(Baonghean) - Liên tiếp các vụ trọng án xảy ra ở các làng quê bình thường và những kẻ gây ra các vụ thảm sát cũng đều là những người rất bình thường. Lý lịch sạch tinh, chưa hề có một tiền án, tiền sự, dù nhỏ. Như vụ gây ra cái chết cho 6 người ở Bình Phước, 4 người ở Nghệ An và mới đây nhất là 2 người ở Quảng Trị.
 
Nỗi băn khoăn lớn nhất của bất cứ ai khi biết chuyện là vì sao những thanh niên bình thường hiền lành, ngoan ngoãn mà khi bột phát hành động lại ra tay tàn nhẫn, mất nhân tính đến mức như vậy? Có người cho rằng, quan sát kỹ, sẽ thấy có sợi dây liên hệ rất gần gũi giữa hoàn cảnh của những nghi phạm với kết quả khảo sát mà CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) vừa công bố. Theo đó, nông dân Việt Nam ngày càng nghèo hơn, GDP bình quân đầu người ở nông thôn chỉ hơn Campuchia, năng suất lao động của người Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất thế giới... Sợi dây liên hệ đó chính là cái nghèo. Dĩ nhiên, không hẳn nghèo là đi ăn trộm nhưng một khi mọi kế sinh nhai đều bế tắc, người ta rất dễ hành động sai lầm, kiểu “đói ăn vụng, túng làm càn”. Lý giải nguyên nhân theo hướng đó, không sai nhưng có lẽ là không hoàn toàn chính xác.
images1203941_2_minh_hoa.jpgTranh minh họa
Cách đây hơn 20 năm, cái đói, cái nghèo còn quay quắt, gắt gao hơn bây giờ nhiều. Đói cơm, rách áo là phổ biến. Sinh kế không có gì ngoài mảnh ruộng phần trăm với hai bàn tay trắng. Thế nên, có người cả năm trời không thấy mặt đồng tiền. Còn vàng thì có lẽ chỉ có ở trong chuyện cổ tích. Chuyện trộm cướp tài sản của người khác cũng có nhưng không nhiều như bây giờ. Còn giết người, cướp của thì rất hạn hữu. Nhất là ở vùng thôn quê thì có lẽ là không bao giờ có. Thế nên, không thể đổ hết lỗi cho đói nghèo được. Hơn nữa, trong 3 vụ thảm sát gây rúng động dư luận như đã nói ở trên, chỉ có duy nhất vụ ở Quảng Trị là ra tay đoạt mạng người khác là vì túng quẫn. Còn hai vụ kia đều có nguyên nhân liên quan đến chữ tình. Một vụ là khúc mắc tình ái tuổi trẻ. Một vụ là khúc mắc tình làng nghĩa xóm. Nói thế để thấy, đói nghèo chỉ là một phần của căn nguyên sự việc mà thôi. Còn phần chính là nằm ở chỗ khác.
 
Phần chính đó, có lẽ là do thời thế thay đổi. Trước đây, khi mọi thứ đều do nhà nước bao cấp, suy nghĩ, hành động cũng như những sinh hoạt đời thường của cả xã hội đều tuân theo cơ chế. Từ đó, những ham muốn, những dục vọng của con người cũng chịu sự ràng buộc của thể chế nên không có cơ hội bùng phát được. Tuy vất vả, lam lũ nhưng cuộc sống đồng đều không có khoảng cách. Con người luôn sống gần gũi, chan hòa, cởi mở với nhau. Kể từ khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, con người được tự do, thoải mái thể hiện năng lực cá nhân, tranh đua nhau quyết liệt ở mọi lĩnh vực. Nhất là trong làm kinh tế. Một số người tài giỏi và may mắn bứt phá vươn lên giàu có trở thành tầng lớp trên. Một số thường thường bậc trung. Còn số đông, cuộc sống có khấm khá hơn trước, nhưng so với chung quanh thì là một trời, một vực. Khoảng cách giàu nghèo doãng ra thì tình cảm con người cũng doãng ra theo. Sự cảm thông, sẻ chia, đùm bọc, cưu mang, che chở cho nhau bị thế chỗ bằng sự tức tối, cay cú và cả sự cạnh tranh quyết liệt theo xu thế của thời cuộc.
 
Thương trường như chiến trường, không có chỗ cho những tình cảm ủy mị. Con người ai ai cũng có thể là đối tác và cả đối thủ của nhau. Nên khó có sự sẻ chia tình cảm thuần túy và chân thật như trước đây. Mà tất cả đều quy ra tiền. Ngày trước, ở quê, nhà mổ gà, mổ lợn, thiếu lá chanh, húng quế chạy quanh xóm xin một lúc là được cả rổ. Giờ ra cái chợ chồm hổm đầu xóm, xỉa ra vài nghìn, vẫn có đủ thứ cần, nhưng lại thấy thiêu thiếu cái gì đó. Như là một ánh mắt, một nụ cười tươi và ấm. Người trả tiền người nhận tiền đều lạnh te. Lạnh chẳng khác gì tờ polyme nhiều màu. Con người ta giờ trở nên lạnh lùng, vô cảm với nhau hơn bao giờ hết.
 
Người ta nhìn nhận đánh giá con người qua giá trị của xe cộ, nhà cửa, quần áo, tài khoản, chức quyền, địa vị chứ không phải là tư cách, đạo đức. Con người cô đơn ngay trong làng xóm, cộng đồng của chính mình. Có những chuyện khó nói, những ẩn ức, phiền muộn chẳng thể bày tỏ cùng ai. Tư tưởng bị phong bế không lối thoát, không chỗ giải tỏa tích tụ lại ngày một nhiều lên, dày lên. Đến khi gặp một sự cố gì đó, dù nhỏ là bùng lên, bao nhiêu thứ bí bách, uất ức, tự ti ngưng tụ lâu nay dồn nén lại sẵn dịp xả hết cả ra. Hậu quả là khi tỉnh ra, có lẽ ngay cả thủ phạm cũng không ngờ là lại thảm khốc đến như vậy. Thú tính đã thay chỗ cho nhân tính là vậy thôi. Đó có lẽ mới chính là căn nguyên dẫn đến những thảm án ngoài sức tưởng tượng do những “tội phạm không chuyên” gây ra. 
 
Gốc rễ của tình trạng đó là do những trật tự, những giá trị cũ đã bị phá vỡ. Những trật tự mới, giá trị mới chưa hình thành. Mọi thứ bị đảo lộn và chuyển động hỗn loạn chưa theo một chiều hướng cụ thể nào cả. Thế nên, đừng đổ hết lỗi cho đói nghèo, thiếu thốn. Đó chỉ là một trong số vô vàn nguyên nhân đang rất khó gọi tên.
 
Bụt Sơn