Nằm trên tuyến đường du lịch sinh thái nối Quốc lộ 1A xuống vùng du lịch biển Quỳnh và có các tuyến giao thông liên xã chạy qua, nên Quỳnh Yên được đánh giá khá thuận lợi về giao thương, đi lại, nhưng vì là xã thuần nông, nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, trong đó nghề chính là trồng lúa và làm muối, nên đời sống kinh tế của xã gặp nhiều khó khăn; trong khi Quỳnh Yên còn là xã vùng đặc thù (5/12 xóm và 60% dân số là giáo dân).
Thời điểm bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã mới đạt 5/19 tiêu chí. Cùng đó, các hạng mục thiết yếu như điện, đường, trường và nhất là thiết chế văn hóa thể thao xã, xóm trong một thời gian dài không có nguồn đầu tư nên khá bất cập...
Một góc xã nông thôn mới Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải
Xác định xây dựng NTM là cơ hội tốt để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và có điều kiện cải thiện thu nhập người dân, nên không thể không cố gắng.
"Sau khi tiếp thu chủ trương về xây dựng NTM, xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình NTM từ xã đến xóm, Quỳnh Yên bắt tay ngay vào khảo sát thực trạng để xây dựng đề án, kế hoạch và lộ trình báo cáo BCH Đảng bộ và trình HĐND xã thông qua. Sau khi xây dựng, chỉnh trang lại quy hoạch chi tiết theo chuẩn mới, xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, chọn tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau. Quỳnh Yên chủ động chọn tiêu chí giao thông thực hiện trước, để vừa nâng cấp hạ tầng nhưng cũng làm cho người dân thấy được lợi ích của xây dựng NTM, qua đó khích lệ các xóm, không phân biệt xóm giáo hay lương, tất cả cùng vào cuộc".
Bà Bùi Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Yên
Sau hơn 6 năm, cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh và đầu tư lồng ghép từ các dự án của con em xa quê, Quỳnh Yên huy động được trên 39 tỷ đồng để làm mới bằng bê tông 15,6 km (100%) đường trục liên xã; cứng hóa 7/7 km đường liên xóm, 100% đường nội xóm và 84% đường nội đồng.
Để đảm bảo nước tưới cho 86% diện tích lúa, xã Quỳnh Yên lồng ghép và đầu tư gần 14 tỷ đồng để nâng cấp kiên cố 32,75 km kênh thủy lợi N2, hệ thống kênh cấp 3 và hệ thống kênh tiêu nối với các kênh chính trên địa bàn, tình trạng hạn cục bộ giảm hẳn, năng suất lúa ngày càng cao.
Phụ nữ xóm 4, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) phục hồi nghề mây tre đan. Ảnh: Nguyễn Hải
Là xã vùng đặc thù, dân số đông, luôn trong tình trạng thiếu phòng học và con em phải “học tạm, lớp mượn”, nên cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu, Quỳnh Yên tập trung đầu tư khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế và văn hóa...
Thực hiện tiêu chí trên, sau khi thống nhất chủ trương, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã triển khai đề án, kế hoạch huy động nguồn lực xây dựng để các trường học và Trạm y tế sớm đạt chuẩn quốc gia. Nhờ được đầu tư có trọng điểm và tranh thủ hiệu quả vốn ngoại lực liên tục trong 2 năm học từ 2013 - 2014, nên các trường tiểu học và THCS của xã đã đạt chuẩn quốc gia. Cùng lúc, năm 2013, xã cũng đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Cuối năm 2017, trường mầm non của xã cũng được công nhận đạt chuẩn.
Như thế, trong 6 năm bắt tay vào xây dựng NTM, dù là xã nghèo nhưng Quỳnh Yên đã nỗ lực để đầu tư gần 35 tỷ đồng cho cơ sở vật chất giáo dục và y tế. Ngoài ra, được sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh và huyện, Quỳnh Yên đã hoàn thành việc nâng cấp thiết chế thể thao, văn hóa tại trung tâm xã và các xóm; xây dựng Nhà máy nước, đưa nước sạch về cho 65% hộ dân và nước hợp vệ sinh cho 98% hộ. Đến nay, xã có 9/12 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa, 3/5 xóm giáo có nhà văn hóa. Huy động nguồn lực nâng cấp thiết chế văn hóa thể thao xã, vận động các đoàn thể và bà con nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường…
Cổng làng xã Quỳnh Yên. Ảnh: Nguyễn Hải
Nhằm nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân, xã Quỳnh Yên còn đầu tư gần 8 tỷ đồng nâng cấp chợ thương mại Đồng Quát để bà con có điều kiện kinh doanh; chuyển đổi, thành lập HTX diêm nghiệp và 2 HTX nông nghiệp để bao tiêu muối và cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho bà con; tạo điều kiện và động viên bà con du nhập nghề phụ, mở rộng dịch vụ, xuất khẩu lao động và làm ăn xa…
Hiện bình quân thu nhập của người dân tăng từ 15 triệu đồng (năm 2012) lên 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,89%.
"Bên cạnh nỗ lực của hệ thống chính trị, của người dân và con em xa quê thì địa phương may mắn khi được sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì Quỳnh Yên là 1 trong 3 xã của cả nước được thí điểm hỗ trợ. Trong tổng kinh phí 240 tỷ đồng mà xã Quỳnh Yên huy động xây dựng NTM, nguồn lực ngân sách đầu tư lồng ghép khá lớn với 138 tỷ đồng. Người dân đóng góp 16 tỷ đồng; số còn lại là do con em xa quê đầu tư và hỗ trợ tín dụng".
Ông Hồ Đức Luyện - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên
Hôm nay về Quỳnh Yên không chỉ được chứng kiến cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp khang trang, mà các biểu tượng về văn hóa làng đang được phục hồi khi con em xã tài trợ hàng tỷ đồng để xây dựng lại cổng làng; bà con hiến đất mở đường, cùng nhau trồng, chăm sóc hoa, cây xanh ven đường vào xã. Đây là nguồn động viên to lớn để hệ thống chính trị xã tiếp tục nỗ lực và quyết tâm phấn đấu hơn.
Ngày đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM cũng đúng vào dịp làng Thượng Yên vừa tròn 585 năm hình thành và 65 năm thành lập xã, nên niềm vui của người dân Quỳnh Yên như được nhân đôi.
Tin rằng với tinh thần đoàn kết hướng về xây dựng quê hương, các thế hệ người Quỳnh Yên sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cùng cấp ủy chính quyền xã giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, xây dựng làng Thượng Yên xưa và xã Quỳnh Yên nay ngày càng giàu đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa.