Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL đồng chủ trì tại điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có sự tham dự của các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Nghệ An, đại biểu trí thức, văn nghệ sỹ. Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 26 điểm cầu cấp huyện (tương đương), 364 điểm cầu cấp cơ sở với gần 6.900 đại biểu tham dự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau nghe phát biểu chỉ đạo, định hướng của đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH - TT&DL trình bày chuyên đề về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Một số đại biểu đã tham luận với các chủ đề như: “Tìm hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay”; “Để Văn hóa, Văn nghệ “Soi đường cho quốc dân đi”; “Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới: Từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động”;…
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, giới văn nghệ sỹ mà đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân đều trông đợi hội nghị lần này để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những gì đã đạt được cũng rất to lớn trong những năm vừa qua, nhưng đặc biệt là nhìn thẳng vào bất cập, thiếu sót để thống nhất nhận thức, quan điểm, hành động nhằm chấn hưng văn hóa như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Chấn hưng không phải làm một cái gì khác đi. Chấn hưng là làm cho nó sáng hơn, phát triển hơn”, Phó Thủ tướng nói và mong sau hội nghị này, không chỉ những người làm công tác văn hóa mà toàn xã hội, tất cả người dân Việt Nam dù làm gì, ở đâu, dân tộc nào, tín ngưỡng tôn giáo nào, đang ở trong nước hay nước ngoài đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để cho văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, để cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.
Phó Thủ tướng cũng mong rằng, tinh thần không chỉ nằm ở trong không khí hội nghị hôm nay, hay một vài ngày sau hội nghị mà từ nay về sau sẽ thường xuyên được nhắc lại, được cập nhật.
Nhấn mạnh văn hóa có rất nhiều nội dung, nhiều việc phải làm liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ một vài nội dung nêu một có tính gợi mở để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, mà trước hết vô cùng quan trọng cần nhận thức triệt để về vai trò của văn hóa, như Tổng Bí thư đã phát biểu chỉ đạo hội nghị là “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Theo Phó Thủ tướng, trước đây khái niệm phát triển bền vững bao gồm không hy sinh về môi trường và chú ý đến công bằng xã hội; nhưng hiện nay khái niệm phát triển bền vững được nhìn nhận bao hàm cả môi trường, văn hóa - xã hội.
“Nếu đất nước chỉ tập trung vào kinh tế không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất thành quả của nhiều chục năm mới khắc phục được các vấn đề về môi trường, nhưng xa hơn đã chú ý đến môi trường mà không chú ý đến văn hóa - xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được”, Phó Thủ tướng phân tích.
Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, không vì những tồn tại mà quên thành tựu đạt được của mấy chục năm vừa qua, của nhiệm kỳ vừa qua, và của năm qua, nhưng cũng cần cầu thị nhìn nhận những bất cập, tồn tại để có giải pháp thật thuyết phục nhằm chấn hưng văn hóa.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xây dựng quan điểm, mục tiêu, phân công các đề án rất rõ và theo đồng chí Vũ Đức Đam khi thực hiện chiến lược này phải góp phần khơi dậy khát vọng, thôi thúc tạo xung lực phát huy toàn bộ sức mạnh, sáng tạo của toàn dân để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nhằm chống tụt hậu.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của hội nhập để tiếp thu văn minh của nhân loại song phải không mất gốc; đồng thời một mặt chống lai căng, mặt khác có nhiều những lề thói mà có thể gọi là biểu hiện về văn hóa đã không phù hợp cần phải cầu thị, mạnh dạn thay đổi.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, phải có môi trường cổ vũ cho sáng tạo, cái mới không chỉ cho giới văn nghệ sỹ mà cho toàn dân, toàn xã hội; tôn trọng cái khác, thậm chí là khác biệt, miễn cái khác biệt không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước. Vì một khi tạo được môi trường cho mọi tài năng của con người dù là văn nghệ sỹ hay là người nông dân… được phát huy, tôn vinh cái mới thì chắc chắn sẽ đi được nhanh hơn, làm được những điều mà trong điều kiện bình thường không làm được.
“Đã nói đến văn hóa là nói đến con người, đã nói đến con người đầu tiên phải nói đến giáo dục, do đó phải cùng nhau thực hiện được đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trên tinh thần rất cầu thị và rất kiên trì”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý về vai trò xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong quá trình chấn hưng văn hóa.
Cùng với đó là xây dựng và phát huy văn hóa nêu gương không chỉ trong cán bộ, đảng viên mà cả Nhân dân. “Trời có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người”, Phó Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về tính nêu gương, bên cạnh trong toàn Đảng làm gương từ trên xuống, đồng chí Vũ Đức Đam đề nghị đối với cán bộ làm công tác văn hóa, dù con người không ai là toàn diện, song cũng cần cố gắng phấn đấu làm gương từ trong ra, thành những tấm gương về văn hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn tất cả các cấp, các ngành bằng những hành động rất cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian, nhiều nguồn lực hơn; hãy lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu về văn hóa và những người hoạt động trực tiếp về văn hóa có kinh nghiệm trước khi đưa ra quyết định của mình, cho dù quyết định ấy không trực tiếp về văn hóa, vì văn hóa luôn biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống và nằm trong mọi quyết định của các cấp lãnh đạo.
Đồng chí cũng đề nghị tất cả các tổ chức hội về văn hóa, nghệ thuật hãy cùng nhau và cùng với Bộ VH - TT&DL sau hội nghị này có nhiều hoạt động, các chương trình thật thiết thực, thật chắc chắn, từng bước một.
“Mong tất cả chúng ta sẽ lan tỏa tinh thần, đề cao giá trị truyền thống dân tộc của người Việt Nam. Chúng ta khiêm tốn song chúng ta cũng phải bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và chúng ta tin sẽ có thể xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh vì hạnh phúc của Nhân dân và nền văn hóa (văn hiến) của Việt Nam sẽ bừng sáng, hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.