(Baonghean) - Những năm qua, với chủ trương “rải thảm” mời gọi các nhà đầu tư, hàng năm Nghệ An đón nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng chủ trương thông thoáng đó,  khoác áo "nhà đầu tư" để làm ăn bất chính.

1.Chuyện "ông Tây" hào phóng...
 
Năm đó, một người đàn ông mang quốc tịch Pháp có tên là V.l đi xe Toyota bóng lộn cùng 3 người đàn ông Việt Nam vận com lê sang trọng đến trụ sở một ngành có thẩm quyền xin được gặp lãnh đạo.
 
 
images1139991_minhhoa5.jpgMinh họa: An Vinh

Qua người trợ lý kiêm phiên dịch, V.l tự giới thiệu  là chủ tịch một tập đoàn kinh tế Âu Phi xin được thực hiện dự án phát triển xã hội. Ông ta cho biết tập đoàn của ông có 17 chi nhánh trên thế giới. Nếu được đồng ý ông sẽ cho tỉnh vay 300 triệu USD trong thời hạn 30 năm với lãi suất ưu đãi. 

 
Một dự án ở TX Cửa Lò bị ngưng trệ do nhà đầu tư không đủ tiềm lực kinh tế. (ảnh minh họa)
 
Trong một lần “cởi mở”, V.l ngập ngừng đề nghị với cán bộ chức năng xin được "ứng trước" một khoản tiền "chè nước". Hắn viện lý do để có ngần ấy tiền cho tỉnh vay thì ông ta cũng cần một khoản “gọi là” để "giao dịch" . Nghe thế mấy vị cán bộ cười, lặng nhìn nhau: Ra là bên Tây cũng chẳng khác ta, cũng "phần trăm" với "hoa hồng" với nhau cơ đấy.
 
Sau đó, thông tin về vị khách "hào phóng" có những dấu hiệu bất thường được báo sang Cơ quan an ninh kinh tế Công an tỉnh. Các trinh sát an ninh kinh tế khẩn trương vào cuộc tìm hiểu nhà đầu tư này. Và, chỉ hơn chục ngày sau, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lai lịch nhà đầu tư nước ngoài này được cơ quan chức năng làm rõ. Thì ra V.l chỉ là một gã Tây thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp của Pháp. “Vô công rồi nghề”, y sang Việt Nam theo kiểu du lịch "bụi". Và trong một lần tình cờ y lọt vào "mắt xanh" của mấy tay lừa đảo có hạng ở Hà Nội; chúng bàn với y đội lốt "nhà đầu tư nước ngoài" để lừa đảo. Sau vài vụ vào vai trót lọt ở mấy tỉnh ngoài Bắc, lần này đến Nghệ An thì chân tướng của V.l và đồng bọn bị lật tẩy.
 
2.Nữ "doanh nhân" không một xu dính túi 
 
Vào một ngày đẹp trời, đại diện lãnh đạo huyện Y. tiếp một phụ nữ độ tuổi tứ tuần có tên ghi trên danh thiếp khá đẹp: Thúy Nga.
 
Người đẹp, tên đẹp còn giọng nói thì khỏi phải bàn. Cứ gọi là “ngọt như mía lùi”. Sau khi trình đủ các loại giấy tờ “dấu son” đỏ chói, bà ta còn trao một lá thư tay của một sếp cấp cục của một bộ nữa. Và úp mở bà ta là người thân của một ông cũng thuộc diện lãnh đạo một bộ liên quan đến tài chính, kinh tế. Sau khi trò chuyện rôm rả, Thúy Nga đề nghị lãnh đạo huyện cho xây dựng một nhà máy giày da xuất khẩu và đề nghị huyện giúp đỡ.
 
Một địa phương lấy nông nghiệp làm chính nay có một nhà máy sản xuất công nghiệp thì còn gì bằng. Nhất là khi nghe nhà máy sẽ thu hút được hàng trăm lao động và tất nhiên ưu tiên con em địa phương, ai cũng phấn khởi. Phấn khởi đến mức, có một ông cán bộ huyện còn mở ví đưa cho em 2 triệu đồng "xài tạm" sau khi nghe Thúy Nga ngượng ngập bảo "có mấy việc đột xuất, nên em vừa hết tiền".
 
Tất nhiên, trong số cán bộ huyện này không phải ai cũng cả tin như vị cán bộ nọ. Họ báo cáo lên tỉnh sự việc này và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra năng lực tài chính của nữ doanh nhân. Và các chiến sỹ trinh sát an ninh kinh tế Công an Nghệ An sau một thời gian vào cuộc đã có văn bản kết luận gửi lãnh đạo huyện Y. khiến các vị tròn mắt. Hóa ra “nữ doanh nhân” xinh đẹp ấy chỉ là một ả vô nghề nghiệp và từng ngồi tù 2 năm về tội lừa đảo. Ngoài vóc người hấp dẫn, tài ăn nói ra thì thị chẳng “một xu dính túi”. Lần này dưới dạng "nhà đầu tư" thị tính về huyện Y. "khoắng" ít tiền rồi chuồn. Rất may một số cán bộ huyện Y. đã cảnh giác và thị bị lộ chân tướng.
 
3. Không thể "xem mặt mà bắt hình dong" 
 
Một lần, ngành chức năng của tỉnh đề nghị Cơ quan an ninh kinh tế Công an Nghệ An xác minh một nhà đầu tư có tên là N.Đ trước khi làm các thủ tục cấp giấy phép đầu tư. Vị này có biểu hiện khiến cán bộ chức năng nghi vấn về năng lực tài chính: ăn mặc, xe cộ thuộc diện “xoàng xoàng”; chi tiêu thì căn cơ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cơ quan an ninh lại có kết quả ngược lại. Đó là một nhà đầu tư đích thực. Doanh nhân này có tiếng là làm ăn chu đáo, bài bản. Số vốn khá. Nhờ kết quả tìm hiểu và kết luận kịp thời của cơ quan an ninh kinh tế nên doanh nghiệp N.Đ được cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi  từ các thủ tục giấy tờ cho đến những vấn đề tiếp theo. Hiện dự án đầu tư này hoạt động khá thành công và là một trong những doanh nghiệp nộp vào ngân sách vào loại khá của tỉnh.
 
Câu "trông mặt mà bắt hình dong" xem ra trong chuyện làm ăn kinh tế chưa hẳn đã đúng?
 
 
Việt Long