Huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc...
Tượng đài Bác Hồ ở đảo Cô Tô
"Ôi Bác Hồ ơi nhớ Bác nhiều, nước non ơn Bác biết bao nhiêu/ Tháng năm ngày hạ mùa sen nở/ nhắc nhở cháu con những sớm chiều”. Nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp hè về vùng đảo Cô Tô lại tấp nập khách ghé thăm. Khi đến với hòn đảo nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc này, không ai không ghé thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đây là tượng đài đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho phép dựng lúc Người còn sống.
Huyện đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Ngày 9-5-1961, Bác đã tới thăm nhân dân các dân tộc trên đảo Cô Tô. Yêu kính Bác, người dân nơi đây đã xin dựng tượng Người để ngày ngày được ở bên Bác.
Và đầu năm 1968, tượng đài Bác Hồ đã được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. Tượng được làm bằng chất liệu thạch cao, Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, tay phải giơ lên cao vẫy chào như hình ảnh Người đang tươi cười vẫy chào nhân dân khi tới thăm Cô Tô. Tượng cao 1,8m (cả bệ là 4 m). Công trình được khánh thành ngày 22-5-1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Tháng 6-1976 bức tượng bán thân được thay bằng bức tượng toàn thân với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m nằm cách bờ biển 100m. Tượng đài Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông bao la như che chở cho đất và người nơi đây. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, bức tượng Bác bằng bê tông đã được thay thế bằng chất liệu đá Granit.
Giờ đây, tượng Hồ Chủ Tịch ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng Bác đẹp nhất vùng Đông Bắc. Đến thăm Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ Tịch trên đảo Cô Tô ngoài tượng đài Bác Hồ, du khách còn có thể tham quan nhiều địa danh ghi dấu chân Người như: Khu nhà lưu niệm - nơi Bác Hồ đã gặp gỡ cán bộ, nhân dân Cô Tô, cánh đồng muối nơi Bác đến thăm, bờ ruộng khoai nơi Bác đến xem bới khoai và dừng lại trò chuyện cùng bà con. Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô là một trong những di tích đặc biệt quan trọng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử số 985 QĐ/VH, ngày 7-5-1997.
Năm 2005, cán bộ chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện Cô Tô đã xây dựng ngôi đền thờ Bác. Năm 2010, khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô đã được đầu tư tôn tạo, mở rộng với tổng diện tích được mở rộng từ 6.500m2 lên trên 62.500m2 gồm các hạng mục: Khu khuôn viên tượng đài và đền thờ Bác Hồ, ao cá Bác Hồ, hệ thống hồ điều hoà cùng nhiều hạng mục khác... Công trình có tổng kinh phí trên 39 tỷ đồng được trích từ ngân sách Trung ương, ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô và từ các nguồn huy động khác.
Ngày nay, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng luôn nhắc nhiều đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đảo Cô Tô nằm vững chắc nơi tiền tiêu trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Ngược dòng thời gian trở lại thời điểm những năm 1965, khi ấy, miền Bắc còn ngổn ngang trong công cuộc tái thiết đất nước, miền Nam vẫn đang trong những ngày gian khổ để giành độc lập hoàn toàn, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gác lại nhiều công việc để đến với bà con ở vùng Biển đảo Cô Tô. Phải chăng đó như một lời nhắc nhở cháu con hướng tầm nhìn ra Biển Đông để bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Ngày nay, những người con đất Việt khi đến với Cô Tô, đứng giữa bốn bề sóng nước mênh mông, có thể cảm nhận được chiều cao, bề rộng của các tượng đài không phải bằng những con số mà bằng tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc... Còn với những người sống trên đảo Cô Tô, khi ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sĩ nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh để sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sẵn sàng bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương. Vì vậy có thể khẳng định, tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô có một vị trí rất đặc biệt trong hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước.
Trong lần tới thăm Cô Tô, Bác Hồ đã căn dặn bà con trên đảo: "Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Ngày nay, khoảng cách về địa lý giữa Thủ đô và vùng đảo Cô Tô đang dần được nối liền nhờ những chuyến tàu tấp nập suốt ngày đêm, nhờ điện thoại di động và cả internet. Và không phải ai cũng biết, Cô Tô là hòn đảo phủ sóng wifi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.