Các đại biểu được nghe Tiến sỹ Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói chuyện chuyên đề về những đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, một số tác động của cuộc cách mạng này đến kinh tế - xã hội của Việt Nam và việc triển khai ứng dụng vào thực tiễn lãnh đạo quản lý, tổ chức thực hiện.
Về đặc điểm của cuộc cách mạng, TS. Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, CMCN 4.0 bắt đầu từ năm 2000, có quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, tập trung vào số hóa, kết hợp hệ thống thực và hệ thống ảo khiến ranh giới giữa ngành dịch vụ với nông nghiệp và công nghiệp bị thu hẹp.
Các đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực tương tác thúc đẩy lẫn nhau như công nghệ thông tin, công nghệ nano... Những điều đó tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại trên các lĩnh vực tiêu dùng, sản xuất và giá cả.
Trước CMCN 4.0, Việt Nam phát triển nhờ vào lợi thế về địa kinh tế (điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á) và nguồn lực lao động tương đối trẻ, dồi dào, tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành một công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, CMCN 4.0 tạo ra cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển nhưng nếu ngược lại, Việt Nam sẽ bị tụt lại xa hơn.
Theo ông Lê Doãn Hợp, Việt Nam cũng như các địa phương nói riêng cần tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện liên quan đến CMCN 4.0.
Đây là những điều không mới nhưng lần đầu tiên được hệ thống lại một cách lô gích, khoa học, cùng với các liên hệ thực tiễn sinh động đã giúp đội ngũ cán bộ cốt cán của huyện Thanh Chương hiểu thêm về giai đoạn công nghiệp 4.0 và trách nhiệm của mình trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế công tác, góp phần vào sự phát triển chung./.