn của khách hàng. Do vậy, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chưa phát hiện ra. Vẫn tiềm ẩn nguy cơ các ngân hàng bị cuốn vào cuộc đua cạnh tranh huy động vốn thiếu lành mạnh.


Theo ông Đoàn Mạnh Hà – Phó Giám đốc kiêm Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, cho biết: Trong thời gian qua, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thành lập các tổ giám sát (kể cả đóng vai khách hàng) thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định trần lãi suất huy động tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện tổ chức tín dụng nào vi phạm trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận thông tin dư luận cho biết vẫn có những món huy động kín đáo vượt trần quy định. Trong thời gian tới, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt kẽ, sâu sát hơn và xử lý nghiêm các sai phạm theo thẩm quyền hoặc trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý.


Thiết nghĩ, để các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm minh các chủ trương chính sách về tín dụng của Nhà nước, thì việc tiếp tục duy trì và tăng cường các biện pháp giữ vững kỷ cương, minh bạch trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn là rất cần thiết.


Quỳnh Lan