(Baonghean.vn)- Cùng với việc khởi tố bị can đối tượng làm hồ sơ thương binh giả Đặng Hồng Tư, cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án.
Chiều 9/7, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Nghệ An) cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Hồng Tư, sinh năm 1952, hộ khẩu thường trú tại Phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò, hiện trú tại khối Tân Thành 2, phường Lê Mao, thành phố Vinh, Nghệ An về tội “Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 266 Bộ Luật hình sự.
Trước đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, các chiến sĩ phát hiện nhiều hồ sơ, giấy tờ giả mạo để hưởng chế độ thương binh, chất độc da cam. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Nghệ An) đã lập chuyên án mang bí số 615TB do Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm làm trưởng ban. Qua đấu tranh, khai thác, ngày 2/7, lực lượng chức năng ập vào nhà Đặng Hồng Tư, ở Phường Lê Mao. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hàng ngàn bộ hồ sơ và nhiều con dấu giả của các cơ quan, tổ chức. Tổng số hồ sơ, tài liệu lực lượng công an thu giữ lên đến khoảng 70kg.
Trong số này, có rất nhiều bộ hồ sơ đã được hoàn thiện với đầy đủ các loại chữ ký và con dấu giả mạo của các cơ quan quân đội, hội đồng giám định y khoa... Bước đầu, cơ quan công an, xác định đây là tài liệu giả, bao gồm con dấu, chữ ký giả; phần phiên hiệu, số đơn vị quân đội, phần xác nhận của các cơ quan liên quan đang để trống.
Đại tá Thiêm cho biết, ngoài việc khởi tố Đặng Hồng Tư, cơ quan công an sẽ mở rộng điều tra vụ án, làm rõ thêm các đối tượng liên quan trong đường dây này. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng điều tra đối với những hồ sơ đang hưởng chế độ chất độc da cam, thương binh có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả mạo.
Điều 266 Bộ luật hình sự quy định: 1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: A) Có tổ chức; B) Phạm tội nhiều lần; C) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Nguyên Khoa