(Baonghean) - Vừa đến đầu làng Yên Đồng (xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) đã nghe tiếng búa khoan nhặt vang lên từ ngôi nhà của ông Trần Văn Thanh (64 tuổi). Vợ chồng ông đang nhịp nhàng quai búa, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Ông Thanh là người duy nhất ở làng Yên Đồng còn gắn bó với nghề nặng nhọc này. 

Dừng tay búa tiếp khách, ông Thanh trầm ngâm nhớ về thời kỳ hưng thịnh của nghề rèn gia truyền từng là sinh kế của trên dưới 20 hộ dân ở Diễn Vạn. “Các cụ kỵ nhà tôi vốn gốc người Hà Tĩnh mang theo nghề rèn ra đây lập nghiệp. Nghề cha truyền con nối nên con trai trong nhà được cha mình truyền lại bí quyết, vì thế nghề rèn ở Diễn Vạn chủ yếu đều là những gia đình thuộc dòng họ Trần. Tôi là thế hệ thứ 5 giữ nghề truyền thống của cha ông”, ông Thanh chia sẻ. 

images1722490_bna_580a23c082e86.jpgVợ chồng ông Trần Văn Thanh đang miệt mài bên lò rèn.

Cách đây chừng 20 năm, khi làng Yên Đồng còn có gần 20 gia đình làm nghề, không khí các lò rèn nhộn nhịp bán mua, đứng bên kia con lạch đã nghe rộn ràng âm thanh tiếng búa đập, tiếng xì xèo “tôi” các loại nông cụ...

Mỗi lò thường có 3 thợ chính và 1 thợ phụ mới làm kịp chỉ tiêu HTX nghề rèn đề ra. Sản phẩm của nghề rèn ở Diễn Vạn gồm nhiều loại, trong đó đa phần là các nông cụ sản xuất như cuốc, vét, xẻng, dao, rựa… Ngày đó, vào bất cứ thời điểm nào, ở làng Yên Đồng đều có nhiều thợ giỏi nổi tiếng như các cụ Trần Ninh, Trần Tịnh, Trần Phương, Đào Hai…

Sản phẩm của họ làm ra góp phần quan trọng làm nên thương hiệu nghề rèn Diễn Vạn. Nghề rèn vốn vất vả và để có được sản phẩm tốt, người thạo nghề đều có bí quyết riêng. Đó cũng là điều kiện để tồn tại được với nghề, bởi vậy, bí quyết chỉ được trao cho con trai trong gia đình. 

Từ nhỏ, ông Thanh đã được cha mình truyền dạy những bí quyết. Ông đã trở thành thợ giỏi có tiếng khi tuổi đời còn trẻ. Những sản phẩm nông cụ khắc tên ông được khách hàng ưu tiên lựa chọn trong các phiên chợ, các mối hàng tìm về nhập hàng đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Mặc cho các sản phẩm được sản xuất từ các nhà máy có mẫu mã đẹp, phong phú trên thị trường, sản phẩm từ nghề rèn thủ công của gia đình ông vẫn giữ được chỗ đứng trong lòng khách hàng.

Anh Thu nối nghề rèn của gia đình vợ.

Để làm ra được những sản phẩm chất lượng, người thợ thủ công phải thuần thục tất cả các công đoạn kỹ thuật, phải có kinh nghiệm để điều chỉnh nhiệt độ lò, đoán biết được độ già, non của thép… Những năm gần đây, sức khỏe yếu ông Thanh làm cầm chừng, chủ yếu để giữ nghề, nhưng ông vẫn đặc biệt coi trọng việc giữ chữ tín với khách hàng, các sản phẩm của ông được bảo hành và sẵn sàng làm lại theo yêu cầu của khách hàng.

Nghề rèn ở Diễn Vạn nay đã mai một, toàn xã hiện chỉ còn dăm hộ gắn bó với nghề, trong đó có hộ chuyên mua lại hàng về gia công đem bán. Vợ chồng ông Thanh có 5 người con, cả 3 người con trai của ông đều thoát ly, chọn công việc khác để sinh sống. Vì vậy nỗi lo nghề thất truyền làm ông không thôi day dứt... Con trai không nối nghiệp, ông Thanh quyết định truyền nghề cho con rể với mong muốn con cái vừa có nghề làm ăn, vừa giữ được nghề truyền thống của gia đình.

Khao khát giữ nghề rèn khiến ông Thanh day dứt.

Anh Bùi Sỹ Thu, con rể của ông Thanh, cho biết: “Lúc mới học nghề cũng chán nản muốn bỏ, vì chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra thường bị lỗi. Nhưng rồi được cả nhà vợ động viên, tôi dần say sưa với nghề rèn!”. Đến nay, anh Thu đã theo nghề được gần 20 năm, làm ra nhiều loại sản phẩm từ dao, kéo, rựa, rìu, mác, cuốc, xẻng… luôn được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Rời làng rèn Diễn Vạn, chúng tôi không mang theo cả cái khao khát giữ nghề của ông Thanh, và cũng không khỏi cảm thấy tiếc nuối cái không khí hoạt động một nghề truyền thống lâu đời gắn bó với đời sống lao động sản xuất nơi thôn dã.

Lan Thái

TIN LIÊN QUAN