(Baonghean) - Thời gian gần đây, “Start up - Khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều hơn trong giới trẻ. Nhu cầu làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên gia tăng mạnh mẽ; khát khao lập thân, lập nghiệp, làm giàu bằng sức lực, tri thức đã và đang thôi thúc nhiều thanh niên bắt tay vào quá trình hiện thực hóa ước mơ của mình. 
 
Khát vọng khởi nghiệp 
 
Tự tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đầu tư máy hiện đại vào sản xuất, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu chè tại địa phương, anh Lê Ngọc Phúc (xã Thanh Thịnh - huyện Thanh Chương) đã thành công với cơ sở sản xuất chè búp xuất khẩu, đạt doanh thu 4 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh là một trong những điển hình thanh niên Nghệ An được đề nghị tặng Giải thưởng Lương Định Của. 
 
 
images1799164_1a.jpgLãnh đạo tỉnh, Tỉnh đoàn nhấn nút phát động chương trình "Thanh niên Nghệ An khởi nghiệp". Ảnh: Thành Duy
Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay, Lê Ngọc Phúc đã từng mất rất nhiều thời gian tìm cho mình con đường khởi nghiệp. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chàng trai trẻ loay hoay giữa hàng loạt hướng đi. Dù vậy, khát khao lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương vẫn luôn là động lực thôi thúc anh tìm mọi cách vươn lên.
 
Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng để mua trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng tiến tới sản xuất chè búp với số lượng lớn. Bên cạnh chú trọng chất lượng, Phúc tập trung mở rộng thị trường. Cho đến nay, vượt qua mọi khó khăn bước đầu, anh đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh với quy mô nhà xưởng gần 3.000 m2, mỗi ngày chế biến và tiêu thụ 20 tấn chè búp tươi...
 
Những năm qua, nhiều thanh niên xứ Nghệ nuôi chí hiện thực hóa giấc mơ lập nghiệp. Từ năm 2005 đến nay, Nghệ An có hơn 70 mô hình thanh niên được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của. Tuy nhiên, so với số lượng thanh niên đông đảo trên địa bàn tỉnh, con số đó vẫn còn chiếm tỷ lệ rất ít. 
 
Tại Kỳ Sơn - địa bàn rẻo cao ở miền Tây xứ Nghệ có tới 4.598 đoàn viên, thanh niên nhưng đời sống kinh tế của họ gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Chu Quang Huy - Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho rằng: Mặc dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, nhưng dường như những nỗ lực của các cấp, các ngành vẫn chưa thể khơi dậy mạnh mẽ sự đột phá trong ý tưởng khởi nghiệp của đại đa số đoàn viên, thanh niên ở đây. Phần lớn thanh niên ở Kỳ Sơn là người dân tộc thiểu số. Không chỉ khó khăn về nguồn vốn, nhiều thanh niên còn “đói” kiến thức làm kinh tế, khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. 
 
Cũng như ở Kỳ Sơn, có một hướng đi lập nghiệp bền vững vẫn đang là nhu cầu cấp thiết của đại đa số thanh niên ở Đô Lương. Ngay tại thời điểm năm 2001, Đô Lương đã xây dựng thành công quỹ Thanh niên lập nghiệp với số tiền hơn 500 triệu đồng để hỗ trợ cho 138 mô hình làm kinh tế vừa và nhỏ.
 
Tuy nhiên, các mô hình chủ yếu tự tìm tòi, tự vận động, chưa có một tổ chức đầu mối để gắn kết các mô hình với nhau. Đến năm 2014, CLB Thanh niên lập nghiệp huyện Đô Lương chính thức ra đời; trở thành điểm tựa để thanh niên có ý chí, nghị lực, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 
 
Đồng chí Nguyễn Đức Lương - Bí thư Huyện đoàn Đô Lương chia sẻ: “Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng hoạt động của CLB chưa thể đáp ứng nhu cầu hỗ trợ lập nghiệp của đông đảo thanh niên trên địa bàn. Một trong những nguyên nhân là do nguồn kinh phí hạn chế, trong khi việc khai thác các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn”. 
 
“Tiếp lửa” cho thanh niên 
 
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên, đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho rằng: “Đối với thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Nghệ An nói riêng, việc tự tạo cho mình một cơ hội khởi nghiệp là rất khó. Có chăng chỉ dừng lại ở những cá nhân đã có nền tảng, nguồn lực sẵn có từ gia đình, còn đối với những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn, có thể có những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhưng thực hiện được ý tưởng đó lại đang là vấn đề nan giải”. 
 
 
Thành viên CLB thanh niên phát triển kinh tế Anh Sơn tham quan mô hình trồng rau sạch ở xã Hoa Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Hoài Thu
 
Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cũng cho biết, thời gian qua đã có nhiều giải pháp, hình thức triển khai, đầu tư, hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên như: tuyên truyền tư vấn, định hướng nghề nghiệp; phối hợp với các cấp, ngành tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho thanh niên; xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát huy hiệu quả các mô hình tổng đội thanh niên xung phong; hỗ trợ các nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số vốn hơn 4,2 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ Thanh niên lập nghiệp với 1,7 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với 844 tỷ đồng,... Tuy nhiên, so với lực lượng thanh niên đông đảo trên địa bàn, đó mới chỉ được coi là sự khích lệ, động viên chứ chưa trở thành bệ đỡ vững chắc để thanh niên lập nghiệp. 
 
Trước tình hình đó, tháng 12/2016, Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai Đề án Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có một số nội dung trọng tâm như tổ chức cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp; kết nối các nguồn vốn, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp ủng hộ vốn cho thanh niên khởi nghiệp; phát triển Quỹ Hỗ trợ Thanh niên lập nghiệp tỉnh để hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cho thanh niên;... 3 nhóm đối tượng chính mà Tỉnh đoàn Nghệ An hướng đến là sinh viên các cơ sở giáo dục; thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp và doanh nhân trẻ, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh.
 
“Hiện nay, quy mô không bằng tốc độ, kinh nghiệm không bằng tư duy - đó là điều kiện để tuổi trẻ thành công” - lời phát biểu đó của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại tại Lễ phát động chương trình “Thanh niên Nghệ An khởi nghiệp” chính là lời nhắn nhủ, khích lệ thanh niên tỉnh nhà trên con đường phát triển kinh tế. Giá trị của khởi nghiệp không chỉ ở thành công về mặt tài chính mà còn ở những hoạt động đóng góp cho xã hội mang tính nhân văn và là trải nghiệm quý cho chính tầng lớp thanh niên.
 
Nghệ An có gần 1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm 30% dân số của tỉnh. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ có việc làm và việc làm ổn định chỉ đạt khoảng 60%. Số sinh viên ra trường chưa có việc làm hiện khoảng 20.000 người, trong khi đó, mỗi năm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn đào tạo từ 19.000 - 20.000 sinh viên. Trước thực trạng và nhu cầu đó, việc giải quyết bài toán việc làm cũng như định hướng, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp trở thành vấn đề cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm của tổ chức Đoàn các cấp.
 
Thảo Phương