Tình trạng tái lấn chiếm vẫn phổ biến
Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã giải tỏa được 78.468 m2 nhà ở, ki ốt, lều quán; 106.446 m2 mái che; 189 điểm rửa xe, giữ xe; 1.867 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng…. Song song với đó, ngành GTVT cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành giải, phóng tỏa hơn 1.000 cột điện, cột viễn thông và gần 20.000 cây xanh che khuất tầm nhìn để đảm bảo ATGT.
Tuy nhiên, trên cơ sở khảo sát thực tiễn tại một số huyện, tại cuộc làm việc, một số thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu lên nhiều băn khoăn, đề nghị Sở GTVT tiếp tục có giải pháp tích cực.
Đó là tình trạng khi tổ chức ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT thì rầm rộ, nhưng sau đó lại lắng xuống và tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương.
Một số địa phương lúng túng trong việc xác định phạm vi giải tỏa hành lang ATGT. Công tác phối hợp giữa các đơn vị có chức năng quản lý hạ tầng giao thông và các địa phương chưa chặt chẽ.
Ngoài các vấn đề nêu trên, một số ý kiến cũng cho rằng, tình trạng mua bán, họp chợ trên đường, nhất là các chợ trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm cũng đang gây nguy cơ mất ATGT, cần có giải pháp xử lý triệt để.
Thừa nhận những vấn đề mà các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu là chính xác, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ cũng chia sẻ một số khó khăn liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất liên quan đến hành lang ATGT của nhiều địa phương còn buông lỏng, cấp quyền sử dụng đất trên hành lang ATGT.
Việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT ở một số địa phương có những thời điểm chưa quyết liệt, thậm chí còn làm ngơ hoặc bao che cho vi phạm. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND khó thực hiện, chưa có địa phương nào có xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Kết luận tại cuộc làm việc, bên cạnh ghi nhận nỗ lực của Sở GTVT, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng cũng chỉ ra một số hạn chế và đề nghị Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo đảm bảo trật tự ATGT và triển khai Nghị quyết số 56/NQ-HĐND có hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở GTVT quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của chủ phương tiện tham gia giao thông và nhân dân trong việc đảm bảo ATGT.
Gắn với đó là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng các phương tiện, xử lý vi phạm trong hoạt động xe khách, xe buýt, xe dù; chấn chỉnh các tồn tại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Sở cũng cần tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp cảnh giới ở các điểm có nguy cơ mất ATGT; có giải pháp chống ùn tắc giao thông ở đô thị; tăng cường thu hút đầu tư, tạo nguồn lực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông…
Liên quan đến công tác giải tỏa hành lang ATGT, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở GTVT tăng cường kiểm tra, gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp huyện và xã với công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường phối hợp với chính quyền, các đơn vị quản lý đường bộ trong công tác quản lý hành lang ATGT.