(Baonghean) - Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc vàng” Báo Nghệ An năm 2014 đã bước sang mùa giải thứ III từ sáng kiến của Ban Biên tập báo Nghệ An phối hợp với Câu lạc bộ ảnh báo chí Hội Nhà báo Nghệ An.
Cuộc thi nhằm nâng cao chất lượng ảnh báo chí trên báo Nghệ An, tác phẩm tham gia giải chính là những khoảnh khắc đáng nhớ của các nhà báo chuyên nghiệp và những người cầm máy yêu thích ảnh báo chí tìm tòi, ghi lại những bức ảnh thời sự, những khoảnh khắc “đắt giá” nhất, phục vụ đắc lực cho việc tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; những điển hình, nhân tố mới, đất nước, con người, đời sống xã hội của tỉnh nhà, đáp ứng nhu cầu ảnh thời sự trên báo, đồng thời để lại những ấn tượng sâu sắc trong độc giả đối với Báo Nghệ An.
Ban Biên tập Báo Nghệ An và Ban Tổ chức giải đã rút được nhiều kinh nghiệm trong cuộc thi của hai năm (2012 và 2013) nên cuộc thi năm 2014 này có nhiều nét nổi trội như: Phát động sớm, số lượng tác giả tham gia và tác phẩm gửi về dự thi nhiều. Đến ngày 15/10/2014, Ban Biên tập đã nhận được 1.023 tác phẩm của 71 tác giả, bao gồm ảnh đơn, chùm ảnh, phóng sự ảnh (trong đó phóng viên trong cơ quan Báo Nghệ An có 18 tác giả dự thi, chiếm 25,3% số lượng tác giả tham gia gửi ảnh dự thi). Nhiều tác phẩm đã được Ban Biên tập chọn đăng tải trên báo Nghệ An hàng ngày và Nghệ An cuối tuần từ đầu năm 2014 đến nay. Điều đáng mừng là cuộc thi được hưởng ứng rất tích cực, có 10 tác giả đã gửi từ 30 tác phẩm đến 90 tác phẩm, 18 tác giả gửi từ 7 tác phẩm trở lên. Điển hình như các tác giả: Triều Dương gửi 90 tác phẩm, Phan Văn Toàn 86 tác phẩm, Cao Đình Đông 67 tác phẩm, Lê Tường Hiếu 62 tác phẩm, Trường Sinh 52 tác phẩm, Trần Lan Anh 49 tác phẩm, Hồ Phương 45 tác phẩm, Trần Cảnh Yên 43 tác phẩm, Trần Tố 40 tác phẩm, Nguyên Sơn 30 tác phẩm.
Chủ đề của cuộc thi năm nay phản ánh khá phong phú, đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống; địa bàn tác nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh, có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nhiều vấn đề nóng. Đề tài nổi trội nhất của tác phẩm gửi về năm nay là về LLVT, biển, đảo và khai thác tiềm năng kinh tế biển, miền núi dân tộc, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông… Về góc độ nghệ thuật có nhiều phong cách chụp và bố cục mới, lạ… thể hiện sự trăn trở của các tác giả trước mỗi khoảnh khắc bấm máy. Tiêu biểu các tác phẩm “Chạy mưa trên đồng muối” của tác giả Hồ Các, “Vó Ruốc” của tác giả Trần Cảnh Yên, “Giờ học thực hành của các cháu lớp năng khiếu Mỹ thuật, Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức” của tác giả Quang Dũng, “Đối mặt” tác giả Cao Đình Đông, “Gặt lúa hè thu ở Hưng Đạo” tác giải Phan Văn Toàn, “Nghệ sỹ Đình Tân với cây đàn vĩ cầm” tác giả Cảnh Yên, “Phụ nữ bản Tùng Hương (Tương Dương) đi xúc cá ban đêm” của tác giả Hồ Phương…
Tuy vậy, nhìn chung chất lượng tác phẩm ảnh tham gia dự thi còn nhiều điều phải bàn. Chúng ta biết rằng, ảnh báo chí là một loại hình báo chí có chức năng phản ánh, mang tính thời sự cao, cung cấp thông tin mới, sự việc mới một cách độc lập, có nội dung, tư tưởng rõ ràng, giá trị lịch sử sâu sắc; có vai trò trong việc ngợi ca con người mới với những hình ảnh, cử chỉ đẹp, điển hình và phê phán những thiếu sót, những tiêu cực trong xã hội qua “khoảnh khắc”. Vì vậy, tác phẩm ảnh phải phản ánh một cách trung thực, nhà nhiếp ảnh phải là người trung thực, không được bày đặt, tô vẽ và bố trí giả tạo hoặc sử dụng công nghệ photoshop, làm sai lệch khoảnh khắc sự kiện. Điều này, đòi hỏi người cầm máy phải trung thực phản ánh khoảnh khắc; đồng thời, khi tuyển chọn đăng tải, biên tập viên phải xem xét kỹ tính thông tấn, nội dung thông điệp mà mình chuyển đến cho bạn đọc qua bức ảnh, chùm ảnh.
Qua chấm giải, Ban Giám khảo thấy có một số hạn chế đó là: Đề tài phản ánh tuy đa dạng, phong phú, nhưng còn hạn chế về đề tài công nghiệp, nông nghiệp (trong khi biển đảo chiếm một tỷ lệ lớn). Nhiều ảnh, bộ ảnh, phóng sự ảnh không rõ về chủ đề, bố cục thiếu chặt chẽ, không thể hiện được nhân vật chính, bối cảnh xảy ra sự kiện, có một số tác phẩm tác giả đã sử dụng thủ pháp kỹ thuật số làm sai lệch đối tượng phản ánh. Chúng ta biết rằng, chủ đề của một tác phẩm ảnh là đối tượng chính của ảnh, đối tượng chính có thể là người, việc, vật và cảnh vật. Không có chủ đề thì không có tấm ảnh tốt. Phần lớn tác phẩm ảnh chưa gây được ấn tượng sâu sắc cho độc giả, có nghĩa là chưa có “khoảnh khắc vàng”. Phải chớp được hình ảnh chân thực đó, càng sinh động, càng rõ nét càng tốt; đồng thời, phải thể hiện được nơi diễn ra sự kiện, không biết bức ảnh này chụp ở đâu thì không thuyết phục được người xem, vì tác phẩm khoảnh khắc vàng ảnh được đăng trên báo chí, tính thông tấn phải cao.
Vấn đề chú thích ảnh cũng còn rất tùy tiện như chú thích sai, không sát chủ đề, rút tít tùy tiện, hoặc gửi ảnh không có chú thích, chú thích ảnh chung chung. Số lượng ảnh trong bộ ảnh hay phóng sự ảnh được tác giả đưa ra quá nhiều, không đại diện (có bộ trên 10 ảnh) các ảnh không điển hình, trình tự sắp xếp các ảnh không lô-gic. Chùm ảnh, phóng sự ảnh không có sự liên kết cốt chuyện, sự kiện với nhau. Và cuối cùng cũng phải nhắc đến đó là: tính thông tin cập nhật, thông tấn của phản ánh các sự kiện quan trọng, nóng bỏng không được tập trung chú ý. Có tác giả gửi tham gia rất nhiều tác phẩm ảnh, nhưng không có sự kiện mới, có nghĩa là “không có khoảnh khắc ấn tượng”, nhân vật trong ảnh không có thần, không biểu đạt được khoảnh khắc, đôi khi nhìn ảnh có vẻ gượng ép, dàn dựng.
Kết quả của cuộc thi “Khoảnh khắc Vàng” Báo Nghệ An năm 2014, ban Tổ chức đã tuyển chọn 53 tác phẩm tiêu biểu vào vòng chung khảo, chào mừng kỷ niệm 53 năm ngày Báo Nghệ An ra số đầu, đồng thời chung khảo chọn ra tác phẩm xuất sắc để trao giải. Năm 2015, là năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quê hương, năm thi đua lập thành tích trên các lĩnh vực chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, là đề tài bất tận của báo chí, trong đó có ảnh báo chí. Qua kết quả cuộc thi năm nay, hy vọng Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Vàng” Báo Nghệ An lần thứ IV năm 2015 sẽ thành công rực rỡ hơn, tạo vị thế xứng đáng của ảnh báo chí trên báo Nghệ An, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của báo chí trong sự nghiệp đổi mới.
Trần Duy Ngoãn