Dự hội đàm về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT; đại diện các Vụ và đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT. Về phía Lào có đồng chí Khăm - phởi Kẹo-kin-na-li – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam; đại diện các ban, ngành liên quan. Ảnh: Đức Anh Đây là hoạt động thường niên nhằm đánh giá tình hình hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế. Hoạt động này cũng nhằm chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban liên Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào. Tại đây đại diện hai bên đã thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.
Có 409 dự án đầu tư với tổng giá trị đầu tư 4,1 tỷ USD
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai Chính phủ, hai Bộ KH&ĐT và Ủy ban Hợp tác hai nước, đồng chí Khăm - phởi Kẹo-kin-na-li cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 nước CHDCND Lào thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 10 Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Lào đạt 6,5%.
Đồng chí Khăm - phởi Kẹo-kin-na-li - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam phát biểu tại hội đàm. Ảnh: Đức Anh Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào – Việt cho hay, thực hiện kế hoạch hợp tác kinh tế giữa hai nước, hiện nay, có 409 dự án được cấp phép với tổng giá trị đầu tư khoảng 4,1 tỷ USD. Một số dự án đường kết nối giao thông cũng đã được Chính phủ hai nước khảo sát. Trong đó, đã nghiên cứu, khảo sát tuyến đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội và tuyến đường sắt Viêng Chăn – Thà Khẹc – Mụ Gia - Tân Ấp – Vũng Áng.
Giá trị thương mại Lào-Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018 đạt 758.11 triệu USD, tăng 16.6% so với cùng kỳ năm 2017 (650,02 triệu USD). Các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam về cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch và chất lượng. Năm 2018 có 11 dự án Việt Nam đầu tư được bàn giao cho phía Lào.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Đức Anh Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hợp tác Lào – Việt Nam Khăm - phởi Kẹo-kin-na-li cũng đề nghị Chính phủ và Bộ KH&ĐT Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, đầu tư các công trình, dự án theo kế hoạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước Lào đầu tư vào cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Phấn đấu tăng giá trị thương mại song phương, nhất là việc tạo giá trị thương mại khu vực biên giới của hai nước; tiếp tục hỗ trợ Lào trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên của hai nước
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư tại Lào
Ghi nhận những nỗ lực của Bộ KH&ĐT Lào cũng như của Ủy ban Hợp tác Lào – Việt trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực của hai nước, đồng chí Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, các thỏa thuận hợp tác song phương Việt Nam - Lào năm 2018 đã triển khai hiệu quả thiết thực. Trong 11 tháng đầu năm 2018 có 8 dự án được cấp giấy phép đầu tư vào Lào, vốn đăng ký đạt 95 triệu USD. Vốn viện trợ tiếp được sử dụng tập trung theo nhu cầu thiết yếu của Lào và theo đúng sự chỉ đạo của Lãnh đạo hai Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung phát biểu tại hội đàm. Ảnh: Đức Anh Một số dự án lớn khác cũng đã có những tiến triển quan trọng như Công trình Nhà Quốc hội Lào, Thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô, sân bay Nọng-khảng…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng cho rằng, hiện vẫn còn những tồn tại, khó khăn mà hai bên cần tích cực phối hợp xử lý, trong đó, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào thấp (khoảng 1,8/3,8 tỷ USD); một số dự án đầu tư nhất là các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, cao su đang gặp khó khăn.
Các đại biểu Bộ KH&ĐT Việt Nam dự hội đàm. Ảnh: Đức Anh Từ bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung đề nghị hai bộ và Ủy ban Hợp tác hai nước cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao; hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện; thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các dự án đầu tư và viện trợ, tạo chuyển biến về chất, nâng cao hiệu quả hợp tác hai nước; Tiếp tục đổi mới cơ chế, cách làm, tập trung nguồn lực để sử dụng có hiệu quả vốn viện trợ...
Phía Việt Nam đã thống nhất chủ trương theo đề nghị của Chính phủ Lào về gia hạn thời hạn khoản vay, cử chuyên tư vấn gia sang giúp Lào trong quản lý kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Trung cũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các khó khăn của Lào và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, chống thất thoát, tăng thu ngân sách, xử lý nợ công và nợ xấu. Đề nghị Cục Khuyến khích đầu tư Lào tăng cường chia sẻ thông tin, có các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào.