(Baonghean) - Một ngày đầu hè, chúng tôi theo chân các đại biểu Đoàn Khối Các Cơ Quan Tỉnh Nghệ An ra thăm, tặng quà và giao lưu văn hóa- văn nghệ với các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Đảo Mắt. Tạm biệt Thị xã Cửa Lò đang sôi động vào mùa du lịch, chiếc tàu rúc lên một hồi còi và rời cầu cảng thẳng tiến ra khơi. Trong ánh nắng chiều vàng như rót mật, Hòn Mắt hiện rõ dần với màu xanh thẫm giữa biển cả bao la...


Trời yên, biển lặng nên hải trình chỉ kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Tàu cập cầu cảng, cán bộ, chiến sỹ Đảo Mắt đã xếp thành hàng ngũ chỉnh tề để chào đón những vị khách đến từ đất liền. Những cái nắm tay thật chặt, những nụ cười thân ái và thắm thiết tình quân dân. Lần thứ hai ra Hòn Mắt, chúng tôi vẫn quyết tâm dành thời gian dạo quanh đảo để thăm thú cảnh vật. Thấm mệt, ai nấy vẫn cố gắng leo lên cao điểm 218. Nắng chiều như một tấm thảm vàng óng phủ lên khắp không gian. Trời cao xanh và lồng lộng gió. Biển xanh dương đang cuộn sóng vào bờ. Xa xa, những con tàu của ngư dân đang hối hả lướt sóng và thả lưới, buông câu. Trên nóc tàu lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay.


775476_small_74097.jpg

                                         Đường lên Đảo Mắt.

Ở vị trí tiền tiêu, hòn đảo này là "con mắt" của biển, canh giữ vùng trời, vùng biển và cả đất liền của quê Nghệ nói riêng, và toàn bộ Khu Bốn nói chung. Thời chiến tranh, Đảo Mắt là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Và để bảo vệ vị trí chiến lược này, hàng chục chiến sỹ đã ngã xuống, tên tuổi của họ luôn sống mãi với các thế hệ đồng chí, đồng đội trên hòn đảo thân yêu này. Ngày nay, ở vị trí tiền tiêu này, những chiến sỹ của Tiểu đoàn Đảo Mắt không một phút giây lơi là cảnh giác. Đại úy Đinh Xuân Lâm, Tiểu đoàn trưởng tâm sự: "Chúng tôi luôn quyết tâm đảm bảo cơ động, sẵn sàng chiến đấu. Vì phía sau là đất liền, là quê hương, chung quanh là biển trời của Tổ quốc".

Từ Hòn Mắt dõi về đất liền, chúng tôi chợt nhớ lời một người chuyên nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ. Ông cho rằng, ngoài ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, hòn đảo này còn là "mắt thiêng" của cả một vùng đất. Ở vị trí trung tâm của Hòn Mắt, vạch một đường trực chiếu về đất liền theo hướng Tây khoảng 50 km sẽ gặp núi Thiên Nhẫn.

Do đó, vùng đất Nam Đàn, Hưng Nguyên và Thanh Chương này đã sản sinh biết bao nhân tài làm rạng danh cho quê hương, đất nước như Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh... Cũng ở vị trí này, vạch một đường hình cánh cung chạy 50 km theo hướng Tây Bắc, chính là vùng đất Quỳnh Lưu, Diễn Châu, nơi cũng sản sinh ra không ít nhân tài. Vạch một đường hình cánh cung theo hướng Tây Nam khoảng 50 km chính là vùng đất Cẩm Xuyên, Đức Thọ và Nghi Xuân (Hà Tĩnh), một vùng quê cũng được xem là nhân kiệt, địa linh...


Ấn tượng lớn nhất mỗi lần ra Hòn Mắt, là sự sống trên hòn đảo tiền tiêu này. Cấu tạo địa chất của đảo gần như hoàn toàn là đá. Những hòn đá gối chồng lên nhau tựa như trầm tích và thang bậc lịch sử.

Thế nhưng, Hòn Mắt vẫn được bao phủ bởi một thảm thực vật khá phong phú. Ở đây có loài sung đảo được xem là biểu tượng. Sung mọc lên từ những kẽ đá. Thân cây sung không cao lớn như sung ở đất liền nhưng lại hết sức rắn rỏi và vững chắc. Quả sung cũng nhỏ hơn so với ở đất liền nhưng có hương vị mặn mòi của biển cả vị ngọt của những thớ đất ít ỏi trên đảo đá. Cùng với loài sung, cây đa cũng mọc khá nhiều. Những cây đa cổ thụ rễ bện chặt và ôm riết lấy từng khối đá tựa như tinh thần và sức mạnh của những người lính đảo quanh năm đối mặt với sóng gió. Ở đây, nhà cửa, doanh trại được xây dựng trên đá. Những thửa rau mơn mởn được trồng trên những phiến đá. Từng đàn lợn kiếm ăn trên núi đá... Tất cả đều góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt trên đảo đá quanh năm thiếu nguồn nước ngọt.


Tôi thích những khoảnh khắc ban đêm trên Hòn Mắt. Làn gió mát rượi, sóng biển rì rào, không khí trong lành, tinh khiết. Quanh đảo, vô số ánh đèn sáng rực, lung linh tỏa ra từ những chiếc tàu đánh cá của ngư dân giống như một thành phố nổi. Cảnh vật rất đỗi thanh bình...


Công Kiên